Khơi dậy khát vọng cống hiến trong thanh, thiếu niên

17/05/2022 - 06:36

 - Hiện nay, nhiều hoạt động được triển khai, nhằm tăng cường, tạo chuyển biến tích cực, toàn diện trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thanh, thiếu niên, khơi dậy tinh thần thi đua học tập, giúp thanh niên có ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp.

Tìm về văn hóa đọc

Thực hiện chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng, cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030”, nhiều cấp, ngành ban hành kế hoạch cụ thể hóa. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), chương trình hướng đến tăng cường tổ chức hoạt động, tạo chuyển biến tích cực, toàn diện trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh, thiếu niên, nhi đồng.

Từ đó, góp phần xây dựng thế hệ trẻ có đạo đức trong sáng, lối sống văn hóa, tuân thủ pháp luật, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lý tưởng cách mạng; có kỹ năng sống, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội. Đồng thời, khơi dậy ở các em tinh thần thi đua học tập, rèn luyện; ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp; đóng góp xây dựng, phát triển đất nước.

Sở GD&ĐT An Giang đề ra nhiều chỉ tiêu cụ thể. Đó là, hàng năm phấn đấu 100%, thanh niên trong cơ sở giáo dục được tham gia vào hoạt động tuyên truyền, phổ biến, học tập nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước tại đơn vị. Phấn đấu 100% thanh niên là học sinh được tham gia hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng sống và kỹ năng mềm. Phấn đấu 100% thanh niên học sinh và ít nhất 80% thiếu niên, nhi đồng tham gia hoạt động xã hội, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, lao động tập thể trong và ngoài nhà trường.

Đến năm 2025, trên 80% thanh niên học sinh ở đô thị, trên 70% thành niên học sinh ở nông thôn, 60% thanh niên học sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tham gia hoạt động văn hóa, thể dục - thể thao, sinh hoạt cộng đồng tại nơi học tập, làm việc, cư trú; đến năm 2030 đạt trên 85%, trên 75% và 65% chỉ tiêu tương ứng.

Bên cạnh đó, phấn đấu 100% thanh niên học sinh trong cơ sở giáo dục phổ thông được hướng nghiệp, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp. Hàng năm, 30% ý tưởng, dự án khởi nghiệp của thanh niên học sinh được kết nối với doanh nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc được hỗ trợ đầu từ nguồn kinh phí phù hợp. Phấn đấu 100% thanh niên học sinh hưởng ứng, xung kích, tình nguyện tham gia hoạt động vì cộng đồng, xã hội; phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường; giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia. Phấn đấu đến năm 2025, 25% thanh niên học sinh được ứng dụng, triển khai ý tưởng sáng tạo, công trình nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất và đời sống; năm 2030 nâng tỷ lệ lên 30%.

Để thực hiện chỉ tiêu đề ra, Sở GD&ĐT hướng dẫn các đơn vị nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền, cơ quan trong việc chỉ đạo, quản lý thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng của thanh, thiếu niên trong tỉnh. Chủ động xây dựng mô hình hoạt động, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục thanh thiếu niên, nhi đồng ở địa bàn dân cư; quan tâm tạo điều kiện cho thanh thiếu niên, nhi đồng (là người dân tộc thiểu số, vùng kinh tế khó khăn, biên giới) được tham gia hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, vui chơi giải trí lành mạnh, trải nghiệm, sáng tạo khoa học - kỹ thuật, giáo dục nghề nghiệp, khởi nghiệp…

Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; đầu tư, củng cố, phát triển và vận động nguồn lực xã hội, nâng cao hiệu quả sử dụng sân chơi, công trình văn hóa, thể thao cho thanh, thiếu niên và nhi đồng tại địa phương; xây dựng chuyên trang tuyên truyền của cơ quan, đơn vị, địa phương về nội dung trên; xây dựng mô hình hoạt động sáng tạo, tích cực tuyên truyền “gương người tốt - việc tốt”, gương điển hình trong tất cả lĩnh vực và đời sống… Từ đó, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, tác động tích cực đến nhận thức của gia đình thanh, thiếu niên, nhi đồng trong công tác phối hợp giữa gia đình - nhà trường và xã hội.

NGỌC GIANG