Hỗ trợ người dân nông thôn ứng phó với thiên tai
Giúp đỡ người dân bị thiệt thòi
Những năm qua, việc hỗ trợ phát triển sản xuất ở những địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống theo Chương trình 135 đã phát huy hiệu quả tích cực. Theo Chi cục Phát triển nông thôn, kinh phí chương trình năm 2019 là gần 4,54 tỷ đồng, triển khai tại 18 xã và 27 ấp của 5 huyện, thị xã (Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú, Thoại Sơn, TX. Tân Châu). Dự kiến đến cuối năm sẽ triển khai giải ngân đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch.
Theo kế hoạch, tổng kinh phí thực hiện Chương trình bố trí di dân năm 2019 là 3 tỷ đồng, hỗ trợ cho 150 hộ dân trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố (định mức 20 triệu đồng/hộ dân). Đến nay, đã hỗ trợ cho 17 hộ dân di dời khỏi vùng bị thiên tai, sạt lở trên địa bàn huyện Châu Phú và TX. Tân Châu, với tổng kinh phí hỗ trợ 340 triệu đồng. Ngày 3-9-2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có công văn đề nghị Phòng NN&PTNT/Phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ của các hộ dân bị ảnh hưởng sạt lở đất bờ sông đã di dời đến nơi ở mới an toàn, được thẩm tra đúng đối tượng nhận hỗ trợ theo quy định và rà soát, lập danh sách các hộ dân sinh sống trong vùng sạt lở phải di dời để đề nghị thẩm tra nhận hỗ trợ từ chính sách. Dự kiến đến cuối năm 2019, sẽ giải ngân 100% kinh phí được giao để hỗ trợ cho 150 hộ dân.
Mới đây, Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp Chi cục Thủy lợi đã rà soát, tổng hợp danh sách các hộ dân bị mất nhà do thiên tai sạt lở đất, hiện không có nhà phải đi ở nhờ hoặc ở lều, lán, nhà tạm giai đoạn 2016-2018. Đồng thời, tổ chức thẩm tra, xác định cụ thể số lượng và đối tượng để báo cáo, đề xuất UBND tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ. Đến nay, đã thẩm tra đối tượng hộ dân bị ảnh hưởng thiên tai trên địa bàn huyện Phú Tân và Châu Thành, có 5 hộ đủ điều kiện được hỗ trợ theo quy định.
Phát triển các ngành nghề nông thôn
Cùng với gắn kết thực hiện “Cánh đồng lớn”, Chi cục Phát triển nông thôn còn hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp xây dựng hợp tác xã (HTX) kiểu mới. Từ đầu năm đến nay, đã hỗ trợ thành lập mới 5 HTX nông nghiệp tại các huyện: Tri Tôn (2 HTX), Châu Phú, Phú Tân và Châu Thành (1 HTX/huyện). Đồng thời, thí điểm triển khai hỗ trợ trí thức trẻ về đảm nhận các vị trí chủ chốt trong HTX, bước đầu cho thấy hiệu quả thiết thực. Trong xây dựng “Cánh đồng lớn”, bên cạnh những vùng sản xuất ổn định lâu nay, Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp địa phương đã tổ chức 2 cuộc gắn kết giữa Công ty TNHH lương thực Tấn Vương với các vùng nguyên liệu, gồm: HTX Nông nghiệp Vĩnh Thạnh (xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú) ký hợp đồng sản xuất 200ha giống OM6976 vụ thu đông 2019; 3 HTX của huyện Chợ Mới (Phú Quới, Tân Quới và Thuận Quới) ký hợp đồng tiêu thụ vụ đông xuân 2019-2020 với 4 loại giống (Jasmine 85, Đài Thơm 8, OM6976 và OM5451). Ngoài ra, đơn vị đã tổ chức 10 lớp tập huấn về kỹ năng thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất tại các huyện: Châu Thành, Châu Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên, Chợ Mới và Phú Tân.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 63 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho 1.830 lao động nông thôn. Đến hết năm 2019, dự kiến tổ chức được 183 lớp đào tạo nghề nông nghiệp, với kinh phí 2,7 tỷ đồng, đạt 90% kế hoạch. Đồng thời, tổ chức đào tạo cho 43 lao động ở các doanh nghiệp nông thôn; đào tạo 1.107 lao động cho HTX, trang trại, lao động tham gia các dự án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đào tạo 680 người là đối tượng chính sách, an sinh xã hội.
Bên cạnh đào tạo nghề nông nghiệp, Chi cục Phát triển nông thôn còn phối hợp các địa phương duy trì và phát triển các làng nghề nông thôn. Hiện nay, toàn tỉnh có 29 làng nghề được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chí “Làng nghề tiểu thủ công nghiệp tỉnh An Giang”, tập trung nhiều nhất ở huyện Chợ Mới. Các làng nghề góp phần giải quyết việc làm cho 5.056 hộ, với 13.747 lao động địa phương tham gia sản xuất. Thu nhập bình quân thấp nhất 900.000 đồng/lao động/tháng (làng nghề bánh tráng Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên), cao nhất 4,5 triệu đồng/lao động/tháng (làng nghề mộc ở huyện Chợ Mới).
Song song với hỗ trợ phát triển các ngành nghề nông thôn, Đề án mỗi xã một sản phẩm tỉnh An Giang giai đoạn từ nay đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Đề án OCOP_AG) đang được triển khai tích cực. Đề án sẽ giúp hỗ trợ các sản phẩm đặc trưng của tỉnh xây dựng thương hiệu, uy tín, chất lượng, xúc tiến thị trường để nâng cao giá trị sản phẩm cũng như thu nhập người dân nông thôn.
Bài, ảnh: HOÀNG XUÂN