Làm giàu nhờ thay đổi tư duy nông nghiệp

11/05/2022 - 06:43

 - Năm nay, ông Trần Minh Quang (ngụ ấp Phú Yên, xã Phú Lộc, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) bước vào tuổi 70. Điểm nhấn cuộc đời ông là đóng góp rất lớn cho phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng tại địa phương. Ông là một trong những nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi ở TX. Tân Châu từ năm 2003 đến nay.

Để có cái ăn, cái mặc, nuôi con học thành tài, ông theo đuổi nghề nông đến cùng. Những năm còn trẻ, cuộc đời ông gắn bó với cây lúa mùa nổi, với chiếc xuồng câu. Nhiều đêm, ông thức trắng để đi câu, đổ lợp, đặt lờ. Cuộc sống gia đình ổn định, 5 người con ông tốt nghiệp đại học, 3 người tham gia vào hệ thống chính trị tại địa phương và có những đóng góp quan trọng.

Ông Tư Quang nhớ lại, khi mới lập gia đình, họ mưu sinh bằng nghề chài lưới. Sống với cái nghề “hạ bạc”, bản thân rất trăn trở, ông đặt cho mình kế hoạch phấn đấu thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Thời điểm trước năm 2000, ĐBSCL lũ về hàng năm, mang theo nhiều tôm cá. Ông Tư Quang cùng người vợ sớm hôm chài lưới. Ngày nào vợ của ông cũng mang cá ra chợ bán, đổi lấy gạo. Số tiền còn lại, bà dành dụm mua đất làm ruộng. Thời ấy, ruộng lúa mùa còn rất rẻ, đánh cá trong 1 tháng có thể mua được 1 công đất. Tích lũy dần, đến năm 2000, ông mua được 7 công đất để làm lúa.

Vườn chanh trĩu quả của ông Tư Quang

Bắt đầu từ đây, cuộc đời ông gắn bó với ruộng - vườn. “Nói ông Tư Quang là điển hình, điều đó không sai. Ông là người biết làm và bán “cái thị trường cần”, chứ không bán “cái mình có”. Trong sản xuất lúa cũng như cây ăn trái, ông luôn đi đầu, cổ vũ cho việc lấy chất lượng làm mục tiêu, không chạy theo năng suất. Trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương, ông là người vận dụng linh hoạt “lấy ngắn nuôi dài”. Điều này đã được thực tiễn chứng minh qua mô hình ruộng - vườn của ông” - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lộc Hồ Văn Ứt chia sẻ.

Năm 2000, ĐBSCL xuất hiện lũ lớn. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã vào Phú Lộc để thị sát tình hình lũ, thăm bà con có nhà bị lũ cuốn, làm việc với lãnh đạo tỉnh để đề ra chủ trương thích ứng an toàn trong lũ, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, biến vùng đất nghèo khó thành vùng đất đáng sống. Sau chuyến đi này, Trung ương quyết định cho An Giang thực hiện công trình tuyến dân cư kênh Bảy Xã, di dời hộ có nhà bị ngập lên tuyến dân cư. Gia đình ông Tư Quang cũng được di dời.

“Nhà không bị ngập là một niềm vui, nhưng vào tuyến dân cư, làm gì ra tiền để có cuộc sống ổn định? Hưởng ứng chủ trương của Đảng, nhà nước, chuyển dịch cơ cấu cây trồng như thế nào cho phù hợp?” - ông Tư Quang trăn trở nhiều ngày.

Cuối cùng, ông dùng 7 công đất làm lúa của mình tham gia chương trình xã hội hóa giống lúa, nhân giống nguyên chủng ra giống xác nhận, bán cho nông dân trong vùng. Đây là các loại giống lúa phục vụ xuất khẩu. Từ bước đột phá này, ông đã thành công, tên ông được xướng lên trong Đại hội nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi của tỉnh năm 2003.

“Lấy ngắn nuôi dài”, ông đang sở hữu được 70 công đất. Trong đó, ông chuyển 50 công sang làm vườn cây ăn trái; 20 công còn lại, ông chia cho các con trồng lúa xuất khẩu. “Vườn của ông Quang là một mô hình đa canh, trồng các loại cây thị trường đang ưa chuộng, như: Chanh, hạnh, mãng cầu (na), cóc, xoài. Toàn bộ 50 công vườn đều áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, tưới nhỏ giọt của Israel, bón phân cân đối. Đặc biệt, ông đã xây dựng mối liên kết trong tiêu thụ nông sản, vì vậy sản phẩm làm ra không đủ bán” - ông Hồ Văn Ứt thông tin thêm.

Từ nghèo khó vươn lên trở thành tỷ phú, song cuộc sống của ông Tư Quang rất đỗi bình dị. Trong tiếp xúc, ông là người chân tình, cởi mở với mọi người, luôn hướng về cộng đồng. Danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh ông đạt được trong nhiều năm, vì vậy ông… xin rút tên để nhường suất khen thưởng cho người khác.

Hiện nay, vườn chanh, hạnh của ông cho trái trĩu cành, ông có vụ mùa thành công, vừa trúng mùa lẫn trúng giá. Số tiền có được, ngoài chăm lo cuộc sống gia đình, ông còn chia sẻ với những người xung quanh qua công tác xã hội - từ thiện.

“Bà con nào cần chia sẻ kinh nghiệm làm vườn, làm giàu, tôi rất sẵn lòng. Theo tôi, mình giàu rồi giúp cho nhiều người khác giàu như mình thì rất ý nghĩa. Còn làm giàu một mình, để người khác nghèo thì mình quá ích kỷ…” - ông Trần Minh Quang chia sẻ.

MINH HIỂN - HUYỀN THOẠI