Làng nghề dần phục hồi sau dịch bệnh

21/07/2020 - 06:12

 - Do tác động của dịch bệnh COVID-19, các cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD) tại các làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh An Giang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là về thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, các cơ sở vẫn duy trì hoạt động, tích trữ hàng hóa để chờ cơ hội bứt phá trong giai đoạn cuối năm.

Các cơ sở tại các làng nghề dần phục hồi sản xuất

Gặp khó đầu ra

Làng nghề mộc Mỹ Luông (thị trấn Mỹ Luông, Chợ Mới) từ lâu nổi tiếng với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, trang trí nội thất. Các sản phẩm ở đây rất đa dạng và phong phú với nhiều mẫu mã, chủng loại sản phẩm đa đạng, đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu của khách hàng như: tủ thờ, tủ quần áo, bàn ghế, kệ, giường; các loại tượng, phù điêu...

 

Đặc biệt, sản phẩm ở đây có chất lượng gỗ tốt, bền, đẹp theo thời gian nên tạo được uy tín cao trên thị trường. Giá từng loại sản phẩm từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng, tùy chất liệu gỗ cũng như độ tinh xảo, kích thước…

Trước đây, việc SXKD của các cơ sở diễn ra tất bật, nhộn nhịp quanh năm. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, hoạt động của các cơ sở có phần chững lại. Anh Trần Phước Trí (Chủ cơ sở Thanh Tím, ấp Thị 2, thị trấn Mỹ Luông) cho biết, ảnh hưởng dịch bệnh đã làm cho hoạt động của cơ sở gặp nhiều trở ngại. Nhiều đơn hàng được thực hiện trước đó phải tạm hoãn trong thời gian cách ly xã hội. Sau thời gian đó, kinh tế nhiều gia đình gặp nhiều khó khăn nên sức mua lẻ không nhiều; doanh số bán hàng những tháng đầu năm ước giảm 50-60% so cùng kỳ năm trước.

Dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng Cơ sở Thanh Tím cùng các cơ sở khác ở làng nghề này vẫn cố gắng duy trì các hoạt động SXKD, không cắt giảm nhân công. Anh Trí cho biết, do đặc thù các sản phẩm làm gối vụ nên cơ sở vẫn duy trì việc làm khoảng 20 lao động.

“Hàng tồn đọng nhiều nhưng chúng tôi vẫn phải chấp nhận, chờ dịch bệnh đi qua để có cơ hội bán hàng ra thị trường. Hy vọng, thời gian tới, đặc biệt là thị trường cuối năm, kinh tế được phục hồi, người dân mua sắm nhiều hơn để những cơ sở ở làng nghề mộc Mỹ Luông giảm bớt khó khăn trong trong những tháng dịch bệnh” - anh Trí chia sẻ.

Chuyển dịch thị trường

Tại Làng nghề bó chổi bông sậy Cồn Nhỏ (xã Phú Bình, Phú Tân), công việc kinh doanh của các cơ sở thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên hiện nay tình hình dần ổn định trở lại.

Làng nghề bó chổi bông sậy xã Phú Bình hiện có hàng trăm cơ sở, chuyên SXKD các mặt hàng như: chổi bông sậy và chổi bông cỏ. Mỗi ngày, các cơ sở cung ứng trên vài chục ngàn cây chổi xuất khẩu chủ yếu sang các nước: Campuchia, Hàn Quốc, Malaysia, Hoa Kỳ… và một phần cung cấp cho các tỉnh, thành phố cả nước và bán lẻ tại địa phương.

Tuy nhiên, những tháng dịch bệnh bùng phát, hoạt động của các cơ sở giảm mạnh, nhiều cơ sở chỉ hoạt động cầm chừng, số lượng sản phẩm xuất ra thị trường giảm một nửa. Mặt khác, do nhiều thị trường xuất khẩu chổi bị đóng cửa, chổi Phú Bình tập trung cho thị trường trong nước và bán lẻ. Hiện nay, hoạt động của các cơ sở đã trở lại bình thường; sản phẩm nối mạch lại và thị trường nội địa vẫn là chủ lực.

Tuy hoạt động SXKD của các cơ sở kinh doanh của các chủ cơ sở làng chổi Cồn Nhỏ gặp khó khăn nhưng theo khảo sát, thu nhập của người lao động không bị ảnh hưởng nhiều. Hiện, làng nghề có 327 hộ làm chổi, với  khoảng 800 lao động tham gia.

Các lao động làm việc từ 1-1,5 buổi (6-8 tiếng) mỗi ngày, bình quân mỗi lao động có mức thu nhập từ 150.000-200.000 đồng/ngày. Những ngày thực hiện cách ly xã hội, công việc làm chổi của người lao động giảm. Tuy nhiên, nhờ làm thêm các công việc khác nên thu nhập người dân vẫn được đảm bảo.

Hiện nay, người dân phấn khởi bắt nhịp trở lại cuộc sống thường ngày; tình hình SXKD của các làng nghề trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu khôi phục lại. Nhiều cơ sở đã và đang tích cực đổi mới, nâng cấp trang thiết bị; cải tiến mẫu mã để đáp ứng thị trường, đặc biệt là thị trường cuối năm.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã có những chủ trương để hỗ trợ các ngành nghề nông thôn và làng nghề như: về mặt bằng sản xuất; ưu đãi về tín dụng, đầu tư; tạo điều kiện và hỗ trợ xúc tiến thương mại; áp dụng khoa học - công nghệ; đào tạo nhân lực; hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn…

Qua đó giúp các cơ sở phục hồi và phát triển SXKD, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, góp phần đảm bảo các chính sách an sinh xã hội tại địa phương.

ĐỨC TOÀN

 

Liên kết hữu ích