Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang cho biết, người tiêu dùng trong nước và thế giới đang có xu hướng lựa chọn những nông sản đạt tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Trong khi đó, thị trường cho sản phẩm hữu cơ trên thế giới ngày càng phát triển mạnh, được tiêu thụ chủ yếu ở Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore...
Tại An Giang, cùng với thế mạnh lúa gạo, cá tra, rau màu, tỉnh đang dần hình thành được các vùng trồng cây ăn trái tập trung. Theo đó, đã hình thành được các vùng chuyên canh cây xoài với các giống xoài chủ lực, như: Ba màu, cát Hòa Lộc, xoài keo; có diện tích chứng nhận VietGAP và mã số vùng trồng, mời gọi các DN tiêu thụ sản phẩm để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Ở một số địa phương, các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), hội làm vườn sản xuất trái cây đã ra đời và hoạt động khá hiệu quả, như: HTX sản xuất GAP Cù Lao Giêng, HTX trái cây GAP Chợ Mới (huyện Chợ Mới), chủ yếu sản xuất xoài ba màu; HTX Nông nghiệp Long Bình (huyện An Phú), chủ yếu sản xuất xoài keo; HTX Dịch vụ nông nghiệp Bến Bà Chi (huyện Tri Tôn), Hội làm vườn An Sơn Bảy Núi (TX. Tịnh Biên), chủ yếu sản xuất xoài cát Hòa Lộc.
Ngoài ra, còn có các câu lạc bộ nông dân, các quán cà-phê khuyến nông, hội quán nông dân... là nơi để nhà vườn trao đổi kinh nghiệm trong liên kết sản xuất, tiến tới hình thành HTX sản xuất ở các vùng trồng cây ăn trái trong tỉnh.
Việc liên kết tiêu thụ trái cây giúp doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định
Thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về phát triển vùng sản xuất chuyên canh và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái tỉnh An Giang năm 2024, ngày 22/3/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ban hành Kế hoạch 39/KH-SNNPTNT để triển khai với các nhiệm vụ cụ thể.
Trong đó, tỉnh đặt mục tiêu chuyển đổi diện tích đất lúa sản xuất kém hiệu quả sang các loại cây ăn quả phù hợp, xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung trên địa bàn tỉnh năm 2024 với quy mô 10.003ha, gồm: Xoài 8.948ha, chuối nuôi cấy mô 300ha, sầu riêng 280ha, nhãn 330ha, cây có múi (bưởi, cam, quýt, chanh) 145ha.
Đồng thời, duy trì hoạt động cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói; phấn đấu diện tích được cấp mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu cho vùng sản xuất chuyên canh cây ăn trái đạt 3.617ha.
Được sự hỗ trợ của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) trong thực hiện cấp và tái chứng nhận mã số vùng trồng, ngành chuyên môn tỉnh kịp thời đáp ứng được nhu cầu của DN. Sở NN&PTNT cùng các sở, ngành, địa phương đang hỗ trợ các DN, HTX đầu tư vào chế biến, bảo quản trái cây thông qua thúc đẩy, hình thành các dự án chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trái cây trên địa bàn tỉnh.
Dù có nhiều cố gắng nhưng ngoại trừ ngành hàng cá tra với phần lớn diện tích là vùng nuôi của DN hoặc liên kết tiêu thụ, nuôi gia công cho DN, các ngành hàng còn lại (lúa gạo, rau màu, trái cây) diện tích liên kết sản xuất vẫn còn khiêm tốn so thực tế canh tác.
Nguyên nhân do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, mối liên kết còn lỏng lẻo, khiến nông dân chưa ổn định đầu ra trong khi DN cũng gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu sản xuất. Thực trạng hiện nay, phần lớn các HTX thiếu đội ngũ cán bộ có trình độ, chưa đảm bảo vai trò đại diện nông dân thực hiện đàm phán để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định với DN.
Theo Sở NN&PTNT An Giang, các thương lái, đơn vị thu mua, DN, các kho chứa đa phần nằm ngoài tỉnh, việc di chuyển lưu thông mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến khâu tiêu thụ nông sản của tỉnh. Mặc dù, tỉnh có nhiều cố gắng trong xúc tiến, mời gọi DN đầu tư, nhưng diện tích được liên kết sản xuất - tiêu thụ rất thấp, chưa đến 15% diện tích sản xuất, dẫn đến sản xuất luôn trong thế bị động, cung - cầu chưa gắn chặt, điệp khúc “được mùa, mất giá” vẫn tồn tại. Do chưa thu hút được nhiều nhà máy chế biến nên đa phần nông sản của tỉnh vẫn được tiêu thụ ở dạng thô, giá trị gia tăng chưa cao, giảm sức cạnh tranh trên thị trường.
Thực tế thời gian qua, việc thực hiện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh còn khó khăn, như: Hàm lượng công nghệ cao trong sản phẩm nông nghiệp chưa nhiều, nhận thức của người sản xuất về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế; suất đầu tư và huy động nguồn lực xã hội cho phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa tương xứng với yêu cầu phát triển, chưa mang lại hiệu quả như mong đợi, các kênh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thiếu ổn định...
Nhằm hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững, Sở NN&PTNT An Giang tiếp tục phối hợp các sở, ngành, địa phương, làm tốt công tác hỗ trợ DN trong việc hình thành và vận động của chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, hướng đến hình thành các vùng sản xuất lớn và ổn định. Tỉnh khuyến khích các DN, hộ kinh doanh cần sớm chuyển sang hoạt động xuất khẩu hàng hóa theo hình thức chính ngạch (mua bán theo hợp đồng với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng), đặc biệt lưu ý với thị trường Trung Quốc.
Tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT quan tâm hỗ trợ đầu tư, hoàn chỉnh hệ thống giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển sản xuất từng vùng sinh thái; có cơ chế, chính sách đặc thù cho đầu tư, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch cho nông sản. Đồng thời, cần đơn giản hóa thủ tục khi thực hiện cấp mới hay giám sát các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, cụ thể là ghi biên bản kiểm tra hay biên bản giám sát nên thực hiện 1 biên bản cho các thị trường để giảm bớt thủ tục hồ sơ.
HOÀNG XUÂN