Khẳng định vị thế trường nghề

18/08/2022 - 07:35

 - Các trường nghề trên địa bàn tỉnh An Giang không ngừng nỗ lực để nâng cao chất lượng đào tạo với hàng loạt giải pháp: Đổi mới đào tạo, hợp tác với doanh nghiệp (DN), tạo cơ hội việc làm cho người học sau khi ra trường... Đó là sự chủ động kịp thời để xác định vị thế, giúp người học quan tâm đúng mức đến trường nghề trong bối cảnh lao động hiện nay.

Lực lượng giáo viên, giảng viên ở các trường nghề hiện nay đều đạt chuẩn và được tạo điều kiện để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn. Đặc biệt, nhiều năm nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) An Giang duy trì tổ chức “Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp” và “Hội thi thiết bị đào tạo tự làm”.

Hai sân chơi lớn cấp tỉnh góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, khuyến khích nhà giáo giáo dục nghề nghiệp học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tiếp nối sự thành công và đúc kết kinh nghiệm qua các năm, hội giảng nhà giáo năm nay quy tụ 16 nhà giáo của 5 cơ sở giáo dục tham gia. Còn hội thi thiết bị đào tạo tự làm có 13 thiết bị của 27 tác giả, nhóm tác giả trên địa bàn tỉnh tham gia.

Nhóm tác giả Nguyễn Đức Tài và Phạm Minh Phương (Trường Cao đẳng Nghề An Giang) đã đạt giải nhất với thiết bị “Cánh tay robot phân loại màu” ở “Hội thi thiết bị đào tạo tự làm”. Thầy Nguyễn Đức Tài cho biết, thiết bị được thiết kế với tính đa dụng cao, sử dụng giảng dạy trên các lĩnh vực lập trình vi điều khiển, robot và cảm biến, với mục tiêu trang bị các kiến thức, kỹ năng và sự sáng tạo cho học sinh, sinh viên trong quá trình học tập và rèn luyện. Bên cạnh đó, thiết bị được tích hợp thêm bộ kết nối IOT giúp học sinh, sinh viên có thể thực hành từ xa, còn giảng viên có thể tạo ra vô số các bài tập khác nhau cho từng em mà vẫn đảm bảo tính công bằng trong đánh giá kỹ năng và kiến thức.

Giới thiệu, tư vấn nghề nghiệp cho học sinh tham quan, tìm hiểu

Từ hội thi này, những nhà giáo tiêu biểu sẽ tiếp tục tham gia sân chơi toàn quốc. Đặc thù của trường nghề là kết hợp giữa dạy lý thuyết và kỹ năng thực hành chặt chẽ. Vì vậy, nâng cao tay nghề cho giảng viên và đổi mới phương pháp đào tạo là yêu cầu thường trực.

Theo thầy Tài, hiện nay xu hướng đào tạo đang dần thiết thực và bám sát yêu cầu tuyển dụng của DN hơn. Tại Trường Cao đẳng Nghề An Giang, học sinh, sinh viên đang được “đào tạo kép”, vừa học ở trường và vừa học tại DN. Điều này giúp nội dung học bám sát thực tế và người học sẽ bắt tay làm việc ngay sau khi ra trường.

Đây là cách làm thiết thực được phát huy ở Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú An Giang (huyện Tri Tôn). Theo Hiệu trưởng Cao Văn Thích, đơn vị đã liên kết với các DN trong và ngoài tỉnh cùng xây dựng chương trình đào tạo, giảng dạy, thực hành nghề nghiệp cho học sinh.

Trong quá trình đó, học sinh được sử dụng thiết bị của trường và thiết bị hiện có của DN, đáp ứng được nhu cầu nâng cao về tay nghề. Nhờ vậy, khi ra trường, các em học sinh có thể trực tiếp làm việc ngay, DN không cần phải đào tạo lại. Từ năm 2020, trường còn liên kết một số DN đào tạo nguồn nhân lực phục vụ xuất khẩu lao động. Năm 2022, các nghề trình độ trung cấp đáng chú ý là bảo vệ thực vật, hàn, điện công nghiệp, lắp ráp máy tính, quản trị mạng máy tính, công nghệ ôtô, hướng dẫn du lịch…

Chuyển biến tích cực hiện nay là quan điểm của người học và phụ huynh dần bám sát nhu cầu thực tế, chứ không còn chạy theo bằng cấp. Khi tham gia học hệ trung cấp hoặc cao đẳng, thời gian học ngắn hơn, chi phí rẻ hơn, thực hành nhiều hơn và ra trường sẽ dễ xin được việc làm hơn.

Điểm thuyết phục nữa là tỷ lệ học sinh học ở trường nghề sau khi tốt nghiệp có việc làm khá cao. Trong đó, tỷ lệ các em đã tốt nghiệp có công việc và mức thu nhập ổn định sau 6 tháng ra trường chiếm ưu thế (bình quân 4,5-10 triệu đồng/tháng). Ngoài ra, những em có điều kiện, sau khi tốt nghiệp có thể quay lại trường để tiếp tục học liên thông hệ đào tạo cao hơn, đảm bảo có bằng cấp như mong muốn.

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH An Giang Phạm Sơn, thị trường lao động hiện nay biến động liên tục, đòi hỏi người học phải nắm chắc, theo sát các nhu cầu của nhà tuyển dụng. Từ đánh giá của các nhà chuyên môn, thị trường lao động đang thu hút một số lĩnh vực, ngành nghề, tuy nhu cầu lớn nhưng đang thiếu đầu vào tuyển sinh. Điển hình như các ngành: Cơ khí, hàn, điện lạnh, bảo trì sửa chữa ôtô, tự động hóa… với thu nhập khá cao, nhưng đang thiếu nguồn nhân lực.

Bên cạnh nỗ lực của các trường nghề trong đổi mới tuyển sinh, đào tạo, Sở LĐ-TB&XH An Giang còn tổ chức ngày hội tư vấn, hướng nghiệp để giới thiệu cho phụ huynh, học sinh có cái nhìn toàn diện hơn về học nghề. Theo đánh giá của các đơn vị trường nghề, những năm qua, khi tổ chức ngày hội tư vấn, hướng nghiệp, các em học sinh được định hướng nghề nghiệp phù hợp hơn theo sở thích, sở trường.

 Qua đó, giúp các em có thể chọn nghề đúng hơn với nguyện vọng và phù hợp khả năng của mình, tạo cơ hội việc làm tốt hơn sau khi ra trường. Tâm lý chuộng “thầy” hơn “thợ” đang dần được thay đổi, có sự chọn lọc để thu hút đầu vào chất lượng và đầu ra uy tín.

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích