Khấm khá nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp

05/10/2022 - 07:13

 - Chủ động tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, nông dân xã Phú Lâm (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của bà con...

Nâng cao thu nhập

Trên vùng đất trồng nếp hiệu quả không cao, cách đây khoảng 5 năm, anh Nguyễn Thanh Sơn (nông dân xã Phú Lâm) đã mạnh dạn cải tạo đất ruộng để trồng cây ăn trái. Bưởi da xanh, mãng cầu, ổi được anh Sơn lựa chọn bởi có giá trị kinh tế cao, có tiềm năng phát triển tại địa phương.

Trước khi chuyển đổi, anh Sơn đã đi học tập kinh nghiệm từ những vườn cây ăn trái ở các tỉnh lân cận, từ đó áp dụng cho bản thân. Từ sự hỗ trợ của Hội Nông dân huyện Phú Tân, anh Sơn đầu tư hệ thống tưới nước phun sương kết hợp tưới tại gốc, với tổng kinh phí 80 triệu đồng. Hệ thống tưới nước tự động giúp cho việc canh tác được dễ dàng, tiện lợi; không mất nhiều thời gian, công sức… so với cách tưới truyền thống.

Đặc biệt, hệ thống phun sương tưới trên lá cây có thể kết hợp luôn việc phun thuốc nên hạn chế tối đa ảnh hưởng sức khỏe. Từ ngày vận dụng hệ thống này, vườn cây ăn trái của anh Sơn giảm được sâu bệnh, việc làm vườn nhẹ nhàng hơn, tiết kiệm được rất nhiều lượng nước...

Nhờ dày công chăm sóc, áp dụng khoa học - kỹ thuật nên vườn cây ăn trái của gia đình anh Sơn đã phát triển khá tốt, cho năng suất cao, chất lượng vượt trội. Đặc biệt, anh Sơn xử lý bưởi cho trái quanh năm, tạo thu nhập ổn định cho gia đình. Với diện tích 3.500m2, anh Sơn trồng 120 gốc bưởi. Bình quân mỗi tháng, anh thu hoạch 500-800kg trái, tương đương khoảng 6 tấn/năm. Với giá bán từ 20.000-25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, anh thu về lợi nhuận từ 80-100 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, anh còn xử lý bưởi ra trái và thu hoạch ngay dịp Tết để bán. Giá thời điểm này cao hơn gấp đôi so với ngày thường. “Việc chuyển đổi từ trồng nếp sang trồng cây ăn trái dù chi phí ban đầu lớn nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Ngoài ra, công chăm sóc cho vườn cây ăn trái cũng ít hơn so với trồng nếp trước đây” - anh Sơn chia sẻ.

Việc chuyển đổi cây trồng đã góp phần tăng thêm thu nhập cho nông dân

Để phát triển các mô hình trồng cây ăn trái, Chi hội cây ăn trái xã Phú Lâm đã được thành lập với 25 thành viên, canh tác trên diện tích khoảng 4ha. Các thành viên trong chi hội canh tác các loại cây trồng như mít Thái, cà na Thái, bưởi, ổi lê… Tham gia chi hội, các thành viên có cơ hội được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác; hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ…

Vận động chuyển đổi cây trồng

Không chỉ có mô hình trồng bưởi của anh Nguyễn Thanh Sơn mà hiện nay, nông dân xã Phú Lâm còn chuyển đổi từ diện tích nếp, vườn tạp, đất bờ rào… kém hiệu quả sang trồng các loại nông sản có giá trị kinh tế cao. Có thể kể đến mô hình sản xuất đa canh của ông Nguyễn Minh Đức, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của ông Lê Sơn Nam, mô hình trồng đậu phộng của bà Lê Thị Hẹn, mô hình nuôi heo sinh sản của bà Lê Thị Thúy… Nhiều mô hình đem về lợi nhuận cho bà con nông dân trên 100 triệu đồng/năm.

Đến nay, xã Phú Lâm đã chuyển đổi được 30,2ha đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu, cây ăn trái. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Lâm Nguyễn Văn Bình cho biết, thực hiện Nghị quyết 11 của Huyện ủy về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, địa phương đã ban hành nghị quyết, kế hoạch cụ thể. Đối với những vùng có điều kiện thuận lợi sẽ phát triển các loại cây ăn trái, tập trung các loại cây có múi. Đối với những vùng không thuận lợi để phát triển cây ăn trái như: Đất gò cao, đất bờ rao, đất nhỏ lẻ, vườn tạp… thì chuyển sang trồng các loại rau màu, cây nông nghiệp ngắn ngày.

Theo ông Bình, việc chuyển đổi cây trồng trên địa bàn xã Phú Lâm dù phát triển nhưng chưa tương xứng, vẫn còn mang tính manh mún, không tập trung vào một loại cây trồng nên rất khó tìm kiếm đầu ra, việc bao tiêu gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, việc chuyển đổi cây trồng đòi hỏi nguồn kinh phí cao nên phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của từng hộ gia đình. Do vậy, thời gian tới, địa phương sẽ tập trung vận động nông dân tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Bên cạnh đó, tăng cường và đổi mới công tác hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, thực hiện tốt các chính sách ưu đãi của nhà nước và tranh thủ nguồn lực về vốn, khoa học, công nghệ tiên tiến, chương trình khuyến nông, dạy nghề…

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã Phú Lâm là 1.225ha. Trong đó, diện tích lúa nếp vẫn chiếm tỷ lệ lớn, với 1.158,12ha (chiếm 94,54%); diện tích hoa màu khoảng 26,97ha (chiếm 2,2%); diện tích cây ăn trái khoảng 33,2ha, chiếm 2,71%, còn lại là thủy sản…

 

ĐỨC TOÀN