Khơi thông nguồn lực để TP Hồ Chí Minh phát triển xứng tầm

26/06/2023 - 19:42

Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua cơ chế đặc thù mới thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Đây là nghị quyết quan trọng, góp phần khơi thông các nguồn lực, tạo động lực mạnh mẽ để Thành phố phát triển xứng tầm.

 Chiều 24/6, với 97,37% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Nghị quyết mới này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2023.

Chiều 24/6, với 97,37% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Nghị quyết mới này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2023.

Thực tế trong những năm qua, khi được Trung ương tin tưởng, kỳ vọng và tạo điều kiện thí điểm về cơ chế, chính sách, TP Hồ Chí Minh đã luôn tận dụng kịp thời, biến nó trở thành những cơ hội để tăng tốc, bứt phá. Chính sự sự sáng tạo, quyết tâm cao, tinh thần dám nghĩ, dám làm của một thành phố năng động đã đưa cơ chế, chính sách đi vào thực tiễn một cách sinh động, hiệu quả nhất.

Thành phố luôn là động lực, đầu tàu, dẫn dắt trong vai trò của một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục-đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước; là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, từng bước phát triển theo chiều sâu dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo. Quy mô kinh tế năm 2020 của Thành phố gấp 2,7 lần so với năm 2010. GRDP bình quân đầu người tăng gấp đôi. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được tăng lên rõ rệt. Quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế được tăng cường và mở rộng. Thành phố đã có những đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng và ngân sách quốc gia khi luôn ở vị trí cao nhất cả nước. Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng khẳng định vai trò, tầm quan trọng, động lực lan tỏa của TP Hồ Chí Minh với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

TP Hồ Chí Minh thật sự đã trở thành một “siêu đô thị”. Thế nhưng, với tiềm năng, thế mạnh của mình, “chiếc áo cơ chế” đã có vẻ quá chật so với sự lớn mạnh quá nhanh của Thành phố đặc biệt này. Những khó khăn ấy đã “bó” lại sự tăng trưởng, khiến cho tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với Vùng và cả nước gần đây có chiều hướng suy giảm. Kể cả khi triển khai Nghị quyết 54, cả Trung ương và Thành phố cũng đã nhận thấy còn có những điểm hạn chế nhất định, có một số nội dung chưa đúng mức, chưa đủ tầm để thúc đẩy Thành phố phát triển tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của mình. Đó chính là vấn đề phân bổ ngân sách, về huy động tài chính, về thẩm quyền sắp xếp tổ chức bộ máy, đội ngũ nhân lực, chính sách về đất đai, về thu hút đầu tư xã hội…

Với thực tế hiện nay, Nghị quyết mới được ban hành với 44 chính sách và được tập trung vào 4 nhóm vấn đề về đầu tư, tài chính - ngân sách, quản lý đất đai - quy hoạch, tổ chức bộ máy TP Hồ Chí Minh và TP Thủ Đức kỳ vọng sẽ khắc phục những hạn chế trên.

Đơn cử như theo Nghị quyết mới, Thành phố được thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD). Trên thực tế, nhiều năm qua, tình trạng ùn tắc giao thông ở TP Hồ Chí Minh đã trở thành nỗi ám ảnh cho các nhà quản lý cũng như người dân. Hiện, theo thống kê của Sở Giao thông Thành phố, trên địa bàn có 24 điểm ùn tắc giao thông. Đây là những “điểm đen”, đã xảy ra nhiều năm nay và thời gian ùn tắc khá dài còn trên thực tế, có thêm rất nhiều tuyến đường xảy ra ùn tắc giao thông nữa.

 Việc tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao sẽ giúp Thành phố có thể mời gọi được những “đại bàng” mới, góp phần tạo đột phá trong phát triển kinh tế của Thành phố trong thời gian tới

Việc tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao sẽ giúp Thành phố có thể mời gọi được những “đại bàng” mới, góp phần tạo đột phá trong phát triển kinh tế của Thành phố trong thời gian tới

