Hỗ trợ nông dân trồng nấm nâng cao hiệu quả

29/03/2022 - 06:56

Thời gian qua, các mô hình trồng nấm rơm trong nhà, cụ thể là dạng trụ đã mang đến hiệu quả bước đầu về năng suất và lợi nhuận, phù hợp với nông hộ có ít đất sản xuất. Tuy nhiên, sau nhiều vụ trồng vẫn xuất hiện một số nhược điểm cần khắc phục, để có thể tối ưu hóa hiệu quả kinh tế và sẵn sàng nhân rộng.

Mô hình trồng nấm dạng trụ xoay kết hợp hệ thống phun ẩm

Sau thời gian khảo sát thực tế, Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành tìm hiểu được những nhược điểm mà nông dân áp dụng mô hình trồng nấm rơm dạng trụ đã và đang gặp phải. Theo kỹ sư Phạm Thị Như (cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành), mô hình trồng nấm rơm dạng trụ có rất nhiều thuận lợi, như: Dễ trồng, dễ thu hoạch, nông dân ít đất sản xuất vẫn có thể tận dụng diện tích đất xung quanh nhà để phát triển, nâng cao thu nhập.

Tuy nhiên, mô hình vẫn có một số nhược điểm. Sau khi tưới, dưới chân trụ nấm thường xuất hiện tình trạng dư nước (cách từ chân trụ lên 20cm); lượng ẩm trong trại nấm khó kiểm soát (nhất là vào thời điểm mùa nắng). Bên cạnh đó, khoảng cách giữa trụ này đến trụ kia còn xa (1,2m) nên chưa tận dụng hết diện tích nhà trồng.

Ngoài ra, việc ứng dụng hệ thống phun ẩm trong nuôi trồng nấm trước giờ hầu như chỉ được thực hiện trên nấm bào ngư, linh chi. Việc sử dụng hệ thống phun ẩm giúp kiểm soát ẩm độ trong mô và trong trại nấm đạt yêu cầu hơn, tuy nhiên chưa có mô hình nào áp dụng đối với nấm rơm được trồng tại huyện Châu Thành…

Chính vì vậy, từ tháng 4/2021, Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành triển khai thử nghiệm đề tài: “Ứng dụng mô hình trồng nấm rơm dạng trụ xoay kết hợp với hệ thống phun ẩm” tại hộ ông Dương Văn Tài (xã Vĩnh Lợi). Ông Tài là nông dân có nhiều năm kinh nghiệm trồng nấm rơm, từ trồng ngoài trời, cho đến trồng nấm trong nhà, với mô hình dạng trụ. Hội thảo thu hút đông đảo nông dân trong và ngoài địa phương tham gia, học tập kinh nghiệm, áp dụng. Tại hội thảo, nông dân được thông tin về đề tài, các nghiệm thức được thực hiện, thực tế quan sát 2 trại nấm được thực hiện với 2 nghiệm thức khác nhau để dễ dàng so sánh…

Cụ thể, mô hình được thực hiện với 2 nghiệm thức: Chất rơm theo dạng trụ (đối chứng) và chất rơm theo dạng trụ xoay kết hợp phun ẩm. Cả 2 nghiệm thức được trồng trong nhà trồng rộng 42m2 và được lặp lại 3 lần giống nhau, tương đương 3 vụ trồng. Ở nhà trồng với nghiệm thức đối chứng sẽ được bố trí 30 trụ nấm, khoảng cách giữa tâm trụ này đến trụ kia 1,2m. Còn với nghiệm thức nhà trồng nấm dạng trụ xoay kết hợp hệ thống tưới phun ẩm sẽ được bố trí 42 trụ nấm, khoảng cách giữa tâm trụ với nhau là 1m, có lắp hệ thống phun ẩm. Thời gian nghiên cứu được thực hiện lặp lại trong 3 vụ, với cách ngâm, ủ rơm, phối trộn bông vải… giống nhau.

Với cách làm này, sẽ so sánh năng suất và hiệu quả kinh tế giữa mô hình trồng nấm rơm dạng trụ và trồng nấm rơm dạng trụ xoay kết hợp hệ thống phun ẩm. Như vậy, sẽ dễ dàng giới thiệu đến nông dân mô hình tối ưu về hiệu quả và lợi nhuận, giúp nông dân cải tiến hình thức trồng nấm rơm trên địa bàn huyện Châu Thành.

Với mô hình trồng nấm rơm trong nhà mang lại hiệu quả, ngoài các kỹ thuật về chọn, ủ, phối trộn nguyên liệu thì khâu vệ sinh trại nấm rất quan trọng, góp phần hạn chế được mầm bệnh lây nhiễm đến vụ trồng kế tiếp. Do đó, cần tuân thủ quy trình chăm sóc, chỉ như vậy mới giúp đảm bảo được năng suất và hiệu quả sản xuất nấm. Cách vệ sinh trại nấm cũng đơn giản nhưng nông dân phải tuân thủ. Đầu tiên là xịt rửa nước, xà bông ngay khi kết thúc vụ nấm. Sau đó, tráng một lớp hồ dầu lên nền xi-măng, kèm theo xông nhà trồng bằng Formol andehit và đóng kín cửa trong 12 tiếng.

Khoảng 1-2 ngày sau khi áp dụng phương pháp vệ sinh trại thì có thể bắt đầu vụ nấm rơm mới. Kết quả thực hiện đến nay cho thấy, mô hình trồng nấm rơm dạng trụ xoay kết hợp hệ thống phun ẩm có nhiều ưu điểm hơn so với đối chứng, kiểm soát được ẩm độ, giúp chất lượng nấm đẹp và bảo quản được lâu; thời gian thu hoạch kéo dài… Từ đó, lợi nhuận thu được cao hơn so với nghiệm thức đối chứng. Đây là cơ sở để tối ưu hóa hiệu quả và nhân rộng của mô hình, góp phần tăng thu nhập của người trồng nấm rơm trên đơn vị diện tích sản xuất.

“Khi có sự cải tiến từ mô hình trồng nấm rơm dạng trụ sang trụ xoay áp dụng hệ thống phun ẩm, tôi thấy hiệu quả ngay trên chính mô hình của mình. Cách làm đơn giản, có phần thuận tiện hơn trong chăm sóc và thu hoạch nấm, khi ngồi một chỗ có thể xoay cả trụ nấm. Ngoài ra, có hệ thống phun ẩm, người trồng không cần phải vác bình đi tưới như trước nữa, mà có thể dễ dàng kiểm soát độ ẩm trong nhà trồng, hạn chế được việc đọng nước ở chân trụ nấm, làm giảm năng suất” - ông Dương Văn Tài cho hay.

ÁNH NGUYÊN