Ứng dụng công nghệ cao
Ngày 29/6/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình hành động 06-CTr/TU về phát triển HTX, THT gắn với tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang; UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện hàng năm. Điều này cho thấy quyết tâm của tỉnh trong phát triển kinh tế hợp tác.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trương Kiến Thọ cho biết, toàn tỉnh hiện có 210 HTX nông nghiệp, với 13.144 thành viên. Trong đó, 196 HTX đang hoạt động theo Luật HTX 2012; 2 liên hiệp HTX (Thoại Sơn và Tri Tôn), với 21 HTX thành viên. Trong số 938 nhân sự tham gia quản lý, điều hành HTX, 208 người có trình độ đại học trở lên (chiếm 22,2%), 18 người đạt trình độ cao đẳng (chiếm 1,9%), từ THPT trở xuống (61,2%), còn lại là trung cấp, sơ cấp. Toàn tỉnh có 1.087 THT đang hoạt động, với 15.925 thành viên.
Từ đầu năm đến nay, hơn 30 HTX, liên hiệp HTX hợp tác, liên kết với gần 30 DN. Bên cạnh đó, 33 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, như: Trồng dưa lưới trong nhà màng, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt; tưới tiết kiệm nước, kết hợp sử dụng điều khiển qua điện thoại thông minh; nuôi lươn theo tiêu chuẩn VietGAP; hệ thống tưới sử dụng pin năng lượng mặt trời... tập trung tại các địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn (huyện Thoại Sơn, An Phú, Phú Tân, Tri Tôn, Châu Phú).
Bằng nhiều nỗ lực, 5 HTX có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao, gồm: HTX Sản xuất - kinh doanh (SXKD) dịch vụ nông nghiệp Chợ Mới (nước ép xoài), HTX Nông nghiệp An Bình (gạo An Bình 1), HTX Thương mại dịch vụ du lịch Khánh Hòa (nhãn xuồng), HTX Nông nghiệp Long Bình (xoài keo), HTX Thương mại dịch vụ chăn nuôi ếch Khánh Hòa (các sản phẩm từ ếch).
Phát triển thị trường
Ông Trương Kiến Thọ cho biết, từ đầu năm đến nay, Sở NN&PTNT phối hợp tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, diễn đàn, hội chợ kết nối tiêu thụ nông sản cho HTX, THT, DN. Trong đó, tổ chức buổi làm việc với Công ty Cổ phần Bách Hóa Xanh, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại tổng hợp Wincommerce để hỗ trợ kết nối sản phẩm của 5 DN, HTX vào hệ thống cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà phân phối trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ DN, cơ sở SXKD, HTX, THT trên địa bàn kết nối tiêu thụ với DN phân phối hàng hóa tại Vương quốc Campuchia, từng bước khôi phục lại hoạt động SXKD của DN sau thời gian ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19.
Các sở, ngành tỉnh hỗ trợ trên 60 DN, cơ sở SXKD, HTX, THT, hộ kinh doanh cá thể mở gian hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử (sanphamangiang.com), với gần 1.690 sản phẩm được quảng bá, giới thiệu, kết nối kinh doanh trên môi trường số.
Ngoài ra, hỗ trợ 5 HTX đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử (Voso, Postmart, Sanocop); hỗ trợ 15 HTX ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào hoạt động SXKD của HTX (triển khai ứng dụng phần mềm nhật ký sản xuất FaceFarm, phần mềm kế toán HTX Waca). HTX, THT còn được hỗ trợ triển khai vận hành cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, kết nối Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia…
Thu hút đầu tư
Cùng với các chính sách chung của Trung ương, An Giang còn có chính sách thu hút DN trong và ngoài nước đến đầu tư tại tỉnh, đặc biệt là liên kết sản xuất với HTX, THT. Theo ông Trương Kiến Thọ, từ đầu năm 2023 đến nay, Sở NN&PTNT phối hợp kết nối, tạo điều kiện cho 13 DN uy tín, có tiềm lực tài chính nghiên cứu và triển khai liên kết sản xuất với HTX, THT trên địa bàn tỉnh, xây dựng, hình thành vùng nguyên liệu quy mô sản xuất hàng hóa lớn.
Đến nay, 7 DN ký kết thỏa thuận hợp tác với UBND tỉnh (Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Tân Long, Tập đoàn TH, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Tiran, Công ty Sunrice, Nafoods Group); 9 DN ký kết thỏa thuận hợp tác với Sở NN&PTNT triển khai dự án đầu tư, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực với HTX, THT tại các địa phương.
Sở NN&PTNT còn phối hợp cơ quan, đơn vị hỗ trợ, tạo điều kiện cho 37 HTX, THT tiếp cận nguồn vốn (tín dụng, vốn thực hiện Nghị định 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ) để triển khai mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số vào SXKD. Ngoài ra, hỗ trợ 4 HTX xây dựng, quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc để phát triển thương hiệu sản phẩm chủ lực của tỉnh, gồm: HTX GlobalGAP Mỹ An, HTX Trái cây GAP Chợ Mới, HTX Nông sản an toàn Kiến An (huyện Chợ Mới), HTX Thương mại dịch vụ chăn nuôi ếch Khánh Hòa (huyện Châu Phú).
Đến nay, Liên minh HTX An Giang đã hoàn thiện dự thảo, báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xin ý kiến HĐND tỉnh xem xét, phê duyệt thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; cơ cấu vốn điều lệ phân kỳ mỗi năm ít nhất 5 tỷ đồng, cho đến khi vốn điều lệ đạt 50 tỷ đồng. |
NGÔ CHUẨN