.jpg)
Cần khai thác, vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi
Kế hoạch hướng đến mục tiêu bảo đảm cấp nước, tiêu, thoát nước cho dân sinh, sản xuất nông nghiệp, các ngành kinh tế và bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực, chủ động phòng, chống thiên tai, giảm thiệt hại về người, tài sản của Nhân dân và Nhà nước do thiên tai. Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, sẽ bảo đảm chất lượng và sản lượng nước phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội; 100% hộ gia đình ở thành thị, 98% hộ gia đình ở nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn. Cấp đủ nước phục vụ sinh hoạt; cấp và tạo nguồn cấp nước cho nông thôn, đô thị, công nghiệp, khu kinh tế. Hoàn thiện đồng bộ hệ thống công trình điều tiết nước, tích trữ nước; sửa chữa, đầu tư, nâng cấp công trình chuyển nước, kết nối nguồn nước từ hồ chứa, hệ thống thủy lợi để cấp đủ nước cho người dân…
Về nguồn nước sản xuất, phải bảo đảm cấp nước phục vụ cho nông nghiệp, đủ cung ứng cho 90% diện tích lúa, nếp và cây trồng cạn; bảo đảm cấp đủ nước cho gia súc, gia cầm và khu vực nuôi trồng thủy sản thâm canh tập trung. Đồng thời, tiêu, thoát nước hiệu quả qua công trình thủy lợi cho khoảng 353.683ha đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản và đất đô thị, công nghiệp… Chủ động tiêu, thoát nước ra sông chính, tăng diện tích tiêu bằng động lực; duy trì diện tích chứa, điều hòa nước mưa, nhất là khu đô thị, khu dân cư tập trung.
Về phòng, chống lũ, ngập lụt và các loại hình thiên tai khác, sẽ phấn đấu giảm 30% thiệt hại đối với các loại hình thiên tai có cường độ, quy mô tương đương đã xảy ra trong năm 2000, 2011, 2018, hạn hán đầu năm 2020 trên địa bàn tỉnh; không để xảy ra thiệt hại về người do lũ, giông lốc và sạt lở đất bờ sông gây ra. Các đô thị bảo đảm chống lũ với tần suất 1%; các khu vực sản xuất cả năm chống lũ với tần suất 2%; các vùng khác chủ động “chung sống” với lũ. Từng bước nâng cao năng lực phòng, chống lũ lụt, sạt lở đất, giông lốc và các loại hình thiên tai khác, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và cơ sở hạ tầng.
Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh củng cố, xây dựng hạ tầng nhằm chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; quản lý, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên nước. Cấp đủ nguồn nước phục vụ sinh hoạt với mức bảo đảm 100%; cấp và tạo nguồn cấp nước cho khu vực nông thôn, đô thị, công nghiệp, khu kinh tế. Nâng diện tích cây trồng cạn được tưới lên 100%, với tần suất đảm bảo tưới tối thiểu 95%, cùng nhiều mục tiêu quan trọng khác.
Về nhiệm vụ, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương tập trung phân bổ tài nguyên nước theo thứ tự ưu tiên cho sinh hoạt, đời sống người dân, rồi đến công nghiệp, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, phân vùng quản lý rủi ro thiên tai với các khu vực bị ảnh hưởng do lũ, sạt lở đất, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Tăng cường tạo nguồn, tích trữ, điều hòa nguồn nước. Sửa chữa, xây dựng hồ chứa nước, cống, trạm bơm phục vụ đa mục tiêu, ưu tiên cho các vùng khó khăn về nguồn nước. Xây dựng công trình kết nối, điều hòa, liên kết, chuyển nước, tiến tới hình thành mạng lưới liên kết nguồn nước liên tỉnh, liên vùng, liên quốc gia…
Đặc biệt, tập trung phát triển hệ thống thủy lợi phù hợp với phương án phân vùng, quy hoạch phòng, chống thiên tai. Chủ động giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu, sạt lở bờ sông, lũ, triều cường, suy thoái dòng chảy thượng lưu; kịp thời bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường sinh thái. Ngoài ra, quan tâm khắc phục tình trạng hạ thấp mực nước; đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước, tạo nguồn, dẫn nguồn cấp nước cho các khu vực chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn tại Tri Tôn, Thoại Sơn…
Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh sẽ thực hiện một số giải pháp trọng tâm, như: Rà soát, sửa đổi hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù để huy động nguồn lực trong lĩnh vực đầu tư, quản lý, khai thác công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt nông thôn, công trình phòng, chống thiên tai; hoàn thiện cơ chế tăng cường phân cấp trong công tác đầu tư, quản lý hệ thống thủy lợi, công trình phòng, chống thiên tai; tiếp tục bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Củng cố, kiện toàn tổ chức quản lý, khai thác hiệu quả và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi; củng cố, nâng cao năng lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết cho cơ quan quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai các cấp. Nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ trong quy hoạch, thiết kế, xây dựng, quản lý, vận hành công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai; nâng cao năng lực quan trắc, cảnh báo lũ, lũ quét, lụt, hạn hán, thiếu nước, sạt lở; ứng dụng khoa học công nghệ, vật liệu mới trong thiết kế, xây dựng công trình thủy lợi, công trình phòng, chống thiên tai…
MINH QUÂN