Hoạt động ngành công thương thời COVID-19

29/10/2020 - 06:26

 - Từ đầu năm đến nay, ngành Công thương An Giang đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp duy trì và thúc đẩy sản xuất công nghiệp, phát triển thương mại, ổn định thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa và biến động giá cục bộ. Cùng với sự nỗ lực của doanh nghiệp (DN) và chính sách hỗ trợ của nhà nước, của tỉnh trong tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục được thực hiện và phát huy hiệu quả.

Hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử

Một số kết quả nổi bật

9 tháng của năm 2020, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,85% so cùng kỳ. Điểm sáng của khu vực này là ngành sản xuất và phân phối điện tăng 22%; ngành khai khoáng tăng 19,05%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 13,50%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,81%.

Theo Giám đốc Sở Công thương An Giang Nguyễn Minh Hùng, trong lĩnh vực công nghiệp, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh tại một số quốc gia, các DN, cơ sở tiểu thủ công nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm và đã có một số DN, cơ sở tiểu thủ công nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, hoạt động cầm chừng trong tháng 4-2020.

Đến nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 cơ bản đã khống chế, nhưng vẫn còn ảnh hưởng chung về thị trường trong nước và thế giới. Kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8-2020, thuận lợi cho việc xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh sang Châu Âu, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phục hồi và tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng của năm 2020 tăng 4,06% so cùng kỳ.

Từ đầu năm đến nay, thị trường hàng hóa trong tỉnh được các DN cung ứng dồi dào, nhu cầu tiêu dùng của người dân đảm bảo, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng dẫn đến biến động giá cục bộ trong tình hình dịch bệnh COVID-19. Do tỉnh không xảy ra dịch bệnh nên nguồn hàng, sức mua, giá cả các mặt hàng thiết yếu tại các chợ, cửa hàng tiện ích, siêu thị, trung tâm thương mại ổn định. Hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm đạt nhiều kết quả nổi bật, thị trường nội địa được quan tâm.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của khu vực III tăng 1,4%, thấp so mức tăng cùng kỳ năm trước, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 tháng đạt 92.680 tỷ đồng, tăng 2,53% so cùng kỳ, đạt 65,13% so kế hoạch năm. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng đạt 801,81 triệu USD, tăng 3,75% so cùng kỳ.

Nỗ lực hoạt động

Để phát triển thương mại nội địa, trước tình hình dịch bệnh COVID-19, Sở Công thương phối hợp nắm thông tin, đánh giá tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đối với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của tỉnh. Qua đó, tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, kế hoạch phát triển thương mại điện tử…

Xây dựng, gắn kết các DN thương mại (nội địa và xuất, nhập khẩu) với hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chủ lực (nông, thủy sản), sản phẩm tiềm năng và các sản phẩm OCOP. Đề nghị các siêu thị, trung tâm thương mại... hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản. Triển khai kế hoạch bình ổn thị trường với sự tham gia của 22 DN, với 76 điểm bán hàng bình ổn, tổng giá trị hàng hóa gần 5.000 tỷ đồng. Theo dõi sát diễn biến thị trường, cung - cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân để chủ động có phương án hoặc đề xuất UBND tỉnh, bộ, ngành triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời.

Đối với hoạt động xuất khẩu, do tác động của dịch bệnh COVID-19, các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống bị ảnh hưởng mạnh, các sự kiện thương mại quốc tế lớn tại Việt Nam và khu vực đều không tổ chức được. Trước khó khăn đó, Sở Công thương chủ động thông tin các thị trường tiềm năng sản phẩm gạo và thủy sản của tỉnh có thể xâm nhập đến các DN kinh doanh xuất khẩu thủy sản. Tăng cường kết nối các tham tán Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ giới thiệu thông tin của DN xuất khẩu của tỉnh đến DN nhập khẩu nước sở tại. Có công văn gửi 13 Phòng Thương mại và Hiệp hội DN nước ngoài tại Việt Nam đề xuất hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu thủy sản của tỉnh. Đồng thời, cập nhật thông tin thị trường, chính sách nhập khẩu của các nước đến các DN xuất khẩu. Quan tâm, nắm bắt nhu cầu hỗ trợ, nhu cầu tín dụng của các DN, từ đó đưa ra các giải pháp triển khai hỗ trợ DN ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Trong hoạt động thương mại biên giới và logistics, Sở Công thương phối  hợp bộ đội biên phòng, hải quan... thông tin kịp thời đến DN, cư dân biên giới các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Qua đó, hỗ trợ DN thông quan nhanh, không có hiện tượng ùn ứ tại khu vực cửa khẩu... Ngành logistics đang được sự quan tâm tích cực của DN, hiện toàn tỉnh có 505 DN đăng ký kinh doanh kho bãi và lưu giữ hàng hóa...

Theo ông Hùng, sản xuất công nghiệp tháng 9 và 10 đã có sự khởi sắc, mở ra hy vọng sẽ sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm; tình hình dịch bệnh được kiểm soát; nhu cầu, sức tiêu thụ hàng hóa gần đây khả quan hơn và có xu hướng tăng cao những tháng cuối năm.

Sau thời gian nghỉ giãn cách xã hội, các hoạt động mua bán hàng hóa tại các trung tâm, chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích hoạt động trở lại bình thường, các hoạt động kích cầu tiêu dùng, mua sắm hàng hóa phát triển mạnh. Những tháng cuối năm có nhiều lễ hội sẽ góp phần cho dịch vụ thương mại và kích cầu du lịch tăng mạnh.

HẠNH CHÂU