Hội Khuyến học tỉnh An Giang - 20 năm thành lập và phát triển

25/11/2022 - 06:49

 - Hội Khuyến học tỉnh được thành lập theo Quyết định 895/QĐ.UB.TC, ngày 17/4/2002 của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang. Từ ngày thành lập đến nay, Hội Khuyến học tỉnh không ngừng phấn đấu và phát triển. Toàn tỉnh hiện có, 156 hội cơ sở xã, phường, thị trấn; trên 4.150 chi hội khuyến học; 740 ban khuyến học; trên 300.000 gia đình được công nhận gia đình học tập, 500 dòng họ học tập, 3.900 cộng đồng học tập.

Phong trào "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập", "Đơn vị học tập" và tiến tới xây dựng An Giang trở thành "Tỉnh học tập" được triển khai sâu rộng, thu hút nhiều hộ gia đình, dòng họ tham gia giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, phát huy truyền thống hiếu học; khuyến khích hỗ trợ con cháu chăm ngoan, học giỏi, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.

Thời gian qua, tuy tình hình kinh tế - xã hội khó khăn vì ảnh hưởng đại dịch COVID-19, nhưng số tiền vận động các quỹ khuyến học tăng do các địa phương tích cực triển khai thực hiện tốt Đề án 347/ĐA-UBND, ngày 24/6/2021 của UBND tỉnh về vận động xây dựng quỹ khuyến học cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2021-2025). Các cấp hội đã phối hợp cùng ngành giáo dục và đào tạo, tổ chức đoàn thể triển khai phong trào “Nuôi heo đất khuyến học” trong các trường học, kết quả thu được khoảng 35 tỷ đồng.

Chương trình “Quà tiếp bước đến trường” vận động toàn xã hội hỗ trợ tập vở, sách giáo khoa, dụng cụ học tập, quần áo cho học sinh con em hộ nghèo và cận nghèo, học sinh mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… thu tiền và quà trị giá trên 75 tỷ đồng, hỗ trợ cho trên 340.000 học sinh, sinh viên, góp phần tạo điều kiện cho nhiều học sinh được tiếp tục đến trường.

Quỹ khuyến học tỉnh An Giang và các địa phương ngày càng đa dạng, ngoài việc phát triển quỹ khuyến học tỉnh, huyện, xã, còn có quỹ khuyến học của gia đình/dòng họ, quỹ mang tên các danh nhân, các địa danh; quỹ học bổng các tổ chức phi chính phủ.

Ngoài ra, còn nhiều quỹ học bổng khuyến học… của các ngành, nhóm hội giáo viên, cựu học sinh, ngoại kiều lập ra để giúp học sinh nghèo hiếu học. Các nguồn tài trợ ngày càng phong phú, số tiền vận động được nhiều thêm.

Cuộc vận động xây dựng gia đình học tập đã được hội khuyến học các cấp tích cực triển khai thực hiện và được lồng ghép với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, mở rộng liên kết, phối hợp hoạt động, bước đầu tạo ra một lực lượng xã hội đông đảo cùng tham gia công tác khuyến học - khuyến tài. Phối hợp xây dựng 3 trường mẫu giáo, 5 nhà công vụ cho giáo viên, cấp hàng ngàn xe đạp cho học sinh nghèo hàng trăm triệu đồng mua sách giáo khoa và hàng trăm máy vi tính tặng các trường học.

Hội Khuyến học tỉnh An Giang đã phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành lồng ghép, xây dựng "Gia đình hiếu học", "Dòng học hiếu học", "Cộng đồng khuyến học", "Đơn vị khuyến học" và đang chuyển đổi theo mô hình gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập gắn với xây dựng gia đình văn hóa nông thôn mới, đô thị văn minh.

Đội ngũ cán bộ hội từ tỉnh đến cơ sở đã trở thành những "chiến sĩ" trên "mặt trận" khuyến học, đi sâu, đi sát nắm bắt tình hình, sáng tạo trong phát triển và nhân rộng phong trào với nhiều mô hình khuyến học được hình thành, chắp cánh cho ước mơ được học tập của học sinh bừng sáng, thực hiện hoài bão trên con đường lập thân, lập nghiệp. 

20 năm xây dựng và phát triển, phong trào khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời gắn với đẩy mạnh các hoạt động của các cấp hội khuyến học đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội, xây dựng niềm tin trong nhân dân; khẳng định được vai trò quan trọng là “cánh tay nối dài” góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh nhà.

Để có được những thành quả trên, Hội Khuyến học tỉnh An Giang nhận được sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ với tinh thần trách nhiệm cao của các cấp, ngành, đoàn thể, tổ chức kinh tế - xã hội. Những thành quả đó là biểu hiện cao nhất của sự tâm huyết, trách nhiệm, sáng tạo của đội ngũ cán bộ khuyến học, sự vào cuộc và đồng hành của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm luôn quan tâm, chăm lo đến sự nghiệp giáo dục, của toàn thể hội viên khuyến học từ tỉnh tới cơ sở. 

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI xác định: “Phấn đấu xây dựng tỉnh An Giang đến năm 2025, kinh tế thuộc nhóm đầu khu vực ĐBSCL và đạt mức trung bình cả nước; đến năm 2030 đạt trên mức trung bình cả nước”. Để đạt được mục tiêu đó, vai trò của các hoạt động giáo dục, khuyến học - khuyến tài nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng con người An Giang phát triển toàn diện về học vấn và nhân cách là rất quan trọng.

Từ nhận thức đó, công tác khuyến học - khuyến tài phải hướng đến mục đích làm cho mọi người hiểu về sự học, đó là: "Học để hiểu biết - Học để lập thân, lập nghiệp - Học để chung sống - Học để làm người"; học để làm cho mình và mọi người quanh mình sống hạnh phúc, sống có văn hóa; học để góp phần vào sự hưng thịnh và phát triển bền vững quê hương An Giang trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Thời gian qua, nhiều tập thể, cá nhân các cấp hội trong tỉnh được trao tặng 258 Kỷ niệm chương vì sự nghiệp khuyến học, 9 cờ thi đua xuất sắc của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam; 82 bằng khen của UBND tỉnh; 411 giấy khen của Tỉnh hội và Sở Giáo dục và Đào tạo. UBND tỉnh tặng bằng khen 32 gia đình học tập, 11 dòng họ học tập, 1 đơn vị học tập xuất sắc tiêu biểu… Thành quả đáng khích lệ là Hội Khuyến học tỉnh An Giang được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

 

ĐĂNG GIAI