Bánh tét truyền thống miền Tây nhân mặn gồm thịt mỡ, đậu xanh.
Ngọt ngào mứt Tết
Là một trong những vùng trọng điểm sản xuất cây ăn trái của cả nước, đồng bằng sông Cửu Long được "trời phú" cho nhiều điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng, sông ngòi để sản sinh ra nhiều cây thơm, trái ngọt. Tận dụng nguyên liệu sẵn có, qua đôi bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ, các chị, làm nên những món bánh, mứt đầy ắp ngọt ngào. Những món mứt tuy dân dã, nhưng rất thơm ngon, hấp dẫn, không thể thiếu ở mỗi gia đình trong ngày Tết cổ truyền. Bởi đó chính là tinh hoa của hương vị ngày Tết.
Chị Phan Xuân Giang ở huyện Giồng Trôm, Bến Tre chia sẻ, ngày Tết, hầu như gia đình nào cũng bày trên bàn khách của mình đủ loại bánh kẹo, mứt Tết. Trước là để đãi khách đến chơi, sau là để cả nhà cùng quây quần bên nhau thưởng thức. Với đặc trưng của từng loại củ quả, mỗi loại mứt đem đến các hương vị chua, cay, ngọt, bùi khác nhau thể hiện một phần trong cuộc đời, đặc biệt cũng là lời cầu chúc cho một năm mới hạnh phúc, đầm ấm.
Bên tách trà ấm nóng, cùng khay mứt đủ loại từ gừng, chùm ruột, me, dừa…, chị Giang cho biết thêm, cuộc sống hiện đại với nhiều món ngon, mới lạ, song những món mứt mang hương vị truyền thống vẫn gắn bó lâu bền với người miền Tây. Vì thế, năm nay dù công việc bận rộn nhưng chị vẫn làm hơn 4 loại mứt để ăn Tết.
Theo chị Giang, mứt Tết không khó làm, chỉ cần khéo léo, tỉ mỉ ở mỗi khâu. Tùy vào nguyên liệu, khẩu vị, sở thích của từng người, từng gia đình mà công thức tẩm ướp, chế biến khác nhau. Trong các loại mứt Tết, có lẽ thông dụng nhất là mứt dừa. Nguyên liệu sẵn có ngoài vườn, lại dễ chế biến và hương vị được nhiều lứa tuổi ưa chuộng.
Chị Giang cho biết, để có được mẻ mứt dừa ngon, đầu tiên phải chọn cơm dừa thích hợp. Muốn ăn mứt dừa giòn thì chọn cơm dừa hơi già, muốn ăn mứt dừa dẻo mềm thì chọn cơm dừa non. Tuy nhiên, nên chọn cơm dừa không quá cứng, cũng không quá mềm. Bởi, cơm dừa cứng quá, mứt dừa sẽ bị "xảm", còn mềm thì sên đường không thấm, dễ bị gãy.
Sau khi chọn được loại cơm dừa hợp ý, tách cơm dừa ra, gọt bỏ phần màu nâu bên ngoài, cắt sợi dài hoặc miếng vừa ăn (không quá dày cũng không quá mỏng). Cơm dừa rửa sạch, rồi đem trần sơ qua nước sôi, để ráo nước. Tiếp đến cho nguyên liệu trộn với đường trắng theo tỷ lệ 1 kg dừa tương đương 0,5 kg đường, ngâm từ 6 - 8 giờ. Ngoài màu trắng tự nhiên, có thể thêm màu lá dứa (màu xanh), lá cẩm (màu tím), trái gấc (màu cam)… hoặc thêm sữa đặc để làm mới màu sắc và tăng hương vị, độ béo ngọt của mứt dừa.
Chị Giang nói, "sên mứt dừa là công đoạn khó nhất khi làm mứt dừa, đòi hỏi người làm phải thật khéo tay. Sơ ý một chút, dừa không thấm đường, bị khét hoặc bám quá nhiều đường. Khi sên, cần chú ý điều chỉnh lượng lửa: ban đầu có thể để lửa to, sau đó hạ lửa nhỏ vừa và đảo đều tay để đường bám đều và tránh bị bén mứt. Đến khi lượng nước đường trong chảo quánh lại, nặng tay thì phải hạ lửa nhỏ nhất và đảo liên tục cho tới khi đường kết tinh thành hạt nhỏ mịn bám đều các mặt dừa là được".
