Học và thi vào lớp 10

20/03/2019 - 07:36

 - “Thi tuyển sinh lớp 10 vào các trường công lập hiện nay áp lực không thua gì kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Nhiều em học sinh miệt mài ôn luyện từ sáng đến tối” - cô Trần Thị Châu Trân (giáo viên Trường Phổ thông thực hành sư phạm, TP. Long Xuyên) chia sẻ.

Theo thông tin tuyển sinh lớp 10 của Sở Giáo dục và Đào tạo, những năm gần đây, nếu đăng ký vào Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu và Trường THPT Chuyên Thủ Khoa Nghĩa, việc tuyển sinh không phân biệt địa bàn. Ngoài đăng ký vào trường chuyên, học sinh chọn thêm 2 nguyện vọng vào 2 trường THPT công lập khác. Khi đăng ký vào các trường THPT công lập khác, mỗi học sinh chọn tối đa 2 nguyện vọng vào lớp 10 trường THPT theo thứ tự ưu tiên. Nguyện vọng 1 không phân biệt địa bàn, nguyện vọng 2 phải theo địa bàn cư trú. Có thể hiểu nguyên nhân học sinh ở nội ô thành phố thường chịu áp lực thi vào lớp 10 nhiều hơn ở các huyện, do chỉ tiêu đầu vào các trường THPT của thành phố ít hơn so với số học sinh hiện có. Hơn nữa, tâm lý của phụ huynh thích cho con vào trường điểm, trường “có tiếng” nên phần nào tạo thêm sức ép lên học sinh nhiều hơn.

Học và thi vào lớp 10

Học và thi vào lớp 10

Cân bằng giữa việc học và vui chơi là cách giúp học sinh giảm bớt áp lực thi cử, học tập

Chị Nguyễn Hoàng Oanh (ngụ phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) tâm sự: “Năm ngoái, tôi và con chịu nhiều áp lực trong việc chọn trường thi tuyển. Vốn là học sinh của Trường THCS Lý Thường Kiệt, lúc đó, tôi hy vọng con mình sẽ đậu vào Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu hoặc Trường THPT Long Xuyên. Vậy là, tôi cho con học thêm đủ các kiểu, hết giờ học trên lớp quay sang học thêm. Tự hiểu khả năng của mình, cháu có nói với tôi về sức học của cháu. Sau những lần nhìn con mệt mỏi, quên ăn quên ngủ vì học, tôi dần thấy rằng mình đã bắt con học quá sức. Sau cùng, tôi cho con đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Nguyễn Hiền, vậy là đậu ngay. Không nên tạo thêm áp lực thi cử cho con, cần nhìn nhận đúng năng lực thực tế và sở trường của con”.

Vừa là giáo viên bộ môn, vừa là giáo viên chủ nhiệm lớp 9 nhiều năm liền, cô Trân lưu ý phụ huynh và nhắc nhở học sinh phải quan tâm việc học ngay từ đầu năm. Nhà trường đã có kế hoạch bồi dưỡng học sinh yếu trong năm học, thường xuyên liên hệ với phụ huynh để kịp thời động viên nhắc nhở các em. “Riêng những em có học lực trung bình yếu, khó có khả năng theo nổi 3 năm cấp III, tôi tư vấn phụ huynh nên cho con học trung cấp nghề hoặc Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Song song đó, tôi thường tư vấn phụ huynh chọn trường vào lớp 10 cho con phải theo năng lực. Không nên chọn trường quá sức, gây áp lực lên con em mà cha mẹ cũng thấp thỏm, lo lắng. Đặc biệt, không nên chọn trường theo tâm lý “đám đông”, không chọn với quan niệm “thử sức”. Quan trọng là môi trường học tập phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và năng lực của mỗi em. Trường chuyên sẽ là điểm đến lý tưởng với những học sinh xuất sắc ở môn học nào đó, có năng khiếu, đam mê nhưng ngược lại, đó là trường “đua” khiến nhiều học sinh đuối sức và dễ dẫn đến tự ti, mặc cảm. Một số trường hợp, học sinh chỉ giỏi trong phạm vi lớp học của mình, cha mẹ đầu tư hết sức cho con luyện ngày, luyện đêm với những giáo viên có uy tín nên vẫn có thể đậu vào trường chuyên. Nhưng khi vào học, những học sinh không có năng khiếu lại thiếu đam mê dẫn đến không có động lực học tập. Từ đó xảy ra tình trạng lúc nào cũng thua kém các bạn khác, dễ tự ti, chán nản” - cô Trân nhấn mạnh.

Một điểm đáng quan tâm là việc phụ huynh thường không quan trọng việc ôn tập của con ngay từ đầu năm, chỉ chú trọng đến việc ôn luyện, nhồi nhét kiến thức quá nhiều ở những lúc cận kề ngày thi. Đó là một điều sai lầm không ít phụ huynh gặp phải. Điều này vô tình đặt lên vai con gánh nặng của hy vọng và niềm tin từ cha mẹ - “phải thi đậu trường cha mẹ chọn”. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” trong xã hội hiện nay. Trong khi phụ huynh và học sinh mãi chạy theo trường công lập, còn những trường nghề dường như bị phớt lờ. Nhưng thật ra, tác hại của việc chọn sai trường, hay ngồi “nhầm chỗ” là vấn đề đáng “báo động” . Chuyện, một trường học có thể phù hợp đứa trẻ này nhưng không phù hợp với đứa trẻ khác là việc hiển nhiên. Vì thế, cha mẹ cần lắng nghe con và đồng hành với con trước những chướng ngại vật để các em không cảm thấy chơi vơi hay căng thẳng quá mức trên con đường học tập.

PHƯƠNG LAN