Trong vai trò là Bí thư Chi đoàn ấp Long Hòa, anh Minh là người thủ lĩnh nhiệt huyết, năng nổ trong mọi hoạt động Đoàn. Giải thưởng vinh dự mang tên Lý Tự Trọng của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn là phần thưởng xứng đáng dành cho anh Nguyễn Hoàng Minh trong năm 2019. “Tôi không nghĩ sẽ nhận được giải thưởng cao quý như vậy. Bởi, mọi việc tôi làm chỉ đơn giản là bằng trách nhiệm, đam mê. Đây là động lực để tôi cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nhằm xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng của mọi người!” - anh Minh bày tỏ.
Chia sẻ về ý tưởng nuôi lươn tự nhiên trong bể, anh Minh háo hức cho biết: “Nhờ những tháng ngày với công tác Đoàn, bản thân được tham gia nhiều hoạt động bổ ích, đi nhiều nơi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của các anh em về mô hình chăn nuôi lươn, ý định khởi nghiệp với mô hình nuôi lươn bắt đầu hình thành. Lúc đầu, tôi mượn gia đình 5 triệu đồng để làm bồn, mua con giống, thức ăn... Đợt thu hoạch đầu tiên, tôi thất bại, bởi số lượng lươn bị hao hụt và chết rất nhiều do chưa có kinh nghiệm. Lúc đó, gia đình, hàng xóm ai cũng nói tôi nên dừng lại. Nhưng nghĩ, thất bại là thầy của thành công, tôi tiếp tục nghiên cứu và mua con giống mới thả nuôi. Sau lần chuẩn bị kỹ hơn về con giống, tìm hiểu đặc tính của loài lươn cũng như điểm mạnh của cách nuôi tự nhiên, khoảng 7 tháng sau, tôi xuất bán lứa lươn đầu tiên. Với hơn chục kg lươn ban đầu, tôi thu hoạch trên 70kg lươn và thu về 10 triệu đồng. Trả hết tiền mượn vốn lúc đầu, tôi lời 5 triệu đồng. Tôi bắt đầu xây thêm bể nuôi, mở rộng diện tích. Đến nay, số lượng nuôi lươn là 16 bể”.
Anh Minh với mô hình nuôi lươn tự nhiên trong bể
Theo anh Minh, cách nuôi tự nhiên sẽ tạo cho lươn môi trường sống hoàn hảo giống bên ngoài. Nghĩa là, sau khi xây bồn (diện tích 25m2, cao 8 tấc), người nuôi sẽ đắp thêm 1 lớp đất bùn vào đáy bồn và thả nuôi thêm các loại cỏ thích nghi dưới nước nhằm tạo môi trường mát mẻ cho lươn trú ẩn. Con giống tự nhiên được anh Minh tự bắt hoặc đặt những người chuyên bắt lươn đồng với giá 70.000 - 90.000 đồng/kg. Với cách nuôi này, lươn dễ phát triển vì quen với môi trường sống bùn đất, mát mẻ, ít bị bệnh. Thời gian nuôi ngắn, từ 7-9 tháng là có thể thu hoạch. Trung bình 1 bể, anh Minh nuôi đạt trọng lượng từ 150kg lươn trở lên. Trừ hết chi phí, anh còn lời khoảng 10-11 triệu đồng/bể. Với 16 bể hiện có, anh Minh thu về lợi nhuận trên 160 triệu đồng/năm.
Dẫn chúng tôi tham quan bể nuôi lươn tự nhiên, dưới cái nắng gắt đang rọi thẳng từ trên cao xuống, anh Minh tự tin khoe bể nuôi của mình hoàn toàn không dùng vật liệu gì che chắn. Bởi, những cây cỏ um tùm trong bể vừa có tác dụng lọc nước, vừa che nắng rất tốt cho lươn. Dù nắng nóng cỡ nào thì nhiệt độ trong bể cũng chỉ khoảng 24-27oC. “Mỗi ngày, tôi chỉ thay nước trong bể 1 lần và cho lươn ăn 1 lần. Thức ăn của lươn chủ yếu là cá tạp. Nuôi lươn không vất vả hay khó nhọc, quan trọng là nắm được kỹ thuật và thả nuôi đúng thời điểm. Thời gian đầu, tôi bị nhiều người cười vì cách nuôi không giống ai. Nhưng gần 7 năm, với số bể nuôi tăng dần, mọi người đã tin tưởng cách nuôi ấy và học hỏi rất nhiều. Đến nay, không chỉ thanh niên trong Tổ xung kích phát triển kinh tế của ấp nuôi lươn theo mô hình của tôi, mà nhiều bà con quanh xóm cũng học và làm theo” - anh Minh nói thêm.
Từng loay hoay trong việc khởi nghiệp, khi biết đến mô hình nuôi lươn của anh Minh, anh Nguyễn Văn Sang (sinh năm 1988, xã Ô Long Vỹ) học hỏi được kinh nghiệm. Với 1 bể đầu tiên, anh Sang thu về 10 triệu đồng tiền bán lươn. Anh Sang tiếp tục mở rộng mô hình và tham gia tổ thanh niên xung kích do anh Minh dẫn dắt. “Tổ gồm 12 thành viên, khởi nghiệp với nhiều mô hình. Trong đó nhiều nhất là nuôi lươn (7 thành viên). Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để mọi người phát triển kinh tế gia đình” - anh Minh bộc bạch. Câu chuyện “tiếp lửa” khởi nghiệp không chỉ với nguồn vốn hỗ trợ, mà còn ở kinh nghiệm từ những mô hình hiệu quả. Quan trọng vẫn là tinh thần và quyết tâm khởi nghiệp của những người trẻ.
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN