Thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chính quyền xã Vĩnh An (huyện Châu Thành) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững. Trong đó, đẩy mạnh hỗ trợ nông dân chuyển đổi diện tích đất canh tác lúa, đất vườn tạp kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu, cây ăn trái có giá trị kinh tế cao.
Đồng thời, phối hợp ngành chức năng chuyển giao khoa học - công nghệ, kỹ thuật canh tác tiên tiến cho bà con nông dân, dần thay đổi tập quán sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản xuất, tăng tính cạnh tranh của nông sản trên thị trường. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình, như: trồng cam, quýt đường, chanh, mít, dưa lưới, dưa leo, nấm rơm…
Ngoài việc thu lợi nhuận từ vườn quýt đường, ông Cường tận dụng diện tích mặt nước xen kẽ các liếp để nuôi cá
Nhờ “chịu thương, chịu khó”, luôn tìm tòi, học hỏi cùng với sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương, ông Tô Quốc Cường (ngụ ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh An) bước đầu thành công với mô hình trồng quýt đường kết hợp nuôi cá. Năm 2019, trên mảnh đất của gia đình, ông Cường mạnh dạn chuyển đổi 1ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng 1.200 gốc quýt đường. Dù đã tìm hiểu kỹ, học tập kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác cũng như lựa chọn được nguồn cây giống tốt, chất lượng cao nhưng ông vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình chăm sóc cây quýt.
Tuy nhiên, với bản tính chăm chỉ, ông Cường đã nỗ lực vượt khó, tiếp tục học hỏi kinh nghiệm, kiến thức, kỹ thuật chăm sóc quýt đường từ bạn bè, các nhà vườn ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp), rồi tham khảo thêm thông tin từ sách, báo. Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và thiết kế vườn do địa phương tổ chức để tự tích lũy kinh nghiệm sản xuất cho bản thân. Qua đó, ông áp dụng các kiến thức và kinh nghiệm vào quá trình canh tác và chăm sóc vườn cây ăn trái của mình một cách hiệu quả.
Sau gần 2 năm chăm sóc, vườn quýt đường đã cho trái và ông Cường thu hoạch 2 đợt đầu tiên (mỗi đợt cách nhau 2 tháng). Với 1ha quýt đường, ông thu hoạch trên 2 tấn trái. Với giá bán bình quân từ 15.000-20.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí chăm sóc, ông thu lợi nhuận trên 30 triệu đồng mỗi đợt thu hoạch. Ông Cường chỉ mới thu hoạch 2 đợt trái đầu tiên, tuy nhiên theo ông thì sản lượng quýt sẽ tăng dần theo từng đợt thu hoạch.
Ông Tô Quốc Cường cho biết, quýt đường là loại cây đòi hỏi người canh tác phải am hiểu kỹ thuật, nắm rõ đặc tính của cây trồng, nếu không chăm sóc tốt, đúng cách, cây cho ít trái, nhỏ và không mọng nước, không đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. “Cây quýt đường thường mắc các bệnh, như: nấm hồng, gỉ sắt, rầy xanh, rầy nâu, nhện đỏ, sâu vẽ bùa và bị các loại côn trùng chích hút trái, ảnh hưởng chất lượng, thẩm mỹ sẽ không bán được giá cao. Do đó, cần phải phòng trừ hữu hiệu các loại sâu bệnh gây hại, đảm bảo chất dinh dưỡng cho cây và thời gian cách ly khi thu hoạch trái” - ông Cường chia sẻ.
Ngoài việc thu lợi nhuận từ vườn quýt đường, ông Cường còn tận dụng diện tích mặt nước xen kẽ các liếp để nuôi các loại cá, như: cá rô, cá lóc… giúp tăng thêm thu nhập cho gia đình. Dù rất muốn phát triển mở rộng mô hình nhưng ông Cường đang gặp khó khăn về việc bơm tưới, do điện lưới ở khu vực này chưa có. “Điện ở đây không có, do vậy phải chạy bơm bằng máy dầu. Mong rằng, nơi đây sớm có điện lưới quốc gia để mọi người thuận tiện trong sinh hoạt và nông dân có điều kiện tốt hơn trong canh tác và mở rộng sản xuất - kinh doanh” - ông Cường giãi bày.
Mô hình trồng quýt đường kết hợp nuôi cá của ông Cường mang lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, để mô hình trồng quýt đường nói riêng và trồng các loại cây ăn trái phát triển bền vững rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của ngành nông nghiệp trong việc tư vấn, hướng dẫn các quy trình, kỹ thuật trồng và chăm sóc cũng như xây dựng các giải pháp đầu ra lâu dài cho sản phẩm… Qua đó, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
LÊ HOÀNG