Hỗ trợ thúc đẩy hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ

20/06/2023 - 04:02

 - Ngày 28/4/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư ký quyết định 16/2023/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định hỗ trợ thúc đẩy hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ trên địa bàn tỉnh (ban hành kèm theo Quyết định 71/2019/QĐ-UBND), có hiệu lực từ ngày 10/5/2023.

Cụ thể: 1. Sửa đổi, bổ sung Điểm c và đ, Khoản 4, Điều 3, như sau:

c) Những mô hình từ thực tiễn có hiệu quả, khi gửi hồ sơ dự án để xem xét hỗ trợ từ quy định này, thì mô hình phải được thẩm định từ đơn vị/tổ chức khoa học và công nghệ (KH&CN) có chuyên môn trong lĩnh vực được đề nghị hỗ trợ.

đ) Tổ chức chủ trì dự án phải có đủ năng lực hoặc huy động được nguồn lực từ bên ngoài để bảo đảm được tài chính, quản lý, công nghệ, sở hữu trí tuệ, pháp lý và những yếu tố quan trọng khác cho việc thực hiện thành công dự án. Hoặc tổ chức chủ trì dự án có khả năng huy động được nguồn kinh phí để thực hiện thông qua sự cam kết hợp tác với doanh nghiệp (DN) hoặc tổ chức, cá nhân có nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước và sử dụng kết quả dự án; ưu tiên hỗ trợ DN có sử dụng nguồn vốn từ quỹ phát triển KH&CN của DN.

2. Sửa đổi, bổ sung Điểm b, Khoản 4, Điều 4, như sau:

b) Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất phải tăng ít nhất 10% giá trị gia tăng của sản phẩm và có năng suất lao động cao hơn so trước khi thực hiện dự án”.

3. Sửa đổi, bổ sung Điểm c, Khoản 4, Điều 5 và bổ sung Khoản 5, Điều 5, như sau: “4. Dự án hỗ trợ sản xuất thử nghiệm, ứng dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất sản phẩm mới, cải tiến thay đổi quy trình công nghệ cần đáp ứng các điều kiện sau:

c) Chứng minh được hiệu quả của dự án:

Đối với dự án nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, kết quả, sản phẩm dự kiến phải có địa chỉ ứng dụng hoặc chuyển giao;

Hỗ trợ thúc đẩy hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ

Dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến phải tạo ra được sản phẩm, dịch vụ được triển khai tối thiểu ở quy mô huyện, thị xã, thành phố;

Sản phẩm tạo ra của dự án sản xuất sản phẩm mới phải có tính năng, chất lượng, giá cạnh tranh so sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu;

Việc thay đổi quy trình công nghệ góp phần tăng ít nhất 10% giá trị gia tăng của sản phẩm.

5. Triển khai ứng dụng các mô hình quản trị, sản xuất - kinh doanh cho DN theo hướng sản xuất thông minh trong sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm cần đáp ứng các tiêu chí theo Khoản 4, Điều 7 của Thông tư 06/2021/TT-BKHCN, ngày 18/6/2021 của Bộ trưởng Bộ KH&CN hướng dẫn quản lý Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030”.

4. Sửa đổi, bổ sung Khoản 3, Điều 8 và bổ sung Khoản 4, Điều 8, như sau:

“3. Dự án nhân rộng được thực hiện tối đa 3 lần cho 1 sản phẩm/dự án (không bao gồm các dự án có liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị hoặc tổ hợp tác, hợp tác xã). Mỗi dự án nhân rộng phải có tối thiểu từ 3 hộ hoặc tổ chức trở lên cùng tham gia thực hiện dự án, sản xuất cùng một loại sản phẩm, có hợp đồng bao tiêu và cam kết duy trì dự án sau nghiệm thu 5 năm. Dừng hỗ trợ việc thực hiện nhân rộng dự án đối với trường hợp công nghệ/quy trình kỹ thuật đang ứng dụng được cải tiến hoặc thay thế bởi công nghệ/quy trình kỹ thuật mới, tiên tiến. Ưu tiên cho các dự án quy mô sản xuất vùng, sản xuất tập trung, vùng nguyên liệu.

4. Đối với các dự án KH&CN hỗ trợ thuộc quy định này, sau khi được hội đồng nghiệm thu đánh giá kết quả đạt từ 80 điểm trở lên, có thể tiến hành ngay dự án hỗ trợ nhân rộng nếu địa phương có nhu cầu”.

5. Sửa đổi, bổ sung Điểm a, Khoản 2, Điều 9, như sau:

“2. Dự án tăng cường nguồn lực cho đổi mới công nghệ vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn:

a) Đầu tư tăng cường tiềm lực và nâng cao năng lực phổ biến, chuyển giao công nghệ của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, cần đáp ứng các điều kiện sau: Xác định cụ thể, mục tiêu, nội dung, giải pháp của dự án; xác định được đúng nhu cầu, đối tác của chuyển giao công nghệ; huy động được nguồn lực để chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ cho DN, nông dân; có kế hoạch hoạt động và được địa phương cam kết cùng hỗ trợ phát triển”.

6. Bổ sung Điểm đ, Khoản 2, Điều 9, như sau:

“đ) Xác định các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và kỹ thuật theo đặc trưng của từng vùng, từng địa bàn để làm cơ sở lựa chọn thực hiện việc hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ và nhân rộng điển hình.”

7. Sửa đổi, bổ sung tên Chương III như sau: “Chương III. Tổ chức thực hiện hỗ trợ”.

8. Sửa đổi, bổ sung Điều 10. Tiếp nhận hỗ trợ, như sau: Sở KH&CN tiếp nhận hồ sơ dự án của các tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án về ứng dụng, đổi mới công nghệ; nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả; sản xuất thử nghiệm; chuyển giao công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, sáng chế, sáng kiến, giải pháp hữu ích; tập huấn kỹ thuật. Hồ sơ dự án áp dụng theo Điều 5 của Thông tư 08/2017/TT-BKHCN, ngày 26/6/2017 của Bộ trưởng Bộ KH&CN quy định tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước”.

H.C