Kinh tế tư nhân: Cởi trói cho doanh nghiệp từ thể chế pháp lý

02/05/2019 - 09:46

Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết 10- NQ/TW ngày 3-6-2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân đã có bước phát triển vượt bậc, với những đóng góp to lớn cho nền kinh tế. Tuy nhiên, những hạn chế về cơ chế, hay chính nội tại doanh nghiệp (DN) đang là rào cản cần được tháo bỏ.

Nhiều thành tựu…

Theo số liệu thống kê, từ năm 2016, mỗi năm có thêm hơn 100 nghìn DN thành lập mới. Hai năm 2017-2018 có 258.134 DN được thành lập mới và 60.458 DN tạm ngừng hoạt động quay trở lại nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện và các chính sách hỗ trợ, phát triển DN của Nhà nước.

Đáng chú ý, trong hai năm qua, một số DN tư nhân phát triển vượt bậc, góp phần phát triển đất nước, nâng cao chất lượng và khả năng cung ứng sản phẩm, dịch vụ của các ngành kinh tế như du lịch, xây dựng, chế biến, chế tạo, công nghiệp ôtô, vận tải hàng không, tài chính, ngân hàng... Xu hướng phát triển các mô hình kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo diễn ra sôi động...

Khu vực kinh tế tư nhân chiếm trên 40% GDP của nền kinh tế và tiếp tục tăng lên nhờ tốc độ tăng trưởng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Năm 2019, số lao động đang làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân chiếm 83,3% tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc của cả nước, tương đương gần 45,2 triệu người (năm 2017: 44,9 triệu người).

Xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng để kinh tế tư nhân phát triển.

Trong 2 năm 2017-2018, vốn đầu tư của kinh tế tư nhân tăng trưởng lần lượt 17,1% và 18,5% so với năm trước, cao hơn tốc độ tăng trưởng của tổng vốn đầu tư toàn xã hội (khoảng 11-12%/năm). Kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại của Việt Nam.

Hai năm 2017-2018, khu vực kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng 25,3% -26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và chiếm tỷ trọng 34,7% - 34,8% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, lớn gấp hơn 10 lần về xuất khẩu và gần 7 lần về nhập khẩu của khu vực DN Nhà nước (không kể dầu thô).

Cùng với sự lớn mạnh của mình, đóng góp vào NSNN của khối kinh tế tư nhân cũng tăng nhanh, trên 15%/năm, cao gấp 2 lần khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi nộp NSNN từ khu vực DN Nhà nước giảm mạnh.

“Với sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, DN chúng tôi đánh giá có rất nhiều thay đổi mang đến thuận lợi, điển hình như việc triển khai dịch vụ hành chính qua mạng. Ví dụ dịch vụ khai thuế, trước đây, DN mất rất nhiều thời gian để khai báo và nộp thuế, nhưng khi thực hiện nộp thuế điện tử, sử dụng chữ ký số, trung bình mỗi năm mỗi DN giảm được hơn 400 giờ, tương đương với khoảng 80% thời gian cần phải bỏ ra để thực hiện các thủ tục liên quan đến thuế.

Hay chủ trương sử dụng hóa đơn điện tử, cũng giúp tiết giảm cho các DN, ví dụ như BKAV chúng tôi tiết kiệm mỗi năm hàng tỷ đồng”, ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng, Tập đoàn BKAV, Chủ nhiệm CLB Chữ ký số Việt Nam thông tin.

Nhưng lắm gian truân

Mở đường cho đầu tư tư nhân phát triển, nền kinh tế đạt được 2 mục tiêu là huy động được sức dân, tiết kiệm được nguồn lực cho Nhà nước. Ngoài ra, chúng ta sẽ có những công trình, những dịch vụ công với chất lượng tốt hơn.

Đây chính là xu hướng phổ biến ở các nước trên thế giới, cũng là mục tiêu hướng đến trong công cuộc cải cách của chúng ta trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, thực tế môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa thực sự thuận lợi, chưa được cải thiện vững chắc, thậm chí còn nhiều rào cản đối với phát triển kinh tế tư nhân.

Xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đứng thứ 69/190 quốc gia, giảm 1 bậc so với năm 2018 và xếp thứ 5 trong các nước ASEAN, xếp thứ 8/25 quốc gia khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Một số quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, còn những điểm không thống nhất giữa Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu… hoặc chưa phù hợp với thực tiễn.

Việc triển khai một số chính sách còn chậm, thiếu nguồn lực thực hiện, tính thực thi chưa cao. Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân chưa thực sự phát huy hiệu quả, chậm triển khai, mang tính manh mún, thiếu cơ chế giám sát.

So sánh quốc tế và khu vực, thủ tục gia nhập thị trường và khởi sự kinh doanh vẫn còn phức tạp, nước ta chỉ được xếp hạng thứ 106/190 quốc gia và nền kinh tế theo bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới năm 2018. Các nhà đầu tư chưa thực sự an tâm đầu tư lâu dài vào sản xuất kinh doanh do nhiều yếu tố như: Gánh nặng chi phí và thời gian trong tuân thủ pháp luật và rủi ro pháp lý cao; độ an toàn trong kinh doanh, mức độ bảo vệ quyền tài sản và chế tài thực thi hợp đồng kinh doanh còn thấp…

Đáng chú ý, quyền tự do kinh doanh chưa được tôn trọng đầy đủ, môi trường kinh doanh vẫn chưa thực sự đảm bảo cạnh tranh công bằng, lành mạnh giữa các DN, các thành phần kinh tế…

Tất nhiên, bên cạnh những khó khăn khách quan, chính các DN tư nhân cũng phải nhìn lại mình. Số lượng DN thành lập mới nhiều nhưng một bộ phận không nhỏ DN không có khả năng tồn tại, đứng vững cạnh tranh và hoạt động kém hiệu quả. PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam nhận xét: “Về chủ quan, doanh nhân, DN nước ta còn non trẻ, mục tiêu kinh doanh của họ là tối đa hóa lợi nhuận, thậm chí có người tối đa hóa lợi nhuận bằng mọi cách gian lận, cạnh tranh không lành mạnh, trốn thuế, chèn ép lẫn nhau, hủy hoại môi trường mà không chú ý đến giá trị khác như đạo đức kinh doanh, hỗ trợ cộng đồng, xóa đói giảm nghèo. Đây là điều mà DN và doanh nhân cần thay đổi để xã hội ngày càng thừa nhận và đánh giá cao DN, doanh nhân tư nhân”.

Với những tồn tại trên, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, cần phải cải cách từ chính hệ thống thiết chế pháp lý. “Đến thời điểm hiện nay, chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đã có những kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, trong tương quan so sánh với khu vực và thế giới thì môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam còn khá nhiều bất cập. Chúng ta vẫn chưa đạt đến những chuẩn mực tiên tiến hàng đầu trong khu vực và thế giới như chủ trương, định hướng mà Đảng, Nhà nước mong muốn.

Có thể nói, môi trường kinh doanh trong nước vẫn chưa thật sự thuận tiện, thiếu tính an toàn, thủ tục hành chính vẫn còn gây phiền hà, chi phí chính thức và không chính thức vẫn còn rất lớn. Và một bất cập nữa vẫn tồn tại trong thời gian qua mà chúng ta chưa giải quyết được, đó là hệ thống thiết chế pháp lý.

DN không thể có những hoạt động đầu tư kinh doanh thuận lợi và an toàn khi mà hệ thống thiết chế pháp lý vẫn đang kém hiệu quả. Vì vậy, trong thời gian tới, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của chúng ta là khắc phục được điểm nghẽn trong vấn đề thể chế nêu trên nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh đủ minh bạch, thuận lợi và an toàn cho DN”, ông Lộc nhấn mạnh.

Đồng quan điểm phải gỡ khó cho DN tư nhân, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt góp ý: Không nên áp đặt khiến DN tư nhân khó khăn lại tìm cách lách luật, trốn thuế và không minh bạch. Theo ông Thắng, ngoài động viên, hỗ trợ thành lập những tập đoàn tư nhân lớn mạnh thì cần quan tâm để DN nhỏ, siêu nhỏ - đây là thế mạnh của Việt Nam.

Ông Nguyễn Trọng Điều nhấn mạnh cần đối xử công bằng với DN tư nhân. Theo đó, ngoài việc nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh doanh minh bạch, công bằng, lành mạnh, rõ ràng, một hệ thống thủ tục hành chính đơn giản, thuận tiện cho DN, thì Nhà nước cần có chính sách công bằng đối với các DN kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam, tránh tình trạng ưu ái cho các DN FDI hơn các DN trong nước.

Cùng với đó, hỗ trợ xây dựng chiến lược phát triển và có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ nhóm DN tư nhân lớn có tiềm năng phát triển kinh doanh ra thị trường khu vực và thế giới, xây dựng được sản phẩm uy tín, thương hiệu tầm quốc tế.

Ngày 2 - 3-5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019. Hội nghị tổng kết những kết quả đạt được, cũng như những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3-6-2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và Nghị quyết 98-NQ/CP, ngày 3-10-2017 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW. 

Diễn đàn là dịp để các cơ quan, tổ chức và đặc biệt là các doanh nhân tư nhân trong cả nước phản ánh, đề xuất, kiến nghị với Đảng, Quốc hội, Chính phủ về hoàn thiện các cơ chế, chính sách để kinh tế tư nhân phát triển hơn, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, Diễn đàn cũng là dịp để các doanh nhân tư nhân kết nối, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sản xuất - kinh doanh, là cơ hội quảng bá về các thành tựu phát triển và những đóng góp của kinh tế tư nhân Việt Nam.

“Nghị quyết số 10 Hội nghị Trung ương 5, Khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân ta, là tổng hợp những kinh nghiệm, bài học quý báu của hơn 30 năm Đổi mới, là kế thừa có chọn lọc những thành tựu về phát triển kinh tế thị trường của nhân loại. Tại Nghị quyết 10, Đảng ta đã đưa ra hệ thống 5 nhóm giải pháp, với 3 nội dung có ý nghĩa cốt lõi xuyên suốt 5 nhóm giải pháp nêu trên đó là: thứ nhất là về nhận thức, tư tưởng và hành động trong phát triển kinh tế tư nhân; Thứ hai là giải quyết tối mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; và thứ ba là xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển”, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Kinh tế T.Ư.

Theo HÀ AN (Công An Nhân Dân)