Huyện Phú Tân sắp xếp lồng, bè nuôi cá trên địa bàn

13/07/2022 - 07:12

 - Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) đã rà soát hiện trạng, kiểm đếm số lượng lồng, bè và xây dựng phương án, lộ trình sắp xếp, di dời, tháo dỡ lồng bè không theo quy định. Việc sắp xếp, di dời các lồng bè trên địa bàn huyện đang được chuẩn bị để người dân đồng thuận phối hợp khi chính thức thực hiện.

Qua rà soát, đến thời điểm hiện tại, huyện Phú Tân có 278 lồng, bè, vèo nuôi thủy sản, với 79 hộ chăn nuôi; thể tích lồng, bè, vèo là 43.805m3, tập trung ở các xã: Long Hòa, Phú Lâm, Phú Thạnh, Tân Trung, Phú Hiệp, Hòa Lạc, thị trấn Chợ Vàm và Phú Mỹ. Trong đó, có 183 bè, 95 lồng, vèo thả nuôi các đối tượng cá chủ yếu: Cá lăng nha, cá vồ đém, cá hú, cá lóc bông, cá he, cá tra, cá mè vinh, cá điêu hồng, cá rô phi, cá basa, cá chép giòn và cá heo… Sản lượng thu hoạch năm 2021 là 3.000 tấn, thị trường tiêu thụ chủ yếu là các chợ đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh và thị trường Campuchia.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Tân đánh giá, nuôi cá lồng, bè có nhiều thuận lợi, nhờ nguồn lao động ở địa phương dồi dào, người dân có truyền thống, kinh nghiệm nuôi nhiều năm giúp tăng nguồn thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Bên cạnh đó, nguồn nước, lưu lượng dòng chảy được ngành chuyên môn đánh giá tương đối thuận lợi để nuôi thủy sản lồng, bè. Các yếu tố môi trường tự nhiên thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển các loài thủy sản lồng, bè nước ngọt.

Tuy nhiên, những năm gần đây, thị trường tiêu thụ không ổn định, giá vật tư đầu vào tăng cao, chi phí sản xuất tăng… nên người nuôi không có lãi hoặc lãi thấp. Một số thời điểm, chất lượng nước sông bị ô nhiễm cục bộ, một số chỉ tiêu môi trường không đạt hoặc vượt ngưỡng cho phép. Đặc biệt là ở các xã thuộc nhánh sông Cái Vừng đã làm ảnh hưởng lớn đến nghề nuôi cá khiến số lượng lồng, bè giảm. Điển hình như vụ cá chết hàng loạt vào tháng 2/2020, thiệt hại hàng trăm tấn cá, quy giá trị hàng chục tỷ đồng của các hộ nuôi.

Lồng, bè nuôi cá trên địa bàn huyện Phú Tân

Là mô hình cho hiệu quả kinh tế, nhưng sản phẩm của hầu hết hộ dân bán chủ yếu là tươi sống, chưa có nhiều sản phẩm giá trị gia tăng, chưa liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, lồng, bè nuôi chủ yếu là nuôi ngay bến sông của người dân, chưa có sự sắp xếp theo quy định và quy hoạch làm ảnh hưởng giao thông thủy.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Nguyễn Quốc Bảo, từ những đánh giá trên, UBND huyện đã có phương án và phân công cụ thể các ngành, địa phương nhằm tổ chức sản xuất hoạt động nuôi thủy sản trên sông theo hướng hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện môi trường, ổn định cuộc sống người dân. Cùng với đó, vận động các hộ nuôi lồng, bè ngoài quy hoạch không tiếp tục thả nuôi và tháo dỡ lồng, bè hoặc di dời về các khu vực quy hoạch…

UBND huyện đã giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các ngành liên quan và UBND các xã, thị trấn kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về nuôi thủy sản lồng, bè. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người nuôi không phát triển lồng, bè mới, hướng dẫn người nuôi thực hiện các quy định về nuôi trồng thủy sản lồng, bè... Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp ngành chuyên môn tỉnh mời tư vấn khảo sát xây dựng đề án sắp xếp neo đậu bè, tham mưu UBND huyện kế hoạch sắp xếp di dời lồng, bè đảm bảo phát triển và không ảnh hưởng an toàn giao thông thủy.

Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các ngành liên quan hướng dẫn thủ tục thuê đất, mặt nước và môi trường để nuôi thủy sản, kiểm tra, xử lý trường hợp sử dụng mặt đất, mặt nước và môi trường nuôi thủy sản lồng, bè không tuân thủ quy định pháp luật. Bên cạnh, thông tin kịp thời quan trắc, đánh giá tác động môi trường tại vùng nuôi thủy sản lồng, bè cũng như đánh giá ảnh hưởng đến dòng chảy gây bồi lắng, sạt lở của các khu vực nuôi thủy sản lồng, bè.

Khi triển khai kế hoạch, đối với các hộ nuôi có nhu cầu chuyển từ nuôi thủy sản sang ngành nghề khác, huyện đã giao Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND các xã rà soát nhu cầu đào tạo nghề của các hộ có nhu cầu đào tạo nghề và sinh kế, đảm bảo cuộc sống, từng bước chuyển đổi nghề nghiệp của người dân.

UBND huyện còn yêu cầu các xã, thị trấn thành lập đoàn công tác vận động các hộ nuôi thủy sản lồng, bè không theo quy định thực hiện tự nguyện di dời và tháo dỡ lồng, bè cũ không còn nuôi cá để không ảnh hưởng an toàn giao thông thủy. Hàng năm, rà soát thống kê tình hình nuôi thủy sản, tổ chức kiểm đếm số lượng lồng, bè hiện có tại địa phương, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc đóng mới, neo đậu lồng, bè nuôi thủy sản không theo quy định.

Phương hướng tới, huyện sẽ quy hoạch các khu vực nuôi thủy sản trên các tuyến sông, sắp xếp thực hiện đúng quy hoạch, góp phần tổ chức sản xuất hoạt động nuôi thủy sản trên sông theo hướng hiệu quả. Qua đó, nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện môi trường, ổn định cuộc sống người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Địa phương theo dõi, nắm bắt, thường xuyên vận động các hộ nuôi thủy sản lồng, bè ngoài quy hoạch không tiếp tục thả nuôi và tháo dỡ lồng, bè hoặc di dời về các khu vực quy hoạch.

MỸ HẠNH