Hồi sinh cây lúa mùa nổi

13/02/2024 - 03:30

 - Cây lúa mùa nổi có thời gian sinh trưởng dài, năng suất thấp nhưng tự thân phát triển, hầu như không tốn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc. Khi nông dân vừa tận dụng được gốc rạ, đất đai màu mỡ để canh tác rau màu, vừa được bao tiêu lúa giá cao, có thể tận dụng phát triển du lịch (DL) sinh thái, cây lúa mùa nổi sẽ có cơ hội nhân rộng.

Ký ức khó quên

Trong ký ức của bao thế hệ trước đây, thời điểm thu hoạch lúa mùa nổi được xem là mùa lúa Tết. Trong tiết trời se lạnh, lúa được trữ vào bồ, những lung nước trong ruộng đầy ắp cá đồng tự nhiên, cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm cho cái Tết ấm cúng, sum vầy.

Cây lúa mùa nổi dài hơn 3m, sau khi nước rút

Trong khi kỷ niệm đẹp về lúa mùa nổi phần nhiều đã nhạt nhòa do sự thay thế của lúa ngắn ngày thì ở xã Vĩnh Phước và xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn), nông dân vẫn còn gắn bó với cây lúa này. Họ sạ lúa vào khoảng tháng 5 (âm lịch), tận dụng nước mưa giúp lúa tự nẩy mầm. Mùa lũ đến, nước dâng đến đâu, cây lúa vươn lóng theo đến đó, thân dài 3 - 4m, vượt trên mặt lũ để sinh trưởng. Nông dân cứ để mặc cho lúa phát triển, không cần phân, thuốc gì.

Khi lũ rút, thân lúa nằm rạp trên mặt ruộng rồi trổ bông. Người dân cắt bông lúa, giữ nguyên lớp gốc rạ dày để trồng rẫy. Mặt ruộng qua mùa lũ, phù sa màu mỡ, cộng thêm lớp rạ giữ ẩm đất, cung cấp dưỡng chất nên dù trồng khoai mì, kiệu, ớt, bí hồ lô… đều tiết kiệm chi phí, đạt năng suất cao.

Niềm vui của nông dân thu hoạch lúa mùa nổi

“Những năm trước, thu hoạch lúa mùa nổi cực lắm, phải thuê cắt lúa bằng tay, gom lại đưa vô máy suốt, phơi lúa khô mới bán được, mà giá không ổn định. Từ năm 2022, có nông dân nghiên cứu cải tiến máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa mùa nổi. Lúa gom ra đồng được Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Vĩnh Lợi (xã Vĩnh Phước) thu mua toàn bộ với giá cố định. Bà con đỡ nỗi lo thuê lao động thu hoạch, giá bán lúa mùa nổi gấp đôi lúa ngắn ngày nên ai cũng phấn khởi” - nông dân Trần Văn Lành (ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Phước) vui vẻ.

Mô hình “thuận thiên”

Lập nghiệp trên vùng đất Vĩnh Phước, nông dân Nguyễn Văn Tồn gắn bó gần cả đời với cây lúa mùa nổi, diện tích đạt gần 7ha. Theo lời ông, khi chưa được Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời ký hợp đồng bao tiêu từ đầu vụ (thu mua thông qua HTX Nông nghiệp Vĩnh Lợi, do công ty tham gia thành lập), nông dân canh tác lúa mùa nổi chỉ là phụ, “có nhiêu ăn nhiêu”, chủ yếu tận dụng phù sa, gốc rạ để trồng mì kè, kiệu.

“Chi phí giảm nhiều lắm, năm nào cũng trúng mùa. Với 1 vụ mì sau mùa lúa, nông dân có lợi nhuận khoảng 3 - 4 triệu đồng/công (1.000m2). Sau khi thu hoạch cây màu xong, lại xuống giống lúa mùa nổi rồi để mặc cho chúng phát triển, mình có thể làm việc khác. 6 tháng sau, lại có lúa thu hoạch, được HTX bao tiêu giá cao, lợi nhuận tương đương vụ màu. Tính ra, giờ canh tác 1 vụ lúa mùa nổi + 1 vụ màu, nhẹ chi phí đầu tư mà lợi nhuận “ngon” hơn canh tác 3 vụ lúa/năm” - ông Tồn so sánh.

Trải nghiệm ruộng lúa và khai thác cá đồng rất thú vị

Là người dành nhiều thời gian nghiên cứu về cây lúa mùa nổi, TS Nguyễn Văn Kiền, Giám đốc Công ty TNHH Mekong Organics (trụ sở tại Canberra, Úc) cho rằng, việc duy trì diện tích lúa mùa nổi giúp tạo không gian chứa lũ, giúp bảo tồn nguồn gen quý, là một trong những giải pháp sản xuất “thuận thiên”, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài nguồn dinh dưỡng từ phù sa bồi lắng, chất hữu cơ phân hủy bởi quá trình ngập lâu dài, trong môi trường nước lũ còn có khoảng 24 loài tảo lam (blue-green algae) có khả năng cố định đạm, không cần bón phân mà lúa vẫn tốt. Ruộng lúa mùa nổi là nơi nhiều loài thực vật phát triển, cá đồng tự nhiên vào trú ngụ, bảo tồn đa dạng sinh học.

