Hít hà hương cốm Tú Lệ - đặc sản của núi rừng Tây Bắc

19/10/2022 - 07:58

Cốm Tú Lệ có hạt to tròn, hương vị thơm dẻo đặc trưng khiến bất cứ ai đã từng có dịp thưởng thức đều không thể quên.

Tháng 10 đến, ở Tây Bắc, dưới chân đèo Khau Phạ, lúa nếp non trên những thửa ruộng bậc thang của xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn hay ở các bản Lìm Mông, Lìm Thái của xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải đã cắt gần xong, người dân cũng hối hả giã cốm.

Nếp Tú Lệ thơm ngon là do khí hậu ở đây mát mẻ quanh năm. Đất Tú Lệ có nhiều mùn và khoáng chất, dòng suối chảy từ đỉnh đèo Khau Phạ xuống nước trong vắt, đó là những yếu tố tự nhiên tạo nên hương vị đặc biệt của hạt gạo nếp Tú Lệ.

Nếp Tú Lệ có hạt to tròn, trắng trong, khi được đồ thành xôi có vị dẻo, thơm đặc biệt; còn khi chế biến thành cốm lại có hương vị ngọt ngào, thanh mát.

Hình ảnh người dân Tú Lệ giã cốm:

Khi lúa nếp khum ngọn, còn nguyên hương sữa, người dân gặt về làm cốm.

Người dân ra ruộng từ sáng sớm, hái những bông lúa còn đẫm sương đêm mang về tuốt. 

Các công đoạn làm cốm ở đây hoàn toàn thủ công.

Lúa tuốt xong sẽ được rang ngay, nếu để cách ngày thì hạt cốm không còn xanh ngon nữa.

Rang cốm là bước quan trọng nhất. Bếp lò rang nếp thường phải đắp xỉ than nhưng không đốt than mà dùng củi. Chảo rang thường bằng gang đúc, như vậy cốm khi rang xong sẽ không bị cháy mà mềm dẻo, thơm ngon.

Khi rang nếp, để lửa nhỏ, đảo liên tục sao cho nóng đều, đợi nguội rồi cho từng mẻ vào cối giã.

Tùy theo độ non của lúa khi gặt mà người giã cốm sẽ ước lượng, trung bình khoảng 10 lần giã mới hoàn tất mẻ cốm. 

Lòng cối được đặt âm xuống đất. Giã càng đều, càng dẹp được hạt cốm, cốm sẽ càng thơm càng dẻo và ngon hơn. 

Cốm Tú Lệ cùng với ruộng lúa chín vàng bậc thang... đã trở thành biểu tượng văn hóa Yên Bái, làm nên thương hiệu đặc sắc của mảnh đất vùng cao này.

Theo LÊ PHÚ (Báo Tin Tức)