Hiệu quả ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp

20/12/2019 - 07:57

 - Phát triển kinh tế nông nghiệp hiện nay phải đi đôi với bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội. Việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất được xem là giải pháp đột phá để xây dựng nền nông nghiệp toàn diện, bền vững, theo hướng hiện đại.

Sử dụng phụ phẩm từ lúa trồng nấm cho hiệu quả kinh tế khá cao

Nhiều sản phẩm hữu cơ, vi sinh được thử nghiệm hiệu quả, ứng dụng và nhân rộng trong sản xuất. Nổi bật là các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ, phân sinh học vào sản xuất lúa; trồng nấm rơm trong nhà bằng nguyên liệu compost, trồng nấm bào ngư, nấm linh chi; chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học; sử dụng men vi sinh trong nuôi trồng thủy sản. 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một trong nhiều kết quả ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp thực hiện mang lại hiệu quả kinh tế cao đó là đề tài nghiên cứu đánh giá “Hiệu lực các chế phẩm ớt, tỏi, củ hành tím trong rượu 18 độ và vôi nước 5% để phòng trị bọ dưa, sâu ăn tạp, rầy mềm, dòi đục lá trên cây dưa leo tại huyện Châu Thành”. Kết quả cho thấy, sản phẩm có hiệu quả nhất đối với việc phòng trừ côn trùng gây hại trên cây dưa leo. Lợi nhuận sử dụng các chế phẩm trừ sâu sinh học giúp giảm từ 525.000-2,582 triệu đồng/1.000m2 so với sử dụng thuốc hóa học; sản phẩm an toàn, không có dư lượng thuốc trừ sâu.

Tại huyện Chợ Mới, thực hiện mô hình thử nghiệm phân hữu cơ vi sinh - Đầu Trâu HCMK1 trên lúa Đài Thơm 8 vụ đông xuân 2018-2019, kết quả đạt được 6,86 tấn/ha và lợi nhuận bình quân hơn 18,687 triệu đồng/ha, cao hơn so với đối chứng 334.000 đồng.

Diện tích gieo trồng lúa mỗi năm của An Giang khoảng 650.000ha, lượng rơm rạ tương đương 3 triệu tấn/năm. Và rơm đã được nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân; khuyến khích thu gom để trồng nấm rơm, ủ rơm với Urea để làm thức ăn cho bò, ủ làm phân hữu cơ… Để hạn chế việc đốt đồng gây ô nhiễm môi trường, nhiều mô hình, nghiên cứu sử dụng phụ phẩm từ lúa được thực hiện: trồng nấm rơm trên lục bình, trên bông vải, trồng nấm rơm dạng trụ, trồng nấm bào ngư, nấm linh chi, nấm mèo…

Dự án trồng nấm rơm trong nhà theo hướng công nghệ cao bằng nguyên liệu compost được thực hiện tại huyện Châu Thành, Thoại Sơn, Chợ Mới và TP. Long Xuyên, nấm rơm sinh trưởng và phát triển tốt, đạt năng suất cao (1,24kg/20kg nguyên liệu), kiểm soát nhiệt độ, ẩm độ và dịch bệnh tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn 30% so phương pháp trồng ngoài trời. Năm 2019, thực hiện mô hình trồng nấm rơm trong nhà bằng nguyên liệu rơm phối trộn 30% bông vải tại 6 huyện đạt kết quả khá cao, năng suất trung bình đạt 1,2-1,6kg/m mô, lợi nhuận 1,270-4,3 triệu đồng/mô hình.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có hơn 100.000 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, vì vậy vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường được chú trọng. Từ năm 2018, tỉnh thực hiện mô hình chăn nuôi vịt siêu nạc kết hợp ứng dụng chế phẩm probiotic đạt kết quả khá cao, tỷ lệ sống trung bình 97%, trọng lượng đạt 3-3,3kg/con sau hơn 2 tháng nuôi, lợi nhuận 2,7 triệu đồng/100 con; mô hình chăn nuôi gà thả vườn kết hợp ứng dụng chế phẩm probiotic mang lại lợi nhuận cao cho nông dân, từ 3,426-4,9 triệu đồng/100con, trọng lượng gà từ 1,2-1,8kg sau 3 tháng nuôi.

Năm 2019, mô hình “Chăn nuôi gà thịt trên đệm lót sinh học kết hợp ứng dụng chế phẩm sinh học” được thực hiện tại huyện An Phú, Chợ Mới, Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Đốc, Châu Phú, Phú Tân và TP. Long Xuyên. Với quy mô 200 con/mô hình, sử dụng chế phẩm sinh học probiotic và men Balasa N01 làm đệm lót sinh học. Sau hơn 3 tháng thực hiện, gà sinh trưởng tốt, không xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ sống cao (trung bình 94,6%), trọng lượng 1-1,2kg/con, lợi nhuận từ 2,214 - gần 7 triệu đồng/200 con. Kết quả dự án “Phát triển chăn nuôi gia cầm ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo vệ sinh môi trường” với 3 loại mô hình: chăn nuôi gà thịt trên đệm lót sinh học có tỷ lệ sống 93,7%, trọng lượng trung bình 1,5kg/con, lợi nhuận 2,042 triệu đồng/100 con sau 3 tháng nuôi; chăn nuôi vịt siêu thịt trên đệm lót sinh học đạt tỷ lệ sống 93,1%, trọng lượng 3,2kg/con, lợi nhuận 3,388 triệu đồng/100 con sau 3 tháng nuôi; chăn nuôi vịt siêu trứng trên đệm lót sinh học đạt tỷ lệ sống 94%, trọng lượng vào đẻ đạt 1,4kg/con, năng suất trứng qua 8 tuần đạt 2.170 quả.

Lĩnh vực thủy sản có một số mô hình triển khai hiệu quả như: “Nuôi cá rô đồng bán thâm canh trong ao đất sử dụng men vi sinh” tại huyện Thoại Sơn, Tịnh Biên và Tri Tôn. Sau 4 tháng nuôi đạt 84gr/con, năng suất 1.160kg/1.000m2, lợi nhuận 9,335 triệu đồng/1.000m2, giúp cải thiện nguồn nước, nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

Qua đó thấy hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ sinh học, ngoài nâng cao hiệu quả sản xuất, hiệu quả kinh tế, còn kiểm soát được dịch bệnh, tăng lợi nhuận, sản phẩm nông sản chất lượng an toàn và đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế ảnh hưởng của tác động biến đổi khí hậu, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.

HẠNH CHÂU