Lan tỏa những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả

21/07/2022 - 08:03

 - Đây là mục tiêu quan trọng của Trạm Khuyến nông TX. Tân Châu (tỉnh An Giang). Việc lan tỏa những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả không chỉ giúp nông dân tổ chức lại sản xuất, mang lại lợi nhuận ở mỗi vụ mùa, mà còn đưa sản phẩm phát triển tại nhiều thị trường khác nhau.

Theo đó, các mô hình sản xuất được Trạm Khuyến nông thị xã kết hợp với các địa phương triển khai, phổ biến, nhân rộng đến nông dân trên địa bàn, gồm: Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp (DN); ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt (dưa lưới, cà chua, dưa leo); trồng nấm rơm trong nhà; nuôi gà trên đệm lót sinh học; chăn nuôi vịt xiêm trên đệm lót lên men; nuôi lươn không bùn trong bể bạt bằng con giống sinh sản bán nhân tạo, sử dụng thức ăn công nghiệp kết hợp men vi sinh; nuôi dê thịt và dê giống mang lại hiệu quả kinh tế; trồng xoài keo theo hướng an toàn, liên kết DN tiêu thụ sản phẩm; sử dụng bã thải nông nghiệp tại địa phương để trồng dưa lưới…

Những mô hình vừa nêu đã được Trạm Khuyến nông TX. Tân Châu đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân; nhân rộng những mô hình hiệu quả. Thông qua việc chuyển giao đã giúp nông dân rộng đường lựa chọn những mô hình, đối tượng nuôi trồng có thị trường tiêu thụ dễ dàng. Mô hình nuôi lươn không bùn của nông dân Nguyễn Văn Bửu (ấp Tân Hậu A2, xã Tân An) là một điển hình.

Lãnh đạo địa phương đến thăm mô hình nuôi lươn của ông Nguyễn Văn Bửu

“Khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, giá lươn thịt tăng mạnh, có thời điểm lên gần 200.000 đồng/kg, người nuôi lươn có được lợi nhuận tốt. Tôi rất cám ơn những kiến thức mà Trạm Khuyến nông thị xã, các kỹ sư đã chia sẻ trong các lớp tập huấn. Tôi mong trong thời gian tới, Trạm Khuyến nông thị xã nói riêng, ngành nông nghiệp nói chung tiếp tục có những lớp tập huấn về kiến thức trồng trọt và chăn nuôi để nông dân nắm bắt…” - ông Bửu kiến nghị.

Mô hình nuôi lươn không bùn của ông Bửu được triển khai từ rất sớm. Ông là một trong những nông dân đi đầu trong việc tiếp thu tiến bộ khoa học - kỹ thuật để vận dụng vào sản xuất. Ban đầu, khi tham dự lớp tập huấn nuôi lươn do Trạm Khuyến nông thị xã tổ chức, ông Bửu hoạch định mô hình bằng phương pháp nuôi lươn có bùn. Việc làm này nhằm để theo dõi, biết được tập quán sinh hoạt của con lươn, ban đầu, ông chỉ nuôi 3 bồn, với diện tích mỗi bồn 15m2. Nhờ được chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc lươn, vụ nuôi đầu ông đã thành công. Lươn thịt xuất bồn bán cho thương lái với giá 175.000 đồng/kg.

Vụ sản xuất đó, sau khi trừ các khoản chi phí, ông thu về trên 25 triệu đồng. Thừa thắng xông lên, đến nay, ông Bửu đã quy hoạch hẳn 1 trang trại nuôi lươn với diện tích rộng 1,6ha, số lượng bồn nuôi lên đến 460 bồn. Từ nuôi lươn theo phương pháp truyền thống (có bùn), nay ông Bửu chuyển sang nuôi không bùn, từ đó hiệu quả sản xuất nâng lên đáng kể. Trang trại lươn của ông Bửu hàng năm cung cấp cho thị trường trên 20 tấn lươn giống lẫn lươn thịt, giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động tại địa phương.

Mô hình trồng dưa hấu nụ lấy trái

 Chia sẻ về những lợi ích của việc lan tỏa các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả trên địa bàn, ông Bửu cho rằng, đây là việc làm rất thiết thực của ngành nông nghiệp tỉnh nhà nói chung, Trạm Khuyến nông thị xã nói riêng. Hiệu quả từ mô hình nuôi lươn giống, lươn thịt của ông có được như ngày hôm nay nhờ theo học từ các lớp tập huấn của Trạm Khuyến nông thị xã. Ngoài đối tượng nuôi là con lươn, Trạm Khuyến nông TX. Tân Châu còn tổ chức tập huấn, chuyển giao công nghệ cho nông dân nhiều đối tượng cây trồng, vật nuôi khác để lan tỏa những phương thức sản xuất tiến bộ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, ổn định và lâu dài. Qua đó, hỗ trợ nông dân tiếp cận với phương pháp sản xuất theo định hướng của thị trường.

Chia sẻ về những định hướng của công tác khuyến nông trong thời gian tới, Trưởng trạm Khuyến nông TX. Tân Châu Trang Trường Nhẫn cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn trên các lĩnh vực, như: Trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản giúp nông dân nhanh chóng tiếp thu tiến bộ khoa học - kỹ thuật và vận dụng vào quá trình sản xuất để nâng cao hiệu quả.

“Ở TX. Tân Châu, để đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19, bên cạnh việc tạo điều kiện cho các cơ sở, DN mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, tiếp tục mời gọi DN về đầu tư trên địa bàn, ngành nông nghiệp thị xã đã tổ chức lại sản xuất theo hình thức hợp tác, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị. Đồng thời, tiếp tục nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả để nông dân làm theo, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sau mỗi mùa vụ sản xuất” - Trưởng phòng Kinh tế TX. Tân Châu Võ Thị Loan thông tin.

MINH HIỂN

 

Liên kết hữu ích