Bánh tét - "linh hồn ngày Tết" miền Tây
Nếu như ở miền Bắc nổi tiếng với bánh chưng xanh thì ở vùng đất phương Nam lại nức tiếng với hương vị dân dã, mộc mạc của bánh tét. Vào những ngày Tết đến ở vùng đất Nam bộ, được ngồi quây quần bên gia đình, thưởng thức khoanh bánh tét dẻo thơm của nếp và béo bùi của đậu mỡ hay vị ngọt của chuối khiến cho ai đều cảm thấy năm mới trọn vẹn hơn.
Điều đặc biệt ở Bến Tre, người dân ít khi gói bánh tét vào 30 Tết, thay vào đó, người dân xứ dừa gói bánh tét vào ngày mùng 2 để kịp cúng đất trời vào rạng sáng mùng 3.
Đã thành thông lệ, tờ mờ sáng mùng 2, nhà bà Võ Thị Mỹ (75 tuổi, ngụ thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm) lại sáng đèn, người xào nếp với nước cốt dừa cho béo, thơm; người vo đậu, lau lá; người chuẩn bị nhân, dây lạt, xoong luộc,…
Bà Võ Thị Mỹ cho biết, nguyên liệu chính để gói bánh tét là nếp và thịt mỡ, đậu xanh, đậu đen, chuối chín... để làm nhân. Để cho bánh ngon thì nếp phải dẻo, hạt nết căng tròn. Nếu làm bánh nhân mỡ thì thêm đậu xanh và thịt mỡ heo. Nhân chuối thì phải chọn chuối xiêm chín mùi thì mới ngon. Riêng trong nhân chuối, phải còn thêm đậu đen đã luộc chín.
Để cho bánh có màu sắc đẹp và bắt mắt, nhiều người đã sử dụng màu lá dứa để trộn vào nếp trước khi gói. Ngoài ra, hai nguyên liệu không thể thiếu để gói bánh tét là lá chuối và dây buộc lác. Lá chuối phải được phơi héo tạo độ dai để khi gói không bị rách; dây cột phải chắc, bền để nước không thấm vào khi nấu. Để bánh ngon và đẹp thì khâu buộc bánh cũng khá quan trọng. Buộc bánh phải chặt tay nếu không bánh sẽ dễ bung ra. Đặc biệt, khi luộc bánh phải canh sao cho lửa thật đều liên tục từ 6 - 8 tiếng.
Về quê chơi Tết, chị Huỳnh Thị Thúy Huyền chia sẻ: "Gói bánh tét đã trở thành phong tục, cho nên dù sống ở thành phố Hồ Chí Minh nhưng những ngày đám giỗ hay Tết, chị em chúng tôi đều tập trung lại gói bánh tét chứ không mua bánh ngoài chợ. Vì tự gói bánh sẽ hợp khẩu vị, sở thích của gia đình và bảo quản được lâu hơn. Khi quây quần gói bánh, chúng tôi chia sẻ, kể nhau nghe những vui - buồn trong cuộc sống, từ đó tình cảm gia đình gắn kết. Bánh sau khi chín được dâng cúng ông bà tổ tiên và đem biếu tặng bà con họ hàng như một cách để thắt chặt tình làng nghĩa xóm".
Trong tâm thức người dân miền Tây, Tết là ngày của sum họp, của đoàn viên, của sự vui vầy, quây quần bên nhau để tận hưởng những ngày đầu năm mới. Tết bắt đầu cho việc khởi đầu một năm mới với những điều tốt đẹp nhất, hy vọng một năm mới an lành, may mắn, thành công. Niềm vui, niềm hạnh phúc trong ban ngày Tết không ở đâu xa, đơn giản xuất phát từ chính những món ăn ngọt ngào cho người thân yêu trong những ngày Tết sum vầy đầm ấm.
Theo TTXVN