Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

05/01/2024 - 06:10

 - Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) khẳng định, kinh tế tuần hoàn sẽ thay thế cho kinh tế tuyến tính, trở thành hướng đi chủ đạo để các quốc gia hướng tới phát triển bền vững, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Chính phủ Việt Nam cũng đang khuyến khích, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào nền nông nghiệp.

Để nụ cười luôn trên môi nông dân

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ: “Theo tôi cảm nhận, chưa bao giờ lĩnh vực nông nghiệp – nông dân – nông thôn có vị trí, vai trò, sứ mệnh quan trọng như hiện nay. Thực tế đặt ra cho chúng ta cần chuyển mạnh, chuyển ngay, chuyển sớm từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tức là chúng ta phải tối ưu hóa về mặt giá trị, chứ không tối ưu hóa mặt sản lượng. Phải đưa ra mục tiêu tạo giá trị cao nhất trên một đơn vị diện tích. Công nghệ cao chỉ là công cụ, là phương tiện để đạt được hiệu quả cao.

Hiện nay, chúng ta sản xuất quá nhiều, làm hỏng hết môi trường, hủy hoại đất đai, tốn bao nhiêu sức lao động, bao nhiêu vốn liếng, nhưng giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích rất thấp, nông dân vẫn bấp bênh. Mục tiêu cuối cùng là nông dân luôn nở nụ cười trên môi, tức là luôn luôn có công việc bền vững, có thu nhập ổn định, thu nhập cao trên mảnh đất của mình”.

Con tôm Việt Nam hiện đã có mặt trên 180 nước trên thế giới. Hàng năm, kim ngạch xuất khẩu ngành tôm đạt 3,5 - 4 tỷ USD, trở thành mặt hàng chủ lực không chỉ của ngành nông nghiệp, mà của cả nền kinh tế. Nông dân Đặng Văn Bảy (xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) đang nuôi 45ha tôm áp dụng công nghệ cao. Doanh thu năm 2023 tính đến thời điểm này đạt 90 tỷ đồng, lợi nhuận ông thu về khoảng 15 tỷ đồng.

Nhưng ông vẫn trăn trở, đặt câu hỏi đến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong Hội nghị đối thoại với nông dân gần đây: “Một số địa phương vùng ĐBSCL đã phát triển mô hình lúa -  tôm cho hiệu quả khá tốt. Chính phủ chủ trương xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp, trong đó có hệ sinh thái ngành tôm; xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng tới mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD ngành tôm. Vậy Chính phủ sẽ có chính sách gì hỗ trợ nông dân xây dựng chuỗi công nghiệp, hệ sinh thái tôm phát triển mạnh hơn?”.

 “Chính phủ đã phê duyệt đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Để thực hiện đề án này, ngoài gói hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), tỉnh An Giang được chú trọng phát triển thành trung tâm ngành hàng lúa gạo của vùng. Chúng ta phải tư duy lại: Trồng lúa không chỉ bán lúa, mà bán các sản phẩm khác từ tro, trấu, thân lúa... Hợp tác xã (HTX) cũng phải tư duy lại, gia tăng chế biến, tận dụng phụ phẩm của lúa để làm sản phẩm khác, tăng thu nhập cho người trồng lúa. Chúng tôi đang hỗ trợ, xây dựng mô hình sản xuất lúa bán tín chỉ carbon tại một số tỉnh vùng ĐBSCL, sau đó nhân rộng ra nhiều địa phương khác. Chúng ta phải biến ngành hàng lúa gạo thành ngành hàng tích hợp đa giá trị.

Lợi thế của ĐBSCL là nơi có nhiều mô hình sinh thái, “tôm ôm lúa” như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh. Đây chính là nông nghiệp tuần hoàn. Chỉ tiếc rằng, vùng ĐBSCL chưa khai thác được thương hiệu gạo kèm với con tôm. Hiện bà con mới chỉ chú trọng bán tôm, chứ chưa nghĩ tới bán gạo từ ruộng tôm. Do vậy, chúng ta cần thay đổi tư duy, thể tận dụng hết lợi thế của ngành nông nghiệp” – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ, sau khi nghe câu hỏi của ông Bảy.

Đi xa cùng nhau

Tổng diện tích canh tác lúa của nước ta chỉ khoảng 7 - 8 triệu ha/năm, nhưng Chính phủ mạnh dạn ban hành đề án phấn đấu làm 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Việt Nam đến nay vẫn là nước duy nhất trên thế giới có chương trình này.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Trong phát triển nông nghiệp, cần đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn. Điển hình như câu chuyện nuôi tôm. Chất thải của tôm trên đồng ruộng, lúa có thể hấp thu được và ngược lại. Muốn có hệ sinh thái tốt, công tác quy hoạch vẫn là vấn đề đầu tiên. Đảng, Nhà nước phải có quy hoạch tổng thể; từng tỉnh, thành phố lên kế hoạch chi tiết cho địa phương mình. Nhà nước lo ký kết hiệp định để có thị trường đầu ra cho bà con; lo luôn cả đầu vào (bình ổn giá mặt hàng phân bón, các loại sinh phẩm…); hỗ trợ vốn… Bà con suy nghĩ, phải chế biến ra sao để có thể tận dụng triệt để những phần mà trước tới nay chúng ta vẫn thường bỏ đi (như đầu, vỏ tôm)”.

Mở rộng ra câu chuyện nuôi tôm, cây lúa ở ĐBSCL, là hun đúc tinh thần, nâng cao ý chí quyết tâm, nông dân không cam chịu nghèo nàn, lạc hậu, luôn khát vọng làm giàu. Mỗi nông dân góp phần phát triển nền nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh, bền vững; chính họ có đời sống ấm no, hạnh phúc. Theo người đứng đầu Chính phủ, chỉ có cách làm mới những động lực cũ, bổ sung thêm các động lực phát triển mới (kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức). Cần thay đổi tư duy, từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đa giá trị gắn với nhu cầu của thị trường trong nước lẫn xuất khẩu, xóa bỏ rào cản về nếp nghĩ, cách làm cũ manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp.

Trách nhiệm của cả nước là xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, phát thải thấp, hiệu quả cao và bền vững, trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh, thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học - công nghệ, đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản bằng cách phát triển hình thức hợp tác, liên kết đa dạng giữa hộ gia đình với tổ chức hợp tác và doanh nghiệp; lấy doanh nghiệp làm trung tâm, động lực để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia; quán triệt phương châm “muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”.

GIA KHÁNH