Bên cạnh đó, Thành phố đang quản lý hơn 8,8 triệu phương tiện, trong đó hơn 930.000 ôtô và gần 8 triệu xe máy, tăng gần 4% so với năm 2022 (chưa tính xe vãng lai). Đến cuối năm 2022, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị tại Thành phố chỉ 13,3% (kém khoảng 10% so với quy chuẩn). Tổng chiều dài các tuyến đường ở thành phố hơn 4.700 km, mật độ 2,38 km trên một km2 (chỉ bằng 1/5 quy chuẩn). Nếu không có quy hoạch phù hợp đặc biệt là giải pháp về giao thông công cộng thì bài toán ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh rất khó có lời giải. Trên thế giới, nhiều quốc gia đã rất thành công với mô hình TOD. Do đó, khi TP Hồ Chí Minh được thí điểm mô hình này, có hành lang pháp lý, quy hoạch và cơ chế chính sách cụ thể thì hi vọng tình trạng kẹt xe trên địa bàn Thành phố sẽ được giải quyết triệt để hơn.

Một điểm nổi bật khác nữa là Nghị quyết cũng nêu rõ, giao HĐND TP Hồ Chí Minh quyết định quy mô của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục-đào tạo, thể thao và văn hóa để tăng cường thu hút đầu tư, phát huy nguồn lực xã hội. Trên thực tế, việc sử dụng mô hình PPP đã mang lại nhiều lợi ích trong việc quản lý, khai thác công trình, dịch vụ công chất lượng cao… Đáng chú ý, thông qua việc huy động sự tham gia của khu vực vốn tư nhân, bên cạnh vẫn đảm bảo các lợi ích, an sinh xã hội, đồng thời cũng góp phần phân bổ rủi ro giữa khu vực công và khu vực tư.

Hiện TP Hồ Chí Minh đang có danh mục 53 dự án lớn, quan trọng về văn hóa, với vốn đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng, nhưng hiện nay đầu tư công mới chỉ bố trí được 9 dự án với khoảng 3.800 tỷ thôi, còn lại phải dựa vào PPP.

Trong lĩnh vực y tế, TP Hồ Chí Minh hiện có mạng lưới y tế phát triển rộng khắp với 12 bệnh viện thuộc bộ ngành với 7.335 giường bệnh, 32 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thuộc ngành y tế thành phố với 21.055 giường bệnh, 23 Đơn vị y tế quận, huyện với 5.297 giường bệnh, 58 bệnh viện tư nhân với 5.025 giường bệnh cùng với hơn 6000 phòng khám… Với hệ thống cơ sở y tế công lập hiện tại, nhu cầu đầu tư các dự án trong lĩnh vực này vô cùng bức thiết. Tuy nhiên, việc thu hút tư nhân đầu tư vào lĩnh vực y tế còn gặp nhiều khó khăn trong đó có những rào cản về mặt cơ chế, chính sách. Thực tế thì các dự án PPP hiện nay chủ yếu được triển khai thuộc một số lĩnh vực trọng điểm như giao thông vận tải, năng lượng, cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, chất thải. Do đó, trong thời gian tới, với chính sách đột phá vừa được thông qua, TP Hồ Chí Minh chắc chắn sẽ đẩy mạnh hơn nữa các mô hình PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục-đào tạo, thể thao và văn hóa mà người được thụ hưởng chính sách đó chính là người dân với chất lượng ngày càng được nâng cao…

Hay như Nghị quyết cũng nêu rõ quy định về nhà đầu tư chiến lược và danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố. Trong đó bao gồm: Đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên; đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch có quy mô vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên; đầu tư dự án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ theo quy hoạch có quy mô vốn đầu tư từ 50.000 tỷ đồng trở lên.

Có thể thấy, việc xây dựng được bộ tiêu chí cụ thể về “nhà đầu tư chiến lược” cùng các cơ chế áp dụng tương ứng sẽ giúp nhà đầu tư có hệ quy chiếu và đưa ra quyết định dễ dàng hơn. Việc tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao sẽ giúp Thành phố có thể mời gọi được những “đại bàng” mới, để vượt qua giai đoạn “quá độ” khi thu hút đầu tư đại trà.

Mục tiêu đến năm 2030, TP Hồ Chí Minh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao.

Mục tiêu đến năm 2030, TP Hồ Chí Minh trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao.

