Lan tỏa đặc sản An Giang

21/06/2022 - 06:33

 - Tốt nghiệp ngành Quản lý tài nguyên và môi trường (Trường Đại học An Giang), bạn Nguyễn Thanh Nhân dành 4 năm đầu ra trường hỗ trợ giảng viên của trường thực hiện nhiều dự án về môi trường, cộng đồng, giáo dục trong và ngoài tỉnh. Trong khoảng thời gian đó, Nhân được đi nhiều nơi, gặp nhiều người và nhận thấy nhu cầu sử dụng các sản phẩm đặc sản của tỉnh làm quà tặng cho người thân, bạn bè phương xa. Từ đó, Nhân bắt đầu lên ý tưởng cho mô hình kinh doanh các sản phẩm đặc sản của quê hương.

Theo Nguyễn Thanh Nhân, ở An Giang có nhiều đặc sản ngon nhưng có thể vì chiến lược marketing chưa rộng rãi nên người tiêu dùng chưa biết đến và ủng hộ nhiều. Người bán chưa biết giới thiệu món đặc sản ngon của mình và khách hàng muốn mua món ngon để sử dụng hoặc làm quà tặng thì lại phải tốn nhiều thời gian để đi tìm mua ở nhiều nơi.

Sau khi tìm hiểu và nắm được nhu cầu của thị trường, Nhân liên hệ với các cơ sở, doanh nghiệp chế biến đặc sản An Giang để tìm hiểu nguồn gốc sản phẩm và đặt hàng. Hiện tại, chàng trai trẻ đã mở cho mình một cửa hàng Quà tặng đặc sản An Giang (nằm trên đường Ung Văn Khiêm, TP. Long Xuyên) với trên 30 sản phẩm, đa dạng các loại đặc sản như: Khô cá lóc Chợ Mới, khô cá tra phồng, các loại mắm Châu Đốc, sản phẩm từ cây thốt nốt (đường, thốt nốt rim), khô cá sặc bổi An Phú, các loại trà dược liệu được trồng ở vùng Bảy Núi… Nhân còn thường xuyên tìm kiếm và bổ sung thêm để đa dạng các sản phẩm đặc sản tại cửa hàng, giúp khách hàng có thêm sự lựa chọn với giá cả hợp lý.

Không được học chuyên ngành kinh doanh, nhưng ý tưởng, kiến thức mà Thanh Nhân học được chính là kinh nghiệm từ nhiều lần được đóng vai trò là người mua hàng làm quà tặng đối tác trong quá trình làm việc trước đây. “Trước khi nhập một sản phẩm gì về bán, tôi cũng đều tìm hiểu kỹ rất kỹ về nguồn gốc, xuất xứ, đa số đều đã đạt chứng nhận OCOP (Chương tình mỗi xã 1 sản phẩm) nên khách hàng có thể yên tâm về chất lượng” - Nhân chia sẻ.

Cửa hàng Quà tặng đặc sản An Giang của Thanh Nhân tập hợp nhiều loại đặc sản ở các địa phương trong tỉnh

Mỗi ngày ngay tại cửa hàng, Thanh Nhân tự mình chế biến sản phẩm sẵn có thành những món ăn đặc sản, có khi là gỏi khô cá lóc, mắm chưng, hoặc một ấm trà xạ đen… Với cách làm này, vừa tự trải nghiệm hương vị để cảm nhận chân thật nhất về sản phẩm, vừa để cho khách đến mua hàng tại cửa hàng cũng có thể dùng thử. Từ đó, sẽ có những nhận xét, đánh giá mang tính góp ý đến cơ sở, doanh nghiệp, giúp họ cải thiện chất lượng sản phẩm ngày càng tốt hơn, đúng với nhu cầu của người tiêu dùng. Chưa dừng lại ở đó, Thanh Nhân đang định phát triển theo hướng vừa nấu ăn, chế biến các loại đặc sản tại cửa hàng vừa quay lại video để chia sẻ trên các trang mạng xã hội (facebook, youtube…) như một cách làm sáng tạo để tiếp cận khách hàng.

Ngoài ra, Thanh Nhân còn đang tự thiết kế một cuốn catalogue để giới thiệu sản phẩm đang kinh doanh tại cửa hàng. Trong cuốn catalogue sẽ có hình ảnh, kèm theo những thông tin như: Đặc sản của địa phương nào, cách chế biến ra sao,… “Thông qua cuốn catalogue như vậy, khách hàng có thể dễ dàng lựa chọn sản phẩm cần thiết cho nhu cầu của gia đình hoặc khi gửi tặng giỏ quà có kèm theo catalogue sẽ thêm phần ý nghĩa, người được tặng cũng cảm thấy được trân trọng hơn” - Thanh Nhân giải thích.

Tại cửa hàng Quà tặng đặc sản An Giang, Thanh Nhân tự mình thiết kế sẵn một gian hàng quê, trưng bày đầy đủ các loại đặc sản được gói theo hình thức giỏ quà. Cách làm này nhằm hướng đến phục vụ cho khách hàng có nhu cầu làm quà tặng cho bạn bè, người thân, đối tác kinh doanh, cũng như trong các dịp lễ, Tết. Khi mở cửa hàng kinh doanh ngành hàng thực phẩm, Thanh Nhân xác định phải quan tâm hàng đầu là chất lượng của sản phẩm. Bởi vậy, trước khi liên hệ nhập hàng ở các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, chế biến đặc sản, Thanh Nhân cũng chia sẻ là cửa hàng mới khởi sự kinh doanh nên yêu cầu những sản phẩm có hạn sử dụng mới, để có thể đảm bảo chất lượng tốt nhất đến tận tay khách hàng.

“Cửa hàng mới mở từ đầu tháng 6/2022, ngay lúc đường Ung Văn Khiêm đang nâng cấp nên cũng khá bất tiện. Tuy nhiên, nhiều khách hàng cũng thương và ghé đến để lựa chọn, mua sắm những sản phẩm cho gia đình sử dụng. Đặc biệt là sự ủng hộ của các giảng viên Trường Đại học An Giang mua để làm quà tặng cho bạn bè ở phương xa” - Thanh Nhân cho hay.

Tuy không là người làm ra sản phẩm, nhưng đối với từng sản phẩm đang kinh doanh tại cửa hàng, Thanh Nhân đều rất tâm huyết. Bởi vậy, khi khách đến cửa hàng, ngoài việc hướng dẫn khách hàng lựa chọn những sản phẩm cần tìm, Thanh Nhân còn giới thiệu thêm thông tin về nguồn gốc, xuất xứ của những những món đặc sản mình đang kinh doanh. “Tôi mong thông qua cửa hàng sẽ là cầu nối giúp những đặc sản của quê hương được tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng, người Việt sẽ ưu tiên dùng hàng Việt, ủng hộ những sản phẩm của địa phương mình, vừa ngon, lại vừa có thể giúp lưu giữ những giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống” - Thanh Nhân chia sẻ.

Ngoài kinh doanh tại cửa hàng, Thanh Nhân còn tiếp cận với khách hàng qua các trang mạng xã hội, cũng như mở cửa hàng trên các trang thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Tiki…) để phục vụ thêm nhiều đối tượng khách hàng trẻ, ở các tỉnh, thành phố khác, đưa đặc sản An Giang vươn xa.

ÁNH NGUYÊN