Không sử dụng sản phẩm nhựa - thay đổi từ những việc nhỏ

08/07/2019 - 07:27

 - Ngày nay, truyền thông về thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm từ nhựa ngày càng được lan rộng, từ việc tiếp cận nhiều nguồn thông tin, người dân ngày càng nâng cao hiểu biết về những tác hại của sản phẩm nhựa đối với môi trường. Việc thay đổi thói quen từ sử dụng sản phẩm nhựa sang sản phẩm thân thiện với môi trường được nhiều người đồng tình hưởng ứng và bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất.

Vào quán cà phê Trang Minh (gần chợ Sao Mai Bình Khánh 5, phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên), tôi rất ngạc nhiên khi được chủ quán hỏi muốn dùng loại ống hút nào, vì quán đang sử dụng 3 loại (ống hút bằng giấy, bằng gạo và bằng inox). Tôi trả lời, dùng ống hút gạo thì được chủ quán cho hay ống hút này sau khi dùng xong ống sẽ mềm đi và có thể ăn như một loại bánh gạo. Tôi hỏi sao quán mình khác biệt vậy, không sử dụng ống hút nhựa thông thường, anh Nguyễn Phạm Triều Giang (chủ quán cà phê Trang Minh) chia sẻ: “Tôi luôn ý thức việc hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa như: ly nhựa, ống hút nhựa, túi ny-lon… thay vào đó luôn tìm kiếm những vật liệu thân thiện môi trường để sử dụng hàng ngày. Thói quen là vậy, nên khi mở quán kinh doanh dù tốn kém hơn chút ít tôi vẫn cứ sử dụng. Thử hình dung 1 ngày quán bán bao nhiêu ly nước, sử dụng bao nhiêu ống hút nhựa, bao nhiêu ly nhựa cho cà phê mang đi thì vô tình mình thải ra môi trường bao nhiêu là rác thải nhựa. Điều đó làm tôi vô cùng ái ngại”.

Không sử dụng sản phẩm nhựa - thay đổi từ những việc nhỏ

Anh Giang chia sẻ về loại ly giấy, ống hút phục vụ cho khách hàng

Anh Giang cho biết thêm, khi sử dụng ống hút inox có thể sử dụng nhiều lần, chỉ cần dùng cọ và nước tẩy thân thiện môi trường rửa thật sạch, còn ống hút bằng giấy bỏ ngay và dễ phân hủy trong môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, hiện khó có thể tìm kiếm những sản phẩm này tại Long Xuyên, anh Giang phải đặt hàng trên các trang mạng ở TP. Hồ Chí Minh, với giá ống hút giấy 450 đồng/cái, ống hút gạo 1.000 đồng/cái. Anh Giang bộc bạch: “Ban đầu, khách còn có tâm lý ngán ngại, thích xài ống hút nhựa thông thường. Tôi mạnh dạn giải thích về mong muốn hạn chế rác thải nhựa khách mới hiểu và từ từ chấp nhận”. Từ đó, chính bản thân anh Giang càng thấm thía thấy việc đổi thói quen với chính mình là điều không dễ và thay đổi thói quen người khác càng khó khăn hơn gấp bội, nhất là đối với những người lớn tuổi. Dẫu biết là khó nhưng với tình yêu môi trường, đến giờ này anh Giang vẫn yêu thích việc mình đang làm và nỗ lực để trở thành một “tuyên truyền viên” bảo vệ môi trường.

Ngày nay, với sự tác động của truyền thông, các chương trình phòng, chống rác thải nhựa trên địa bàn ngày càng lan tỏa, người dân càng nâng cao hiểu biết về tác hại của các sản phẩm nhựa nhưng để bắt đầu như anh Giang, làm như anh thì chưa nhiều người nghĩ đến. Một chủ quán trà sữa (phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) cũng ái ngại khi 1 ngày bán hơn 200 ly trà sữa, sử dụng hơn 200 chiếc ly, 200 ống hút nhựa, 200 chiếc túi ny-lon. Người chủ quán này vẫn hiểu được sản phẩm nhựa chỉ dùng 1 lần trong phút chốc rồi phải tốn hàng chục năm, trăm năm mới phân hủy trong môi trường tự nhiên. Rác thải nhựa phân hủy trong nước thành các hạt nhựa li ti. Các loại thủy hải sản ăn vào sẽ bị nhiễm độc, con người ăn các loại thủy hải sản nhiễm độc theo. Hiểu là vậy nhưng vì lý do lợi nhuận, ngại thay đổi thói quen, tâm lý phong trào đợi nhiều người chuyển đổi thì bản thân mới chuyển đổi.

Không sử dụng sản phẩm nhựa - thay đổi từ những việc nhỏ

Ống hút bằng gạo có thể ăn sau khi dùng xong

Việc thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa sang sản phẩm thân thiện với môi trường tuy khó nhưng nếu đủ quyết tâm và bắt đầu bằng những việc nhỏ mọi người đều có thể làm được. Từ việc nói không với chiếc ống hút nhựa, nhớ mang túi ny-lon dùng nhiều lần hay túi vải, túi giấy theo bên mình để mua sắm mà không cần dùng đến quá nhiều túi ny-lon, hạn chế tiêu thụ những sản phẩm được chứa đựng, bảo quản bằng chất liệu nhựa, phân loại rác thải nhựa, không vứt rác thải nhựa trực tiếp ra môi trường nước, đất… chính là cách người dân cứu vãng môi trường đang ngày càng bị ô nhiễm nặng nề, cũng chính là giữ gìn môi trường sống xanh- sạch- đẹp cho chính chúng ta hôm nay và cho thế hệ con cháu mai sau.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG

 

Liên kết hữu ích