Hình thành “vành đai xanh” bảo vệ rừng

12/03/2019 - 07:06

 - Đó là một trong những yêu cầu của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư về phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm nay. Việc huy động nhiều lực lượng, nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ rừng là rất cần thiết, bởi hiện nay thời tiết nắng nóng, khô hanh kéo dài trong khi lượng mưa lại thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm.

Nâng báo động cháy cấp 5

Trong 16.868ha diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, vùng trọng điểm cháy chiếm 7.256,2ha (hơn 43%), tập trung nhiều nhất ở huyện Tri Tôn (4.274,3ha) và Tịnh Biên (2.912ha), còn lại là TP. Châu Đốc (49,9ha) và Thoại Sơn (20ha).

Đối với huyện Tri Tôn, địa phương được khoanh vùng trọng điểm cháy lớn nhất tỉnh, cả rừng đồi núi và đồng bằng đều đang đối diện với nguy cơ cháy rất cao. “Do nắng nóng kéo dài, khu vực vùng núi khô hạn rất cao, nhất là núi Dài (các xã Lương Phi, Lê Trì, thị trấn Ba Chúc) và núi Cô Tô (các xã Núi Tô, Cô Tô, Ô Lâm). Đối với khu vực rừng đồng bằng như: Tân Tuyến, rừng tràm Bình Minh, hiện nay đang vào cao điểm thu hoạch vụ đông xuân, nhiều nông dân đốt đồng sau thu hoạch lúa nên nguy cơ cháy lan rất cao” - Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí thông tin.

Trước diễn biến nắng nóng, khô hanh kéo dài, bên cạnh tăng cường tuần tra, kiểm tra, Tri Tôn đã tổ chức lực lượng trực gác 24/24 giờ, đảm bảo thu thập số liệu dự báo phòng cháy và thông tin báo cáo hàng ngày để có chỉ đạo xử lý kịp thời, chính xác. Ông Trí cho biết, vào thời kỳ cao điểm, huyện thực hiện triệt để việc đóng chặt cửa rừng. Trường hợp khai thác rừng phải có sự đồng ý của cơ quan chức năng và có kế hoạch đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy rừng trong quá trình khai thác. Đối với các địa điểm khai thác rừng tầm vông, tỉa thưa rừng keo lá tràm, các lực lượng tập trung tuần tra, giám sát vệ sinh rừng. “Huyện đã chủ động xây dựng và bố trí lực lượng tham gia phòng cháy rừng với 696 người tham gia. Cùng với lực lượng quân sự (280 người), công an (100 người), kiểm lâm (10 người), ban quản lý rừng (10 người), còn có 17 tổ xung kích (10 người/tổ), 7 tổ hợp tác bảo vệ và phát triển rừng (10 người/tổ), 36 người tham gia hợp đồng bảo vệ rừng, trực gác rừng… Bên cạnh đó, còn bố trí 88 điểm tập kết lực lượng, phương tiện, dụng cụ chữa cháy và trực gác rừng tại các ban ấp, các vùng trọng điểm cháy” - ông Trí nhấn mạnh.

Cùng với thực hiện các biện pháp kỹ thuật như: xử lý vật liệu cháy, tổ chức đốt chủ động 10ha để tạo đường băng cản lửa, dự trữ 232 bồn chứa nước khu vực rừng đồi núi, Tri Tôn còn tiến hành bơm nước với tổng thời gian hơn 5.000 giờ vào các kênh, mương có rừng nhằm sẵn sàng cho công tác chữa cháy. “Khi xảy ra cháy phải thông báo rõ địa điểm, mức độ, cấp độ cháy. Nếu cháy lớn sẽ báo cáo về cấp trên, đồng thời thông báo khẩn cấp trên loa truyền thanh xã để huy động nhanh lực lượng tại chỗ” - ông Trí khẳng định.

Hình thành “vành đai xanh” bảo vệ rừng

Rừng đồi núi đang vào cao điểm cháy

Xây dựng giải pháp lâu dài

“Cao điểm mùa khô năm nay, nhiệt độ tăng đến 1oC so với trung bình nhiều năm, nắng nóng kéo dài hơn. Nếu xảy ra El Nino trong 6 tháng đầu năm 2019, lượng mưa có thể thiếu hụt từ 20 - 40%. Hiện nay, hầu hết diện tích rừng trọng điểm đều đã nâng báo động cháy lên cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm), ngành kiểm lâm cần xây dựng phương án phòng, chống cháy rừng khẩn cấp. Trong đó, vẫn bám theo phương châm “4 tại chỗ”, rà soát lại trang thiết bị, công tác hiệp đồng chữa cháy đảm bảo tính hiệu quả” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư chỉ đạo.

Ông Trần Anh Thư đề nghị các đơn vị chuyên môn nghiên cứu tổ chức diễn tập chữa cháy rừng có sự phối hợp tham gia của các lực lượng để ứng phó hiệu quả khi xảy ra cháy trong thực tế. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về công tác bảo vệ, phòng, chống cháy rừng, đặc biệt tăng thời lượng tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh ở các xã, phường, thị trấn, những nơi có đông khách hành hương nhằm hạn chế vi phạm sử dụng lửa, dẫn đến nguy cơ cháy rừng. “Qua thực tế các vụ cháy rừng, nguyên nhân đều bắt nguồn từ phía các hộ dân sống ở khu vực chân núi và bìa rừng nên về lâu dài, Chi cục Kiểm lâm An Giang cần phối hợp các ngành, địa phương có rừng hình thành “vành đai xanh” ở khu vực dưới chân núi và bìa rừng, khu tiếp giáp với dân cư bằng hệ thống vườn cây ăn trái, cây dược liệu hay các hồ nuôi cá… Đây là giải pháp vừa giúp bà con phát triển kinh tế, vừa bảo vệ và phòng, chống cháy rừng hiệu quả” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư gợi ý.

Theo Chi cục Kiểm lâm An Giang, hiện nay, nhiệt độ không khí buổi trưa và đầu giờ chiều tăng cao, nắng nóng gay gắt, các vật liệu cháy dưới tán rừng đã khô, độ ẩm rất thấp nên dễ bắt lửa gây cháy lớn và lây lan nhanh trên diện rộng. Cùng với nâng mức báo động cháy rừng lên cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm), ngành kiểm lâm đã xây dựng các phương án, bố trí lực lượng, phương tiện chữa cháy để ứng trực 24/24 giờ.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN