Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Ngày 23/12, tại Lai Châu, Hội nghị Tổng kết chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 đã được tổ chức.
Nhiều giải pháp và cách làm mới đã được thực hiện để đẩy mạnh khai thác tuyến du lịch Vòng cung Tây Bắc.
Năm 2022, với chủ trương mở cửa du lịch toàn diện để phục hồi và phát triển kinh tế sau 2 năm đóng băng bởi đại dịch COVID-19 của Chính phủ, nhóm 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng gồm: Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, đã liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp tốt cùng các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đơn vị lữ hành và nhân dân đẩy mạnh đầu tư hạ tầng du lịch; hoàn thiện, nâng cấp và phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch mới tạo sức hấp dẫn đối với điểm đến, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
Đặc biệt, Nhóm liên kết hợp tác đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương tạo hiệu ứng thu hút khách tham quan đến với khu vực.
Với vai trò là Trưởng nhóm hợp tác của năm 2022, tỉnh Lai Châu đã chủ động, tích cực chủ trì và phối hợp với các tỉnh thành viên sớm ban hành kế hoạch chung của nhóm.
Các thành viên trong nhóm đã chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí phù hợp với điều kiện thực tế địa phương và chỉ đạo tổ chức, tham gia các hoạt động chung đạt tiến độ và hiệu quả.
Bà Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Trưởng Nhóm hợp tác năm 2023 phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Tổng lượng khách đến với khu vực Tây Bắc và Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 ước đạt hơn 45 triệu lượt khách, tăng gấp hơn 3 lần so cùng kỳ năm 2021.
Trong số đó, hơn 100.000 lượt khách du lịch từ thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đã đến tham quan du lịch các tỉnh trong nhóm Tây Bắc mở rộng. Tổng doanh thu hơn 153.000 tỷ đồng.
Các tỉnh có doanh thu từ du lịch cao trong nhóm như Thành phố Hồ Chí Minh 120.000 tỷ đồng, Lào Cai hơn 15.000 tỷ đồng, Hà Giang 4.400 tỷ đồng, Sơn La gần 4.000 tỷ đồng... Những con số trên đã khẳng định hiệu quả và sự phát triển bùng nổ du lịch của Nhóm liên kết.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Nhóm nhận thấy những hạn chế như nội dung hợp tác chưa đổi mới, chưa tạo bước đột phá trong liên kết phát triển du lịch.
Việc phát triển sản phẩm du lịch tuyến Vòng cung Tây Bắc chưa phát huy được các thế mạnh đặc trưng riêng của từng tỉnh, thiếu sự khác biệt, nhất là các sản phẩm du lịch cộng đồng còn trùng lặp.
Cơ sở hạ tầng, nhân lực, ngân sách... còn hạn chế.
Tại hội nghị, nhiều ký kiến, tham luận đóng góp để việc liên kết, hợp tác giữa các thành viên trong Nhóm hiệu quả hơn trong việc thu hút du khách đến với Tây Bắc.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Trương Hiền Hòa phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Đại diện lãnh đạo Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã đánh giá khái quát kết quả liên kết hợp tác năm 2022 và đề xuất giải pháp năm 2023; chia sẻ kinh nghiệm sử dụng E-markeing trong hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch đến thị trường khách trong nước và quốc tế; đề xuất giải pháp đẩy mạnh tương tác trên fanpage "Sắc màu Tây Bắc-Thành phố Hồ Chí Minh" trong thời gian tới.
Các ý kiến khác tập trung thảo luận, đánh giá kết quả triển khai thực hiện chương trình hợp tác phát triển du lịch tám tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022; những khó khăn, thuận lợi, thách thức trong việc phát triển du lịch 8 tỉnh và đề xuất giải pháp triển khai hiệu quả các nội dung hoạt động năm 2023.
Các tỉnh Tây Bắc cần hoàn thiện tuyến đường cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu, rút ngắn khoảng cách tỉnh Lào Cai-Lai Châu; đầu tư về hạ tầng du lịch đồng bộ; tập trung vào dòng sản phẩm chủ lực của từng địa phương; khai thác hiệu quả thế mạnh, đặc trưng về điểm đến, ẩm thực, văn hóa; ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá sản phẩm, giới thiệu điểm đến.
Đồng thời, cần có chương trình truyền thông quảng bá chung của các tỉnh cho cả khu vực để tạo sức mạnh liên kết chung; đối thoại định kỳ với các doanh nghiệp dịch vụ tại địa phương, các doanh nghiệp lữ hành để giải quyết các khó khăn, vướng mắc...
Ông Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu, Trưởng Nhóm hợp tác năm 2022, phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Kết luận hội nghị, ông Tống Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu, Trưởng Nhóm liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 - nhấn mạnh để chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch tiếp tục mang lại hiệu quả, trở thành điểm đến hấp dẫn không thể bỏ qua của du khách, thời gian tới, Nhóm mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch và các cơ quan chuyên môn tạo điều kiện, hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong Nhóm đẩy mạnh truyền thông, quảng bá điểm đến trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bên cạnh đó, cho phép các tỉnh được tham gia các chương trình, sự kiện, hội nghị xúc tiến du lịch lớn trong nước và quốc tế; mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến khảo sát và đầu tư các dự án phát triển du lịch; ưu tiên các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, dự án phi chính phủ.
Mục tiêu trong tương lai không xa, du lịch 9 tỉnh, thành phố, đặc biệt là du lịch khu vực Tây Bắc phát triển thịnh vượng, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế...
Tại Hội nghị, tỉnh Lai Châu bàn giao vai trò Trưởng nhóm liên kết hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh 2023 cho tỉnh Lào Cai./.
Ông Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu, Trưởng Nhóm hợp tác năm 2022, chuyển giao biểu trưng luân phiên đảm nhiệm vai trò trưởng Nhóm hợp tác năm 2023 cho bà Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Trưởng Nhóm năm 2023. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Theo NGUYỄN OANH (TTXVN/Vietnam+)