Thời gian qua, việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu đã tạo ra môi trường thông thoáng thu hút đầu tư tư nhân, góp phần đẩy mạnh phát triển, mang lại nhiều đóng góp cho tăng trưởng kinh tế - xã hội (KTXH) của tỉnh. Tuy nhiên, công tác đầu tư gặp nhiều khó khăn, do nguồn vốn từ Trung ương và ngân sách địa phương hạn chế. Trong khi khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu đa phần đều ở địa phương có điều kiện KTXH khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn. Điều này kéo theo lợi thế thu hút đầu tư thấp, chưa có chính sách ưu đãi đặc thù, hấp dẫn; chưa thu hút dự án quy mô lớn, công nghệ cao, đóng góp nhiều cho ngân sách.
Giao thông là lĩnh vực rất được tỉnh quan tâm
Vì vậy, tỉnh kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, bổ sung nhóm chính sách về phát triển khu công nghiệp và khu kinh tế. Kiến nghị trên được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời ngày 31/7/2024. Trên cơ sở quan điểm, mục tiêu, định hướng của kế hoạch phát triển KTXH 5 năm giai đoạn 2026 - 2030, căn cứ khả năng cân đối nguồn lực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trình Chính phủ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân vốn chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước cho giai đoạn mới. UBND cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng trong khu kinh tế.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, Khoản 1, Điều 8, Nghị định 62/2019/NĐ-CP, ngày 11/7/2019 của Chính phủ quy định nguyên tắc phân bổ: “Sử dụng không thấp hơn 50% kinh phí dùng hỗ trợ cho người trồng lúa để áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm”. UBND tỉnh phân bổ dự toán theo nguyên tắc nêu trên. Tuy nhiên, nhu cầu hàng năm không nhiều, dẫn đến việc thừa nguồn không sử dụng được. Bên cạnh đó, nguồn ngân sách của tỉnh hiện đang gặp khó khăn, chưa cân đối đủ kinh phí để sớm thực hiện hoàn thành hạng mục, công trình đã triển khai. Tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Chính phủ điều chỉnh thành: “Ưu tiên sử dụng kinh phí dùng hỗ trợ cho người trồng lúa để áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất lúa; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm (theo nhu cầu thực tế)”.
Ngày 30/7/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, bộ được Chính phủ giao chủ trì phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình ban hành Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa, theo Quyết định 222/QĐ-TTg, ngày 5/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch thi hành Luật Đất đai 31/2024/QH15. Trong đó, đã sửa đổi, bổ sung nội dung kiến nghị của UBND tỉnh (thông qua Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh), hiện đang trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Nhiều công trình trọng điểm đang chờ nguồn cát
Việc cấp phép khai thác khoáng sản, thuê mặt nước đang là vấn đề “nóng” của tỉnh. Từ cuối năm 2023 đến đầu năm 2024, UBND tỉnh liên tục xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường: Dự án đã được cấp phép khai thác khoáng sản cát sông có thuộc trường hợp phải lập thủ tục thuê mặt nước theo quy định tại Điều 152, Luật Đất đai năm 2013 hay không? Vị trí cho thuê để khai thác cát có đặc điểm nằm giữa lòng sông, không liền kề với các khu đất có cùng mục đích, nên dẫn đến khó khăn trong việc xác định đơn giá cho thuê theo quy định nêu trên. Chưa rõ, việc xác định giá trị khu đất (cho thuê đất có mặt nước vào mục đích khai thác khoáng sản) có nhân 50% đơn giá thuê đất có mặt nước theo quy định tại khoản 1, điều 6 hay không? Tỉnh kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hướng dẫn các nội dung nêu trên, để tổ chức thực hiện khắc phục kết luận của Thanh tra Chính phủ; lập thủ tục thuê mặt nước cho dự án khai thác khoáng sản cát sông đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh (phục vụ xây dựng đường bộ cao tốc vùng ĐBSCL).
Ngày 26/9/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất đã có công văn gửi UBND tỉnh An Giang về việc cho thuê đất mặt nước để thực hiện dự án khai thác khoáng sản cát sông. Luật Đất đai năm 2024 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024) quy định về đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản (điều 205); đất có mặt nước chuyên dùng và đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối (điều 215) và sử dụng đất kết hợp đa mục đích (điều 218). Về đơn giá thuê đất, thực hiện theo Nghị định 103/2024/NĐ-CP, ngày 30/7/2024 của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Trước thềm kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, tỉnh tiếp tục kiến nghị Trung ương hướng dẫn, quy định một số nội dung quan trọng để có cơ sở thực hiện trong thời gian tới. Theo đó, để đảm bảo cơ sở pháp lý trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đầu tư Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang theo quy định, kiến nghị Chính phủ sớm xem xét, chấp thuận điều chỉnh tiến độ thực hiện đề án đến năm 2024. Ngoài ra, kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế nhằm tạo hành lang pháp lý quan trọng giúp đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế của các địa phương.
“Nhằm thúc đẩy ĐBSCL phát triển mạnh mẽ, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước, giai đoạn 2026 - 2030, đề nghị Chính phủ xem xét cân đối nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư các dự án trọng điểm cho ĐBSCL và tỉnh An Giang, như: Tuyến nối từ điểm đầu đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đến Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên; điểm đầu đường cao tốc đến điểm đầu Quốc lộ 91C đi Cửa khẩu Khánh Bình; tuyến đường tránh Quốc lộ 91 qua đô thị Cái Dầu - Vĩnh Thạnh Trung; cầu Tân Châu - Hồng Ngự, cầu Tôn Đức Thắng; Đường tỉnh 956, Đường tỉnh 950 và đoạn kết nối Quốc lộ 110 tỉnh Kandal (Vương quốc Campuchia)” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước bày tỏ.
GIA KHÁNH