Hỗ trợ phát triển rau sạch cho đồng bào dân tộc thiểu số Khmer

19/09/2019 - 07:15

 - Việc triển khai thí điểm thành công 2 mô hình vườn rau an toàn theo hướng hữu cơ tại xã Ô Lâm (Tri Tôn) đã và đang mang lại ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, nâng cao ý thức về sản xuất, tiêu thụ rau sạch trong đồng bào DTTS.

Ô Lâm là xã có đông đồng bào DTTS Khmer sinh sống, chiếm khoảng 97% số dân, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Phần lớn người dân thuộc diện hộ nghèo, có cuộc sống khó khăn. Những năm qua, thông qua việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước… địa phương đã tạo điều kiện để bà con nông dân tiếp cận với các mô hình thoát nghèo.

Đặc biệt gần đây, được sự hỗ trợ từ Dự án “Thúc đẩy mối quan hệ đối tác giữa Úc và Việt Nam thông qua phát triển nông nghiệp hữu cơ: đào tạo và tổ chức hội thảo ở 2 quốc gia” đã giúp nhiều hộ nghèo trong địa bàn xã được tiếp cận với mô hình canh tác rau màu theo hướng hữu cơ, tạo ra nông sản sạch. Nhờ vậy, cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao.

Chúng tôi đến thăm gia đình bà Néang Kia (68 tuổi, ngụ ấp Phước An), một trong những hộ thuộc dạng nghèo của xã Ô Lâm. Bà Néang Kia cho biết, trước đây, kinh tế gia đình bà chủ yếu dựa vào việc trồng các loại rau màu như: khoai môn, đậu, rau muống… Tuy nhiên, do chưa có hệ thống nước tưới và chưa tiếp cận được với các giống cây trồng cho năng suất cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Để trang trải cuộc sống hàng ngày, bà Néang Kia phải làm thêm các công việc khác như: mót lúa (khi tới mùa) hay hái rau đồng rồi đem ra chợ bán.

Vườn rau hữu cơ của hộ bà Néang Kia

Tháng 5-2019, được sự hỗ trợ của Trường Đại học An Giang (ĐHAG) gia đình bà Néang Kia được tiếp cận với mô hình vườn rau hữu cơ với các loại rau như: rau muống, cải xanh, cải ngọt, đậu đũa… Ngoài ra, bà còn được hỗ trợ xây dựng 1 giếng nước và kéo điện để phục vụ cho sản xuất, tưới tiêu, đồng thời xây dựng mô hình với diện tích khoảng 300m2. Rau màu được trồng theo phương pháp sạch, không sử dụng thuốc hóa học nên được người dân địa phương đón nhận.

“Vụ đầu tiên gia đình tôi trồng rau muống và được tiêu thụ chủ yếu ở các chợ địa phương. Những ngày bán không hết hàng, bà con ở khu vực lân cận biết gia đình trồng rau sạch nên cũng an tâm đến mua. Lợi nhuận thu được, tôi mua thêm các loại cây giống cũng như các vật dụng hàng ngày”- bà Néang Kia chia sẻ.

Cũng như hộ bà Néang Kia, chùa Svaydonkum (chùa B52) là một trong những nơi được hỗ trợ xây dựng thí điểm mô hình trồng rau sạch theo hướng hữu cơ với diện tích khoảng 300m2. Mô hình được đánh giá khá cao, sản lượng rau không những phục vụ đủ cho các sư sãi trong chùa, mà còn cung cấp một phần cho các hộ dân lân cận.

Vườn rau hữu cơ tại chùa B52. Ảnh: Nhóm Mekong Organic

Chủ tịch Hội Nông dân xã Ô Lâm Tiêu Đình Hiếu Nhân Hậu đánh giá, mô hình bước đầu mang lại hiệu quả khả quan, giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập, góp phần không nhỏ trong việc giảm nghèo. Đồng thời, giúp nâng cao nhận thức của bà con nông dân trong việc sản xuất, tiêu thụ rau sạch tại địa phương.

Chương trình “Xây dựng mô hình thí điểm vườn rau hữu cơ hộ gia đình và cộng đồng cho phụ nữ Khmer tại xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang” thuộc hợp phần 4 của Dự án “Thúc đẩy mối quan hệ đối tác giữa Úc và Việt Nam thông qua phát triển nông nghiệp hữu cơ: đào tạo và tổ chức hội thảo ở 2 quốc gia”.

Mục đích của Dự án nhằm hình thành và phát triển mối quan hệ đối tác giữa Úc và Việt Nam trong việc thúc đẩy nền nông nghiệp hữu cơ thông qua tổ chức các khóa tập huấn và đào tạo ngắn hạn cho các đối tượng là cán bộ nông nghiệp, nhà khoa học, nông dân và những người đam mê nông nghiệp sinh thái và hữu cơ.

Th.S Nguyễn Văn Thái, giảng viên Trường ĐHAG, thành viên tham gia chương trình “Xây dựng Mô hình thí điểm vườn rau hữu cơ hộ gia đình và cộng đồng cho phụ nữ Khmer tại xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang” cho biết, chương trình đã thu lại nhiều kết quả khả quan. Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế, mà quan trọng hơn là đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của người nông dân trong việc sản xuất và tiêu thụ rau sạch.

ĐỨC TOÀN