Khai thác lợi thế bản địa làm du lịch

12/12/2022 - 06:59

 - Nhờ được chính quyền địa phương đầu tư hạ tầng, quan tâm phát triển du lịch (DL), người tham gia ldịch vụ DL đã chú trọng hơn đến chất lượng để thu hút khách. Không cần quá nhiều đổi mới, mà tập trung khai thác sâu hơn giá trị bản địa là xu hướng đang được các hộ cá thể lựa chọn.

Mấy năm trước, đi đến điểm DL nào, để ý ven đường đều kín các gian hàng quà lưu niệm na ná nhau: Vòng chuỗi, móc khóa, lắc tay, quạt, nón, áo thun… Dần dần, sự chuyển mình trong dịch vụ DL đã giúp người dân hiểu rõ hơn nhu cầu của khách. Sản vật núi rừng từ măng, cua, trái cây theo mùa trở thành quà hút khách. Trên núi Cấm (ấp Vồ Bà), cứ 10 hộ thì hết 6 hộ làm đũa tre, có người thu nhập gần 1 triệu đồng/ngày. Một sản phẩm phụ tận dụng từ thân tre già qua các mùa khai thác măng, đã trở thành sản phẩm mà khách hành hương nào cũng muốn mua về.

Khi mở homestay, hầu hết các cơ sở vùng Bảy Núi đều chú trọng khai thác đặc trưng có sẵn của bản địa. Đó là tận dụng không khí trong lành, mát mẻ của bình minh hay vẻ đẹp thơ mộng của hoàng hôn cho khách tận hưởng. Món ăn, thức uống đặc trưng là gà đốt, su luộc, rau rừng… Nhà ở dựng bằng gỗ, tre, phục vụ nhu cầu ngủ lều ngoài trời… được du khách ưa chuộng. Người dân làm DL với tinh thần có gì thì cung cấp nấy theo mùa, tạo nét riêng, chủ yếu quan tâm chất lượng phục vụ, không còn loay hoay với suy nghĩ DL là phải ôm đồm đủ thứ.

“Các yêu cầu tiện nghi, cơ sở vật chất chỉ cần cơ bản, bởi cảm giác mong muốn khi tìm đến những nơi này là thấy được sự khác biệt với nơi mình đang sống. Điều kiện giản dị, môi trường hài hòa, sau khi trở về còn rất nhiều điều đọng lại để nhớ”- du khách Nguyễn Trọng Nam chia sẻ.

Phụ giúp gia đình chăm sóc vườn cây ăn trái trên núi Dài (huyện Tri Tôn), chị Đào Thị Phượng nảy ra ý tưởng làm dịch vụ để khách đến trải nghiệm. Mỗi ngày 2 buổi, được ngắm mây bồng bềnh giữa lưng chừng, tận hưởng gió trời mát mẻ. Đêm xuống, không gian vắng lặng và yên ả làm dịu đi những mệt nhọc. Cảnh quan được chị chăm chút thêm hoa, cây cảnh, dựng quán nước, bày trí chỗ ngủ cho khách lưu trú qua đêm.

Hơn 1 năm nay, khách tìm về núi càng nhiều. Không chỉ riêng mùa trái cây hấp dẫn tại vườn của chị với bơ, sầu riêng, nho… mà họ “chấm” không gian ở đây bởi sự thanh bình, dễ chịu. Chị Phượng thử nghiệm trồng luân phiên bòn bon, chôm chôm, su su, đủ loại rau xanh để khách luôn có thực phẩm chế biến.

Không có sẵn điều kiện thiên nhiên, bù lại, khai thác giá trị bản sắc văn hóa dân tộc để làm DL, ông Mohamad (cơ sở dệt thổ cẩm Châu Phong, TX. Tân Châu) đã bày trí không gian trong nhà thành khu trưng bày thu nhỏ. Tại đây, khách có thể tìm hiểu đầy đủ các công đoạn thủ công để làm ra sản phẩm thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm.

Thợ dệt bên khung cửi, thợ ngồi suốt thủ công, các sản phẩm từ vải thô đến thành phẩm sẵn sàng phục vụ du khách. Ông còn tổ chức tham quan một vòng làng Chăm, phục dựng phòng cưới truyền thống của đồng bào, cho du khách trải nghiệm mặc trang phục chụp ảnh.

Bên cạnh, các món ăn truyền thống, như: Tung lò mò, cà ri Chăm, bánh bò nướng… được liên kết với thợ nấu trong xóm để tổ chức bữa ăn cho đoàn khách theo yêu cầu. Qua đây, những đặc trưng về tập tục, văn hóa, đời sống của đồng bào Chăm được ông thuyết minh với du khách. Ông Mohamad cho biết, do đặc thù nét sinh hoạt, nhất là tôn trọng các nghi thức tôn giáo tại nhà của đồng bào, nên hiện nay ông không tổ chức cho khách lưu trú. Còn lại các dịch vụ khác luôn được quan tâm, thay đổi và khai thác tối đa trong đời sống đồng bào để làm DL.

Có thể nói, trong bối cảnh đô thị hóa, hiện đại hóa diễn ra nhanh, mạnh thì nhu cầu được tìm về những vùng quê bình dị để tận hưởng cảnh sắc tươi đẹp, không khí trong lành càng nhiều. Để tránh trùng lắp ở cách tổ chức mô hình, dịch vụ được quan tâm tìm ra nét riêng, trong đó, khai thác những đặc thù có sẵn ở địa phương là lợi thế lớn. Sau đại dịch COVID-19, cùng với sự lên ngôi của DL nghỉ dưỡng và DL chăm sóc sức khỏe, DL nông thôn càng trở thành lựa chọn phổ biến của du khách, nhất là khách DL sống ở đô thị.

Ngoài khả năng duy trì nghề truyền thống, bảo tồn và phát huy các giá trị cảnh quan sinh thái, văn hóa địa phương, đẩy mạnh DL nông thôn còn giúp cải thiện khoảng cách về thu nhập, thụ hưởng giữa người dân nông thôn và đô thị, thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.

DL nông nghiệp thu hút du khách tham quan thông qua các hoạt động nông nghiệp tại địa phương, với các vườn cây ăn trái và góp phần tiêu thụ sản phẩm. Xu hướng khi đi DL ở các vùng quê, mục đích chính của người trải nghiệm là nghỉ ngơi, thư giãn, hòa mình vào cuộc sống của người dân. Và nhiều nơi đã khai thác và đáp ứng được nhu cầu này.

MỸ HẠNH