Khôi phục làng trầu Long Hòa

25/01/2022 - 06:37

 - Với người dân xã Long Hòa (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), sự hiện hữu của vườn trầu xanh mướt không chỉ là nét truyền thống đặc thù của địa phương. Trầu còn gắn liền nhiều câu chuyện ở vùng đất từng là “địa chỉ đỏ”, trầu nuôi lớn bao thế hệ vùng quê học hành thành đạt. Trải qua thời gian dài, diện tích trồng trầu giảm dần do đất bị lão hóa, dân số “nảy nở”, gần đây nhất là ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 khiến đầu ra khó khăn, nhà vườn không còn chăm sóc tích cực như trước…

Ít ai nghĩ dây trầu yếu ớt lại là “cây kinh tế” của hàng chục hộ dân xã Long Hòa. Trầu vừa có giá trị về mặt đời sống tinh thần, vừa phục vụ sinh kế cho người dân, nên địa phương quyết tâm khôi phục nghề trồng trầu, bắt đầu từ việc trồng theo hướng an toàn.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Hòa Võ Minh Hiền cho biết, trải qua 2 năm dịch bệnh, tình hình sản xuất trầu đang dần ổn định. Giai đoạn trước, phần lớn trầu bán sang Campuchia, khi dịch bệnh COVID-19 căng thẳng, trầu khó tiêu thụ. Không như các loại nông sản khác, lá trầu được sử dụng trong lễ, đám tiệc, vì vậy ngay cả tiêu thụ nội địa cũng không được. Lúc trầu có giá, ai cũng chăm sóc cho đẹp, trúng vụ. Trải qua nhiều tháng bị động đầu ra, có lúc chủ nhà phải hái trầu bỏ, ít quan tâm.

Cuối năm, tình hình tiêu thụ trầu khởi sắc trở lại, hái 1 muôn thu về được 700.000 - 1,2 triệu đồng. Nhân công thu hoạch trầu tham gia nhiều công đoạn, nhờ vậy thêm thu nhập kha khá. Trong xã còn nhiều hộ trồng diện tích lớn, như: Ông Ve trồng hơn 2.000m2, ông Nghề trồng hơn 1.000m2, ông Hiền trồng 1.200m2…

Ông Vương Văn Nghề (một trong số hộ trồng lâu năm nhất) chia sẻ: “Đời ông cố đã trồng trầu, nay tới lượt tôi giữ nghề. Đặc thù thu hoạch trầu là hái cách ngày, thu nhập không nhiều, nhưng có “đồng vô đồng ra”. Tết hàng năm, tôi hái mỗi cữ trầu được 30 - 40 triệu đồng, có năm được hơn 50 triệu đồng. Bây giờ diện tích giảm, lượng trầu bán ít hơn, nhưng tôi vẫn mê nghề này. Nhà làm ruộng gần 2 mẫu, trồng trầu để có nguồn thu hàng ngày, đắp đổi các khoản chi phí khác. Nếu chăm sóc tốt, trầu cho “ăn” đến 3 năm mới phải trồng dây mới”.

Dự án trồng trầu theo hướng an toàn do Hội Nông dân xã đề nghị, Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, cho 14 hộ vay khoảng 500 triệu đồng. Lá trầu sử dụng để ăn, trang trí cúng kiếng nên sản xuất sạch là điều kiện được tuân thủ lâu nay. Theo ông Nghề, trầu ưa sinh trưởng trong môi trường tự nhiên, bón nhiều phân hay xịt thuốc cũng không được. Trước đây, có mùa trầu bị nhiễm rầy lửa gây vàng lá, bà con xử lý lượng thuốc nhỏ. Một số khác sử dụng phân hóa học bón gốc, sau nhiều năm thoái hóa đất trồng. Đối với dự án trồng trầu theo hướng an toàn, ông Võ Minh Hiền thông tin, về kinh nghiệm sản xuất, bà con đã có sẵn, thậm chí rất dày dạn.

Theo dự án, nông dân được vận động trồng trầu theo quy trình chặt hơn. Hiện nay, họ bón phân chuồng để tiết kiệm chi phí và kiên trì quan điểm “chậm mà bền”. Các hiện tượng bệnh trên thân, lá được đúc kết kinh nghiệm, chuyển sang “phòng là chính”, bằng các loại thuốc sinh học ngăn ngừa nấm, bệnh hại. Hầu hết nông dân đồng tình làm theo, bởi so với tay nghề trồng trầu của họ, đây là bước thay đổi nhỏ, có thể khôi phục sản xuất sau 2 năm ảnh hưởng dịch bệnh.

Vài năm gần đây, bên cạnh hộ trồng trầu lâu đời, nhiều hộ chuyển đất trồng rẫy, vườn tạp để trồng trầu. Cũng theo hướng này, gắn với Nghị quyết 11 của Huyện ủy Phú Tân về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã Long Hòa tiếp tục vận động nông dân phát triển nông nghiệp theo hướng thích hợp, trong đó chú trọng mở rộng diện tích trồng trầu. Cùng với hỗ trợ vốn, nông dân được tập huấn kỹ thuật, trao đổi học hỏi lẫn nhau, chuyển giao kỹ thuật khoa học từ Hội Nông dân các cấp.

“Trầu là nét truyền thống của xã Long Hòa nói riêng, của huyện Phú Tân nói chung. Chúng tôi khuyến khích khôi phục để giữ lại nét truyền thống là chính, nếu có thêm nhiều hộ phát triển theo mô hình càng tốt” - ông Võ Minh Hiền nhấn mạnh.

Ngoài nỗ lực khôi phục lại nghề, kết nối tiêu thụ, một số hướng đi mới được gợi mở cho người dân trồng trầu ở đây, như cung cấp lá phục vụ nhu cầu sản xuất dược liệu, mỹ phẩm cho các tỉnh, thành phố lân cận. Đó vẫn là câu chuyện dài cần tính toán, quy hoạch lộ trình. Dẫu sao, người trồng trầu nơi đây phấn khởi hơn khi tiếp tục “sống được” với cây trồng lâu đời của địa phương.

MỸ HẠNH