ThS Nguyễn Văn Văn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn cho biết, sau khi có sự tham gia của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời và thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, nông dân trồng lúa mùa nổi yên tâm đầu ra, đạt lợi nhuận tốt, diện tích canh tác nâng lên hơn 120ha. Đây là cơ sở để huyện phát triển vùng lúa mùa nổi diện tích 500ha và có thể mở rộng hơn.

Gắn kết du lịch

Giờ đây, với sự tham gia liên kết của doanh nghiệp và ứng dụng cơ giới hóa vào thu hoạch, bài toán kinh tế và nỗi lo thiếu nhân công đối với nông dân trồng lúa mùa nổi cơ bản được giải quyết; sản phẩm gạo mùa nổi dần khẳng định được thương hiệu.

Tuy nhiên, theo TS Trần Minh Hải (Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II, TP. Hồ Chí Minh), câu chuyện lúa mùa nổi không nên chỉ dừng lại ở lợi ích kinh tế riêng lẻ. “Lúa mùa nổi gợi lại rất nhiều ký ức đẹp của bao thế hệ. Tôi tin rằng, những thế hệ trước đây sẽ mong muốn tìm lại ký ức đó, còn thế hệ trẻ hôm nay cũng muốn biết cây lúa mùa nổi ra sao, mùa nước nổi có gì hấp dẫn. Đó là gợi ý cho mô hình DL sinh thái gắn với lúa mùa nổi” - TS Trần Minh Hải phân tích.

Những năm trước đây, tại xã Vĩnh Phước có tổ chức được một số ngày hội lúa mùa nổi nhân thời điểm thu hoạch lúa. Ngày hội để lại dấu ấn vui tươi khi khách tham quan có thể tự tay đập lúa vào bồ, chà lúa thủ công. Trong tiết trời lập Xuân, húp chén cháo nấu bằng gạo lúa mùa nổi với miếng khô đồng mằn mặn, bao ký ức chợt ùa về.

Ngày hội lúa mùa nổi rất hay, nhưng có hạn chế là chỉ tổ chức mỗi năm được 1 lần, trong thời gian ngắn thu hoạch lúa. Ý tưởng của TS Trần Minh Hải là làm sao có thể tổ chức cho khách trải nghiệm liên tục trong suốt mùa nước, xây dựng thành tour, tuyến DL. Muốn vậy, thay vì sạ lúa toàn bộ diện tích thì có thể chọn những vị trí thuận lợi, đào ao giữa đồng ruộng, trồng bông súng, rau nhút, cù nèo… để dẫn dụ cá đồng vào trú ngụ. Trên bờ đê, xây dựng những lán trại theo kiểu “homestay” để khách sinh hoạt, nghỉ ngơi.

Vào mùa nước, tổ chức những tour DL cho khách ngồi xuồng tham quan ruộng lúa mùa nổi, trải nghiệm câu cá, đặt lọp, giăng lưới bắt cá đồng, nhổ bông súng; trữ rơm để khách tự tay nướng trui cá lóc, cá rô, nhóm lửa cà ràng nấu cơm bằng củi…

Khách ngủ trong lán trại, sáng dậy nhấp ly trà để tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ, thưởng thức các món đồng quê và trải nghiệm cuộc sống nông dân mùa nước nổi sẽ là mô hình rất thu hút. Do lúa mùa nổi sinh trưởng tự nhiên, nông dân thường rảnh vào mùa lũ nên mô hình DL sinh thái sẽ tạo thêm thu nhập, phát triển chăn nuôi gà, vịt trên đồng, tận dụng nguồn sản vật khai thác mùa lũ phục vụ khách.

“Cùng với bán lúa, trồng màu, khai thác DL, nguồn rơm khi thu hoạch lúa mùa nổi cũng an toàn, có thể tận dụng trồng nấm sạch, tiêu thụ thị trường cao cấp và xuất khẩu với giá trị cao” - TS Trần Minh Hải gợi mở.

Lúa mùa nổi có tên khoa học là Floating Rice - “loài lúa vượt lên mặt nước”. Đây là giống lúa có cơ chế sinh học vô cùng độc đáo, giàu dinh dưỡng, sống “thuận thiên”. Trong quá trình canh tác, nông dân còn có thể khai thác cá đồng, rau thủy canh. Lũ rút, nông dân thu hoạch lúa thời điểm gần Tết, có nguồn tiền để đón Xuân mới ấm no.

NGÔ CHUẨN