Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 giữ ổn định và có một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật

20/09/2023 - 14:46

Ngày 20/9, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Theo kế hoạch, kỳ thi năm 2024 được giữ ổn định, trong đó có một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật để khắc phục các hạn chế bất cập của kỳ thi năm 2023.

Quang cảnh hội nghị tổng kết kỳ thi.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), kỳ thi năm 2023 tiếp tục tổ chức đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến cho đối tượng thí sinh đang học lớp 12 năm học 2022-2023, với gần 95% số lượng thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến.

Trong các ngày đăng ký dự thi, hệ thống quản lý thi hoạt động ổn định; việc đăng ký dự thi của thí sinh diễn ra bình thường, thuận lợi, bảo đảm cơ sở dữ liệu thi chính xác, góp phần quan trọng để tổ chức kỳ thi khách quan, công bằng.

Công tác kiểm tra chuẩn bị thi được các lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai sớm, thực hiện liên tục, xuyên suốt từ ngày 12 đến 27/6/2023.

Công tác thanh tra, kiểm tra quá trình chuẩn bị, tổ chức thi được tăng cường với tinh thần phối hợp, cộng đồng trách nhiệm để bảo đảm tổ chức kỳ thi nghiêm túc, an toàn. Các địa phương đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại địa phương.

Thông qua hoạt động kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các địa phương, các Hội đồng thi khắc phục kịp thời những bất cập, thiếu sót để bảo đảm thực hiện nghiêm túc quy chế, quy định trong tổ chức, nhất là tạo mọi điều kiện cho các thí sinh tham gia kỳ thi đạt kết quả tốt nhất.

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương, nội dung đề thi nằm trong chương trình trung học phổ thông, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi được bảo mật từ khâu ra đề thi đến in sao bảo quản. Đề thi gốc được bàn giao cho các Hội đồng thi để tổ chức in sao kịp thời, rõ ràng, bảo đảm số lượng. Các Sở Giáo dục và Đào tạo đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai công tác in sao, vận chuyển, bàn giao đề thi để tổ chức thi tại địa phương.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Quản lý chất lượng phát biểu ý kiến.

Theo đánh giá của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi các bài thi, môn thi nằm trong chương trình trung học phổ thông, bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng, có sự phân hóa phù hợp, cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức thi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp nhận các ý kiến phản ánh về đề thi một số môn thi. Bộ đã yêu cầu các Tổ ra đề của Hội đồng ra đề thi rà soát để có giải trình cụ thể.

Kết quả rà soát cho thấy, đáp án của đề thi các bài, môn thi không thay đổi, ngoại trừ việc chấp nhận có hai đáp án đúng trong một câu hỏi của đề thi bài thi môn Tiếng Anh.

Đối với đề thi môn Lịch sử do khai thác ngữ liệu sách giáo khoa hiện hành chưa thật chặt chẽ trong một câu hỏi, nhưng về cơ bản nội dung hỏi vẫn bảo đảm đúng mục đích và cấp độ đánh giá cho nên không ảnh hưởng đến kết quả chấm thi và quyền lợi của thí sinh.

Trong kỳ thi, Ban Chỉ đạo thi các cấp đã quan tâm, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; tích cực triển khai chương trình “Tiếp sức mùa thi”, tham gia bảo đảm an ninh, an toàn và hỗ trợ thí sinh dự thi.

Các địa phương đều có các giải pháp hỗ trợ tối đa cho thí sinh trong các ngày thi; bảo đảm không để thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không đến dự thi.

Tất cả các thí sinh, kể cả trường hợp ốm đau, không tự viết bài được cũng được tạo điều kiện để có thể tham dự kỳ thi.

Các địa phương, nhất là các địa phương có các huyện, xã miền núi, hải đảo, vùng bị ngập lụt đã quan tâm sâu sát đến từng thí sinh là người đồng bào dân tộc, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, huy động các nguồn lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia kỳ thi.

Trong cả kỳ thi, có 41 thí sinh vi phạm quy chế thi do sử dụng tài liệu và mang điện thoại vào phòng thi bị đình chỉ thi; có 6 cán bộ phải tạm dừng công tác coi thi.

Tính đến thời điểm này, chưa ghi nhận hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức tại các địa phương cũng như trên phạm vi toàn quốc.

Các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm túc quy trình chấm thi tự luận và chấm thi trắc nghiệm bằng máy tính, bảo đảm đúng quy chế và hướng dẫn, có camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ. Một số vướng mắc về kỹ thuật trong quá trình chấm thi, nhất là chấm thi trắc nghiệm đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn và hỗ trợ xử lý kịp thời, bảo đảm tiến độ và chất lượng chấm thi, không để xảy ra sai sót.

Qua phân tích phổ điểm kết quả thi cho thấy, các số liệu thống kê cơ bản không thay đổi so với năm 2022; đề thi bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng, có sự phân hóa phù hợp; kết quả thi phản ánh khách quan kết quả học tập của các thí sinh và chất lượng dạy học ở các địa phương theo vùng miền.

Các địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội thuận lợi đạt kết quả thi cao; các thành phố lớn, các tỉnh có truyền thống, các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ có kết quả thi cao hơn các tỉnh thuộc vùng khó khăn như Tây Bắc, một số tỉnh Tây Nguyên.

Đây là kỳ thi đáng tin cậy nhất trong thời điểm hiện tại để các trường đại học tin tưởng dùng kết quả để xét tuyển. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông toàn quốc là 98,88%.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, đây là lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức bài bản hội nghị tổng kết. Việc tổ chức kỳ thi có xét tuyển đại học cho nên các trường đại học tham gia tích cực. Riêng Đại học Bách khoa Hà Nội, tại các kỳ thi đều phối hợp thanh, kiểm tra, tổ chức coi thi, hậu kiểm.

Bên cạnh các hình thức xét tuyển khác, năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội xét tuyển hơn 8.000 thí sinh xuất sắc (57%) từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu ý kiến.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, việc tổng kết kỳ thi nhằm đánh giá toàn diện công tác chuẩn bị, tổ chức và rút kinh nghiệm cho kỳ thi tiếp theo.

Kỳ thi có mục đích, ý nghĩa quan trọng, huy động nhiều cấp, nhiều ngành, nỗ lực lớn nhưng cũng có rủi ro. Đặc biệt, kết thúc kỳ thi, có những vấn đề khó khăn, vướng mắc cần rút kinh nghiệm để các cơ quan quản lý tiếp thu có giải pháp và khắc phục kịp thời.

Năm 2024 là kỳ thi cuối cùng thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2006. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng không phải vì vậy mà chủ quan.

Về cơ bản, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 được giữ ổn định, tuy nhiên, sẽ có một số điều chỉnh về mặt kỹ thuật để khắc phục các hạn chế bất cập của kỳ thi năm 2023.

Các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc kỳ thi năm 2024, tránh tâm lý chủ quan, đồng thời, xác định phương hướng, cách thức tổ chức kỳ thi năm 2025 theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Theo QUÝ TÙNG (Báo Nhân Dân)