Kiên quyết đấu tranh “tín dụng đen”

11/09/2024 - 07:54

 - “Tín dụng đen” là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức lãi suất pháp luật quy định. Bản chất của “tín dụng đen” là giao dịch vay, mượn (ngầm), thủ tục đơn giản, lãi suất cao, không tuân thủ đúng quy tắc tín dụng và sự kiểm soát của Nhà nước. Khi phát sinh mâu thuẫn trong quan hệ vay mượn, các đối tượng cho vay thường dùng các biện pháp trái pháp luật hoặc thực hiện các hành vi phạm tội để đòi nợ hoặc thuê đòi nợ, siết nợ.

Nhận biết “tín dụng đen”

Các đối tượng "tín dụng đen" thường lợi dụng nhu cầu vay vốn của người dân, dụ dỗ, mời chào, quảng cáo cho vay với lãi suất cao qua các kênh trực tuyến, như: App, website, mạng xã hội. Khi người vay không trả nợ đúng hạn, họ sẽ bị đe dọa, uy hiếp, bạo lực, cưỡng đoạt tài sản.

Nhận biết "tín dụng đen" qua các dấu hiệu sau: Quảng cáo qua tờ rơi (dán trên cột điện, ngã tư, tường nhà); thủ tục cho vay đơn giản (chỉ cần chứng minh nhân dân, căn cước công dân, bằng lái xe hay thẻ ATM). Lãi suất cho vay lớn (khoảng 3.000 - 10.000 đồng/1 triệu đồng/ngày, tương đương 108 - 360%/năm).

Để đối phó với pháp luật, thời gian gần đây, nhiều cá nhân, tổ chức "tín dụng đen" thỏa thuận với người vay trong hợp đồng chỉ ghi lãi suất theo quy định, còn lãi thực tế theo thỏa thuận ngầm; hợp đồng vay vốn không quy định những điều khoản rõ ràng (cách thức thanh toán, thời hạn trả nợ, lãi suất, phí phạt trả trước, phí phạt trả sau); tổ chức cho vay "tín dụng đen" tại một địa điểm nhỏ, trang web cũng không có thông tin cấp phép hoạt động…

Các hành vi, thủ đoạn cho vay lãi nặng thông qua nhiều hình thức, như: Cơ sở cầm đồ, công ty cho vay tài chính, biêu, hụi lãi suất cao… Các đối tượng cho vay lãi nặng cũng lợi dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để hành nghề (sử dụng phần mềm cho vay trực tuyến, ứng dụng di động (app) hay các website quảng cáo…) với lãi suất vay dưới 20%/năm, nhưng sau khi “con nợ” mắc bẫy sẽ tính phát sinh phí quản lý vay, phí hồ sơ, lãi mẹ đẻ lãi con, lãi chồng lãi và nhiều khoản phí khác buộc người vay gánh lãi suất cao, có trường hợp đến 64%/tháng, không có khả năng trả nợ, hoặc trả nợ không đúng hạn.

Các đối tượng cho vay sẽ đòi nợ bằng nhiều thủ đoạn, như: Sử dụng mạng xã hội (Facebook, Zalo…) bôi nhọ danh dự, nhân phẩm người đi vay; gọi điện, nhắn tin đe dọa, chửi bới, khủng bố tinh thần, tạo áp lực để đòi nợ; thuê lưu manh, côn đồ hoặc người khuyết tật tụ tập đến nhà riêng, nơi làm việc, đập phá tài sản, chửi bới, đổ chất bẩn, chất thải, treo đầu động vật, phun sơn, máu tươi; khống chế, đe dọa giết người, giết người, cố ý gây thương tích… gây áp lực với người vay và thân nhân của họ, tạo sức ép, buộc họ trả nợ.

Phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh

Để ngăn chặn, xử lý hoạt động "tín dụng đen", thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện 766/CĐ-TTg, ngày 24/8/2023, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả trong việc đấu tranh với "tín dụng đen".

Tại An Giang, từ đầu năm đến nay, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiềm chế. Để tiếp tục tổ chức phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước đề nghị các sở, ngành, đoàn thể và địa phương tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen".

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự, nhất là đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho vay, doanh nghiệp núp bóng hoạt động "tín dụng đen", quản lý người nước ngoài… Thành lập, duy trì hoạt động Tổ công tác liên ngành triển khai kiểm tra các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp có biểu hiện hoạt động "tín dụng đen" hoặc móc nối, tiếp tay cho hoạt động "tín dụng đen", xử lý các hành vi vi phạm, kiến nghị khắc phục ngay những sơ hở các đối tượng lợi dụng để phạm tội.

Chủ động phát hiện sớm, nắm bắt, kịp thời hòa giải các mâu thuẫn, vụ việc có liên quan từ vay nợ, đòi nợ "tín dụng đen" trong nội bộ Nhân dân, những người có biểu hiện quẫn bách tài chính, nợ nần, vay lãi nặng có nguy cơ cao phạm tội… để thông báo, cung cấp thông tin, phối hợp lực lượng công an xử lý, phòng ngừa tội phạm.

Tiếp tục tấn công, trấn áp mạnh mẽ, quyết liệt tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, triệt phá các nhóm tội phạm, nhóm đối tượng nghi vấn, nhất là số đối tượng núp bóng doanh nghiệp, sử dụng công nghệ cao, sử dụng phương thức, thủ đoạn mới để hoạt động "tín dụng đen". Đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" đang thụ lý; khẩn trương truy tố, đưa ra xét xử để răn đe, phòng ngừa tội phạm…

Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người dân cũng cần nâng cao cẩn trọng khi cần vay vốn để sử dụng vào mục đích kinh doanh, mua sắm… Khi vay vốn, người vay cần tìm hiểu kỹ thông tin, ưu tiên vay tại các ngân hàng có uy tín để tránh bị lừa và mắc bẫy "tín dụng đen". Trường hợp bị các đối tượng “siết nợ” bằng các hình thức, thủ đoạn trên thì người dân cần thu thập hình ảnh, video clip, âm thanh làm bằng chứng và thông báo, tố giác đến cơ quan chức năng, người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

MINH THƯ