Nông dân chăn nuôi bò theo hướng liên kết
Muốn khá, nuôi… bò
Từ lâu, chăn nuôi bò được xem là thế mạnh của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer tại huyện miền núi Tri Tôn nói chung, xã An Tức nói riêng. Mô hình này giúp nhiều hộ dân, nhất là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số Khmer nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế, góp phần chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi. Gắn bó với nghề nuôi bò hơn 10 năm, ông Chau Kóp cho biết, nhờ nuôi bò mà cuộc sống gia đình ông ngày càng ổn định.
Trước đây, gia đình ông nuôi 1-2 con bò. Dần dần, tích góp kinh nghiệm, kỹ thuật, vốn nên ông tăng số lượng bò từng năm, đến giờ khoảng 10-13 con. Ông nuôi theo hình thức bán chăn thả (kết hợp giữa thả rông và nhốt chuồng). Nhờ bỏ công chăn thả và cắt cỏ cho bò ăn, nên chi phí đầu tư không cao, chủ yếu “lấy công làm lời”. “Bò nuôi khoảng 1 năm là có thể xuất bán, lãi từ 10-15 triệu đồng/con. Mỗi năm, gia đình tôi thu về lợi nhuận từ 50-100 triệu đồng” - ông Chau Kóp chia sẻ.
Khác ông Chau Kop, gia đình anh Chau Si Chonh nuôi bò trong 500m2 chuồng. Nhờ áp dụng hình thức này mà anh đỡ mất công chăn thả, bò có mức tăng trọng cao, tránh lây nhiễm bệnh... Điểm nổi bật của mô hình này là… không tắm cho bò. Thay vào đó, anh sử dụng thuốc sát trùng và men vi sinh để khử mùi, tạo được môi trường sạch sẽ, an toàn cho bò và người chăn nuôi.
Để bò khỏe mạnh, sau khi mua con giống về, anh Chonh tiêm ngừa bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục, tụ huyết trùng; tẩy giun định kỳ 3 tháng/lần. Nhờ vậy, bò tăng trọng nhanh, ít mắc bệnh. “Gia đình tôi duy trì đàn bò 20-22 con. Bò nuôi theo hình thức vỗ béo, chỉ 3 tháng là có thể xuất bán. Mỗi con sau khi bán, gia đình tôi thu về lợi nhuận từ 4 - 4,5 triệu đồng” - anh Chonh phấn khởi.
Liên kết chăn nuôi
Mô hình nuôi bò tại xã An Tức giúp nhiều gia đình cải thiện thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống. Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã An Tức Trần Văn Tỏ cho biết, thời gian qua, địa phương tổ chức các lớp chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi bò để trang bị thêm kiến thức, kỹ thuật chăm sóc, phòng và trị bệnh cho vật nuôi. Nhờ đó, quá trình chăn nuôi của bà con thuận lợi, hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước. Ngoài ra, địa phương phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 10 hộ vay vốn để phát triển đàn bò, mỗi hộ từ 20-30 triệu đồng.
Đặc biệt, UBND xã An Tức còn vận động hội viên, nông dân tham gia HTX chăn nuôi bò An Tức. HTX gồm 13 thành viên, vốn điều lệ 300 triệu đồng, hoạt động trên các lĩnh vực, như: Chăn nuôi bò, sản xuất giống bò; dịch vụ chăn nuôi; bán buôn thực phẩm; trồng cây hàng năm khác...
Tham gia HTX, các thành viên cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hợp đồng dịch vụ; phân phối thu nhập theo quy định của điều lệ, hưởng các phúc lợi và được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ phục vụ hoạt động của HTX. Bên cạnh đó, các thành viên có nghĩa vụ tuân thủ điều lệ, quy chế, nghị quyết đại hội thành viên HTX và quyết định của Hội đồng quản trị...
Anh Chau Si Chonh cho biết, do HTX mới đi vào hoạt động, nên lợi ích mang lại cho thành viên chưa rõ nét. Tuy nhiên, khi tham gia kinh tế tập thể, các thành viên sẽ được hưởng nhiều lợi ích. Cụ thể, họ được học tập, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi; được tiếp cận các nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi; hỗ trợ tiêm phòng, khám, chữa bệnh định kỳ… Đặc biệt, các hộ có cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong sản xuất.
Có thể thấy, việc hình thành và phát triển HTX chăn nuôi bò An Tức đã và đang trở thành phương thức chăn nuôi phù hợp xu hướng hiện nay, dần thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ của người dân sang chăn nuôi tập trung quy mô lớn. Qua đó, từng bước đưa lĩnh vực chăn nuôi gia súc của địa phương phát triển mạnh, giúp người dân giảm nghèo hiệu quả.
Theo Hội Nông dân xã An Tức, tổng đàn gia súc, gia cầm toàn xã hiện có 425 con trâu, bò, 198 con heo và 3.500 gia cầm. Công tác giám sát tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được thực hiện tốt, không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn. |
ĐỨC TOÀN