Hiệu quả nuôi thỏ New Zealand

09/05/2024 - 01:09

 - Đầu tư nuôi thỏ New Zealand (giống thỏ trắng), anh Lê Minh Tuấn (sinh năm 1989, ngụ ấp Trung Bình, xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) cho rằng đây là mô hình mang lại hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế gia đình.

Dẫn chúng tôi thăm trại thỏ có hơn 300 con thỏ thịt và 70 con thỏ giống, anh Tuấn hào hứng cho biết mình vừa xuất bán 1 lứa thỏ thịt, giá rất ổn định. Sau thời gian nghiên cứu thị trường, tìm hiểu qua sách báo, anh nhận thấy, thỏ New Zealand dễ nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với một số loài vật nuôi khác. Mặt khác, thỏ có nhiều ưu điểm về khả năng sinh trưởng, thịt thơm, ngon, bổ dưỡng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Thị trường thỏ thương phẩm cũng khá ổn định.

Khu chuồng trại nuôi thỏ được anh dựng rất kiên cố, mỗi dãy ngăn thành từng lồng, mỗi lồng tiếp tục chia thành từng ngăn. Lồng nuôi thỏ được đặt trên trụ cách mặt đất khoảng 80cm, trang bị máng đựng thức ăn, dụng cụ uống nước. Hàng ngày, anh Tuấn vệ sinh chuồng trại, tạo độ thông thoáng, sạch sẽ, giúp thỏ sinh trưởng và phát triển tốt.

Anh bắt đầu nuôi thỏ vào năm 2019. Ý tưởng xuất phát sau một lần tình cờ được tham quan trại thỏ ở TP. Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang). Nhận thấy mô hình nuôi thỏ chưa có ở địa phương, anh Tuấn nuôi thử hơn 10 con thỏ giống.

Sau lứa đầu tiên đạt hiệu quả nhất định, anh mạnh dạn phát triển chuồng trại, con giống như hiện nay. Hiện, diện tích chuồng nuôi thỏ của gia đình anh trên 200m2. Thỏ giống New Zealand được anh Tuấn mua từ tỉnh Đồng Nai, có đặc tính sinh sản liên tục, ít bị nhiễm bệnh.

Anh Tuấn sẵn sàng mở rộng liên kết, chuyển giao kỹ thuật

"Thỏ giống nuôi 5 - 6 tháng có thể phối giống. Sau khi phối giống thành công, thỏ mẹ mang thai 1 tháng thì sinh sản. Thỏ mẹ sau đẻ có thể phối giống sinh sản tiếp. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe cho con giống cũng như chất lượng sinh sản của thỏ, tôi cho thỏ giống nghỉ 1 tháng mới bắt đầu chu kỳ sinh sản tiếp theo.

Bình quân, thỏ giống có thể mang thai 6 - 7 lần/năm; mỗi lần đẻ được 6 - 10 thỏ con. Tôi chỉ giữ lại 6 - 7 thỏ con để nuôi. Nhờ thỏ sinh sản liên tục, năng suất khá cao nên tôi luôn đủ nguồn cung cấp thịt ra thị trường" - anh Tuấn cho biết.

Tốt nghiệp trung cấp thú y, chịu khó tham khảo thêm kinh nghiệm trên sách báo, mạng Internet, xây dựng chuồng trại đúng kỹ thuật, anh Tuấn thành công với mô hình mới này. Khâu quan trọng nhất quyết định sự thành bại của mô hình là phải biết chăm sóc, "vỗ béo" thỏ giống; biết phối giống cho thỏ cái và kỹ thuật nuôi thỏ con.

Thỏ giống đẻ chu kỳ 2 - 3 năm sẽ thay con giống mới. Người nuôi phải cho thỏ ăn nhiều hơn để chúng lấy sữa nuôi con. Sau khi được nuôi khoảng 15 - 20 ngày, thỏ con được tách ra lồng nuôi riêng. Từ lúc đẻ ra đến khi được xuất chuồng, mất khoảng 3 tháng, thỏ con đạt trọng lượng 1,9 - 2,4 kg/con.

Cẩn thận bế một con thỏ giống cho chúng tôi xem, anh Tuấn chia sẻ: "Cơ thể thỏ mẫn cảm với môi trường, nên toàn bộ nguồn thức ăn (chủ yếu là cám viên), nước uống phải đảm bảo vệ sinh, sạch sẽ. Chuồng đều được đánh dấu theo dõi thời gian phối giống, sinh trưởng, phát triển của thỏ".

Nhớ lại khoảng thời gian đầu nuôi thỏ, anh thú thật, rất vất vả tìm đầu ra. Anh phải tự tìm đến nhà hàng, quán ăn trong và ngoài địa phương. Trong quá trình tìm thị trường tiêu thụ, anh nhận ra, có một phân khúc người tiêu dùng rất thích thịt thỏ. Nhờ nỗ lực của bản thân, hiện nay, thị trường đầu ra của anh đã ổn định, trong và ngoài tỉnh đều đặt mua.

Chuồng nuôi thỏ phải đảm bảo thông thoáng, khô ráo

Từ thành công này, anh tư vấn và chuyển giao kỹ thuật cho nhiều người dân địa phương, các vùng lân cận. Cụ thể, anh Tuấn mở rộng liên kết, tiêu thụ thỏ thịt với 15 hộ dân. Hiện, thỏ thịt xuất bán có giá khoảng 70.000 đồng/kg, mỗi tháng anh xuất bán 200 - 400 con thỏ thịt. Ngoài ra, anh còn bán thỏ giống với giá 100.000 đồng/kg. Mỗi tháng, trừ hết chi phí, anh Tuấn thu về gần 20 triệu đồng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

“Nuôi thỏ không mất nhiều thời gian chăm sóc và cực công như những vật nuôi khác, nếu biết vệ sinh phòng bệnh. Thỏ phát triển tốt ở nhiệt độ trung bình 25 - 300C. Năm 2023, anh Tuấn được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn hỗ trợ 50 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, để phát triển mô hình nuôi thỏ New Zealand ứng dụng công nghệ phun sương bằng thiết bị cảm biến.

Đặc tính của thỏ là không chịu nước, nên chuồng trại lúc nào cũng phải khô ráo. Chuồng thỏ lợp mái tole. Mỗi khi bộ phận cảm biến đo được nhiệt độ trong chuồng tăng cao thì hệ thống phun sương đặt trên mái sẽ tự bật, làm mát không gian chuồng nuôi" - anh Phan Đình Vũ (cán bộ khuyến nông xã Thoại Giang) cho biết.

PHƯƠNG LAN