Nông dân vẫn giữ đất
Liên hiệp HTX Thoại Sơn chính thức hoạt động ngày 9-8-2021. Thành viên sáng lập ban đầu gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cùng đại diện 7 HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện Thoại Sơn. Thông qua mô hình HTX nông nghiệp, người nông dân trên địa bàn tham gia vào đây để cùng Tập đoàn Lộc Trời vận hành hệ sinh thái nông nghiệp bền vững mà ở đó, trong mỗi vụ sản xuất, với mô hình LT123 (Lộc Trời 123), người nông dân được bao tiêu đầu vào, bao đầu ra, lợi nhuận.
“Liên hiệp HTX Thoại Sơn hướng đến mục tiêu, xây dựng hệ thống vùng nguyên liệu của các HTX thành viên ổn định về chất lượng, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, xây dựng quy trình sản xuất lúa gạo an toàn, xây dựng hệ thống liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp trong và ngoài nước…” - Giám đốc Liên hiệp HTX Thoại Sơn Nguyễn Thành Thân chia sẻ.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo đánh giá cao mô hình Liên hiệp Hợp tác xã Thoại Sơn
Từ chỗ lấy việc phục vụ thành viên làm mục tiêu chính, Liên hiệp HTX Thoại Sơn không “đặt nặng” hiệu quả về lợi nhuận. Các dịch vụ Liên hiệp HTX phục vụ cho thành viên, bao gồm: Cung ứng vật tư nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp, thu mua lúa... Trong mỗi mùa vụ, nông dân sẽ được Tập đoàn Lộc Trời cung ứng giống lúa.
“Việc Tập đoàn Lộc Trời cung ứng giống lúa để bà con gieo sạ nhằm hướng đến sản xuất bền vững. Bởi trên diện tích trồng, chúng ta giảm được lượng giống sẽ giảm được phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm tình trạng phát thải khí nhà kính. Nông dân tham gia vào Liên hiệp HTX Thoại Sơn cùng Tập đoàn Lộc Trời vận hành hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, chất lượng nông sản được tăng lên, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vào các thị trường khó tính, đời sống nông dân sẽ được đảm bảo…” - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn chia sẻ.
Hiệu quả sản xuất tăng
“Khi liên kết, liên doanh với doanh nghiệp, điều đầu tiên là tôi sợ mất đất canh tác, sau đó mất nguồn vốn và mất nhân công lao động. Với mô hình Liên hiệp HTX, chúng tôi hoàn toàn yên tâm những vấn đề vừa nêu. Yên tâm là bởi, với mô hình LT123, nông dân được bao tiêu đầu vào, đầu ra, lợi nhuận, được hỗ trợ về kỹ thuật gieo trồng và nhiều thứ khác trong quá trình sản xuất nông nghiệp”- ông Trần Thanh Tuấn (thành viên Liên hiệp HTX Thoại Sơn) chia sẻ.
Liên hiệp Hợp tác xã Thoại Sơn được Tập đoàn Lộc Trời đầu tư 2 máy cuộn rơm
Ông Tuấn cho biết thêm, tham gia mô hình liên hiệp, đất không bị mất mà hiệu quả sản xuất tăng lên, bởi đơn vị sẽ lấy việc phục vụ thành viên làm mục tiêu chính. Vật tư nông nghiệp cùng các dịch vụ mà liên hiệp cung cấp cho thành viên có giá rất tốt so với thị trường bên ngoài, chất lượng đảm bảo.
Ông Tuấn mạnh dạn đưa ra phép so sánh giữa 2 mô hình, sản xuất truyền thống và LT123. Ở mô hình sản xuất truyền thống, lợi nhuận trong 1 mùa vụ sản xuất, khi có, khi không; còn mô hình LT123, lợi nhuận luôn được đảm bảo từ đầu vụ và ổn định qua các mùa vụ. Nếu hoàn thành đạt hoặc vượt so với những cam kết đã được ký kết sẽ được thưởng thêm.
Về vốn, nếu ở mô hình truyền thống, nông dân phải tự bỏ chi phí đầu tư, canh tác thì ở mô hình mới, Tập đoàn Lộc Trời cung cấp vốn sản xuất theo định mức chia làm 3 lần trên vụ (30-20-50%). Về quy trình canh tác, nếu theo truyền thống, nông dân dựa vào kinh nghiệm bản thân. Còn ở mô hình mới, Tập đoàn Lộc Trời cung cấp quy trình canh tác, đội ngũ kỹ sư nông nghiệp tư vấn trực tiếp, hỗ trợ suốt mùa vụ. Ở khâu thu hoạch, nếu sản xuất theo mô hình truyền thống, nông dân tự liên hệ với thương lái để bán lúa; còn ở mô hình mới, Tập đoàn Lộc Trời sắp xếp máy thu hoạch, đảm bảo ghe chở lúa về nhà máy đúng thời gian quy định.
Liên hiệp HTX Thoại Sơn lấy việc “phục vụ” thành viên làm mục tiêu chính nên trong năm 2021, doanh thu của đơn vị đạt 103 tỷ đồng nhưng lợi nhuận chỉ đạt 195 triệu đồng, mô hình này một lần nữa chứng minh tính hiệu quả, tính thực tế để từ đây nông dân trong tỉnh sẽ cùng Tập đoàn Lộc Trời vận hành một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững.
Để vận hành hệ sinh thái này, Tập đoàn Lộc Trời đã ký kết đơn hàng xuất khẩu với nước ngoài 2 triệu tấn lúa. Từ đơn hàng này, Tập đoàn Lộc Trời được ngân hàng hỗ trợ 12.000 tỷ đồng, trong đó 6.000 tỷ đồng để đầu tư, hỗ trợ vật tư nông nghiệp cho nông dân theo hướng an toàn sinh học. 3.000 tỷ đồng để phục vụ cho các dịch vụ nông nghiệp phục vụ thành viên, số còn lại là lợi nhuận cố định.
Mô hình được triển khai thông qua các HTX để từng bước đồng bộ và tích hợp dịch vụ nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng trên toàn chuỗi liên kết sản xuất, ứng dụng mô hình sản xuất không tiền mặt, mặt ruộng không dấu chân…
“Thực tế cho thấy, muốn nông dân giàu lên, nông nghiệp mạnh lên, nông thôn là vùng đất đáng sống, mô hình Liên hiệp HTX Thoại Sơn là tốt, cần được nhân rộng. Tiến tới sẽ thành lập Liên đoàn lúa gạo vùng ĐBSCL, lúc đó, sẽ vận hành một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững mà ở đó đời sống nông dân không ngừng được nâng lên, nông sản làm ra đạt chất lượng theo yêu cầu xuất khẩu…” - Chủ tịch Liên hiệp HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định.
|
MINH HIỂN