Khôi phục kinh tế trong tình hình mới

06/10/2021 - 04:54

 - Những chủ trương “mở” như: khoanh vùng nhỏ nhất khi có F0; mạnh dạn cách ly F1 (ít nguy cơ), điều trị F0 (nhẹ hoặc không triệu chứng) tại nhà; “bóc tách” F0 nhưng không đóng cửa nhà máy… là hướng đi mới cho phục hồi sản xuất - kinh doanh (SXKD) thích ứng với dịch bệnh COVID-19. Chống dịch nhưng không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa là yêu cầu đặt ra hiện nay.

Giải tỏa nỗi lo của người lao động

Ông Đ.H.Q, chủ một doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón hữu cơ ở xã An Hòa (huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) cho biết, đối với DN và người lao động (NLĐ) hiện nay, họ không phải lo nhiễm bệnh mà lo bị cách ly, phong tỏa. “Tôi đọc thông tin thấy đối với COVID-19, hơn 80% người nhiễm sẽ tự khỏi trong vòng 5-7 ngày. Như vậy, nếu NLĐ khỏe mạnh, nếu có lỡ nhiễm COVID-19 cũng không phải là vấn đề quá nghiêm trọng. Người ta chỉ lo khi thành F0 thì bị đưa đi cách ly, điều trị; những người trong gia đình, những người tiếp xúc gần (F1) cũng bị cách ly theo; cả khu vực bị phong tỏa. Còn đối với DN, nỗi lo khi có NLĐ thành F0 là bị đóng cửa cả nhà máy, cách ly số công nhân còn lại, khả năng chủ DN bị truy trách nhiệm” - ông Q. bộc bạch.

Chủ DN này cho rằng, thay vì cứ cách ly, phong tỏa, đóng cửa, có thể xử lý “mở” theo hướng: khi có công nhân thành F0, chỉ tách ra điều trị tại nhà hoặc công ty (đối với F0 nhẹ hoặc không triệu chứng); cách ly, theo dõi tại chỗ đối với kíp sản xuất chung (không cách ly tập trung); khử khuẩn khu vực sản xuất và cho hoạt động trở lại sau 24 giờ. “Cách làm này cùng với xây dựng “vùng xanh” từ nơi ở đến nơi sản xuất; cho DN tự chủ phối hợp xét nghiệm PCR định kỳ 7 ngày/lần để tầm soát đối với toàn bộ công nhân; tự chủ phương án phòng, chống dịch… sẽ giúp DN yên tâm phục hồi SXKD” - ông Q. đề xuất.

Doanh nghiệp cần cơ chế “mở” để phục hồi sản xuất - kinh doanh

Trên thực tế, kế hoạch đảm bảo sản xuất ổn định trong tình hình dịch bệnh COVID-19 do Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư vừa ký ban hành đang hướng đến “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế để ổn định đời sống nhân dân; thực hiện linh hoạt các biện pháp khi tình hình dịch bệnh COVID-19 có sự thay đổi, đảm bảo hài hòa giữa khôi phục sản xuất và yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19. Mục đích của kế hoạch là đảm bảo không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, sản xuất an toàn nhằm hạn chế tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội. Đồng thời, chủ động phương án ứng phó nhanh, kịp thời, hiệu quả nhất theo các cấp độ dịch bệnh, hỗ trợ DN khắc phục khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất.

Linh hoạt ứng phó

Về nguyên tắc, DN phải có phương án hoạt động SXKD đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19; 100% NLĐ phải được xét nghiệm đầu vào âm tính với virus SARS-CoV-2, đồng thời có kế hoạch sàng lọc tối thiểu 20% tổng số lao động của DN cho mỗi đợt sàng lọc. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, tùy theo tình hình thực tế diễn biến của dịch bệnh COVID-19, SXKD của DN được thực hiện linh hoạt.

Đối với DN đang tạm dừng hoạt động, trước khi hoạt động trở lại, DN cần phải hoàn thiện các nội dung theo Kế hoạch 2557/KH-BCĐ, ngày 24-8-2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh. Sau đó, DN đăng ký phương án hoạt động SXKD phù hợp để được cơ quan thẩm quyền tổ chức thẩm định, đảm bảo hoạt động trở lại ổn định, an toàn và hiệu quả.

Đối với DN hoạt động trong tình hình giãn cách xã hội, có thể tổ chức sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ) hoặc phương án “3 tại chỗ theo kíp” (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ luân phiên theo kíp sản xuất). DN được tổ chức sản xuất theo phương án kết hợp “3 tại chỗ” với tổ chức cho NLĐ ở lưu trú tập trung ngoài DN (công nhân không cần ở nhà máy mà có thể là nhà tập thể, khu ký túc xá của công ty, khách sạn do DN quản lý và tổ chức đưa, đón hàng ngày).

DN cũng có thể tổ chức hoạt động theo phương án “1 cung đường, 2 điểm đến” hoặc phương án “1 cung đường, 2 điểm đến” mở rộng (DN tổ chức nhiều nơi lưu trú tập trung tại nhiều địa điểm khác nhau và tổ chức đưa đón công nhân từ nơi lưu trú tập trung đến nơi làm việc). Mô hình mới là tổ chức hoạt động theo phương châm “4 xanh”, gồm: NLĐ xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh (“NLĐ xanh” được đi lại bằng phương tiện cá nhân giữa “nơi làm việc xanh” - “nơi ở xanh” theo một “cung đường xanh” (không dừng, đỗ dọc đường và không đi ngang qua các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao và rất cao) trong các khung giờ phù hợp).

Với các phương án trên, DN được phục hồi hoạt động sản xuất với quy mô tối đa không quá 30% (trừ những DN số lượng con người quá ít hoặc đặc thù của dây chuyền sản xuất phải nhiều hơn 30% mới hoạt động được). Sau 15 ngày kể từ ngày hoạt động trở lại, nếu DN đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19 và không có trường hợp NLĐ bị F0 thì quy mô sản xuất được tăng lên theo yêu cầu của DN (có báo cáo xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền).

Đối với DN hoạt động sau giãn cách xã hội thực hiện theo Chỉ thị 19/CT-TTg, ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ (tình hình dịch đã được kiểm soát nhưng vẫn còn nguy cơ), tùy theo nhu cầu hoặc theo đơn hàng, hợp đồng đã ký với đối tác và nguồn lao động tiếp cận mà DN quyết định tổ chức sản xuất với quy mô phù hợp. NLĐ được quyền lựa chọn phương tiện di chuyển và nơi lưu trú trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố nơi DN hoạt động.

Trong điều kiện bình thường mới, DN được hoạt động gần như bình thường như trước đây nhưng phải đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch theo quy định (đăng ký với các cơ quan chức năng), thực hiện

Sở Công thương thực hiện hướng dẫn DN sản xuất ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh thực hiện các phương án sản xuất có số công nhân, NLĐ trên 100 người; trường hợp không quá 100 người do UBND huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn. Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh hướng dẫn DN sản xuất trong khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn An Giang

 

Bài, ảnh: HOÀNG XUÂN