TP Hồ Chí Minh vui mừng khi được Quốc hội chính thức thông qua nghị quyết mới với các cơ chế, chính sách đặc thù mới. Đây sẽ cơ hội để giúp Thành phố tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về thể chế, chính sách, pháp luật đã và đang cản trở tiến trình phát triển của địa phương đồng thời khơi thông nguồn lực, giải quyết các điểm nghẽn, phát huy tiềm năng của Thành phố, tạo sự lan tỏa, mang lại hiệu ứng tích cực đối với vùng Đông Nam bộ và cả nước. Song, việc thông qua các cơ chế đặc thù mới này cũng là tiếp tục giao Thành phố một trọng trách lớn. Đó là để Thành phố thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách mới, nếu thành công sẽ tạo tiền đề quan trọng cho bước phát triển mới đối với cả nước. Khi thẩm tra về dự thảo nghị quyết, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cũng đề nghị, nghị quyết mới phải chứa đựng giá trị “thí điểm”, mang giá trị nhân rộng mô hình. Sau thời gian thí điểm thì các tỉnh, thành phố khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng… có thể học tập, thực hiện các chính sách mới.

Để thành phố thực sự là đầu tàu đa chức năng thực hiện tốt hơn trọng trách dẫn dắt và “đi trước mở đường” như một trung tâm thực nghiệm, ngay sau khi được Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù mới, Thành phố đã xác định phải khẩn trương bắt tay vào triển khai để Nghị quyết sớm đi vào thực tiễn và đạt kết quả như kỳ vọng.

Chia sẻ bên hành lang Quốc hội, cảm ơn đến Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các đại biểu Quốc hội đã ủng hộ Thành phố, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, TP Hồ Chí Minh sẽ rà soát để củng cố tổ chức, nhân sự các bộ phận tham mưu, quyết định trực tiếp các nội dung triển khai Nghị quyết. Đồng thời, thành lập Ban chỉ đạo và các tổ công tác triển khai Nghị quyết một cách phù hợp. “TP Hồ Chí Minh sẽ nỗ lực triển khai tốt Nghị quyết. Cả nước đã vì TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung làm để đáp ứng niềm tin đó”, đồng chí Phan Văn Mãi chia sẻ.

Lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh cũng cho hay, ngày 7/7 tới đây, Thành phố sẽ tổ chức hội nghị cán bộ toàn Thành phố để quán triệt Nghị quyết, triển khai Chỉ thị của Thành ủy, kế hoạch của HĐND, UBND. UBND cũng đã phân công các sở, ngành chuẩn bị các nội dung rất cụ thể, để trình HĐND trong kỳ họp tháng 7, tháng 9 và tháng 12 tới. Cũng để triển khai thành công Nghị quyết, theo Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi, TP Hồ Chí Minh sẽ mời doanh nghiệp, nhà đầu tư đến để thông tin về nội dung Nghị quyết này.

“Rút kinh nghiệm việc triển nghị Nghị quyết 54 trước đó, TP Hồ Chí Minh đã mất quá nhiều thời gian cho công tác chuẩn bị nên kết quả không đạt như mong đợi. Lần này, công tác chuẩn bị đã tốt hơn”, đồng chí Phan Văn Mãi khẳng định.

Trả lời báo chí câu hỏi: TP Hồ Chí Minh kỳ vọng gì từ những cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội đó đối với sự phát triển của Thành phố? Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã khẳng định, “linh hồn” của nghị quyết chính là khơi thông nguồn lực. Từ một nghị quyết đặc thù đến đời sống xã hội được nâng chất, các nguồn lực được khơi thông, phát triển, cất cánh, đó là giá trị của sự đóng góp mà TP Hồ Chí Minh được vinh dự “mở đường”.

Thực tiễn sẽ là minh chứng sâu sắc nhất để đánh giá cho những cơ hội về cơ chế đột phá mà Thành phố đã được Trung ương trao cho hôm nay. Dẫu biết rằng người “đi trước mở đường” bao giờ cũng sẽ gặp những khó khăn, nhưng chúng ta cùng tin tưởng rằng, với những bài học kinh nghiệm của mình, với rất nhiều tiềm năng về nguồn lực ở nhiều lĩnh vực và đặc biệt là khi được trao cho chiếc “chìa khóa” cơ chế vượt trội, đột phá thì thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ bứt phá ngoạn mục, phát triển xứng tầm./.

Theo V. LÊ (Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)