Liên kết sản xuất lúa là hướng phát triển bền vững

04/04/2019 - 07:46

 - Năm 2019, khoảng 30 doanh nghiệp (DN) có kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, nếp trên địa bàn tỉnh với diện tích 65.800ha, tăng hơn so năm 2018. Đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh thị trường lúa, gạo không ổn định.

Diện tích còn khiêm tốn

Năm 2018, tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh đạt 628.000ha lúa, năng suất bình quân 6,24 tấn/ha, sản lượng 3.917.112 tấn. Trong đó, diện tích có hợp đồng liên kết sản xuất với DN là 30.333ha, sản lượng 189.278 tấn, chỉ chiếm 4,83% diện tích sản xuất lúa của tỉnh, còn lại phần lớn tiêu thụ qua thương lái.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn An Giang Nguyễn Văn Hinh cho biết, năm 2018, theo kế hoạch của 30 DN, diện tích liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, nếp dự kiến đạt 55.820ha. Tuy nhiên, qua thực tế, có 37 DN (27 công ty lương thực và 10 công ty giống) triển khai liên kết sản xuất thông qua 20 hợp tác xã (HTX) và 10 tổ hợp tác, với diện tích 30.333ha, đạt hơn 55% kế hoạch. Các DN ký hợp đồng sản xuất những giống chất lượng cao như: Đài Thơm 8, Jasmine 85, OM4218, OM6976, Japonica, nếp CK92, CK2003; một số giống lúa của Tập đoàn Lộc Trời như: OM5451, LT1, LT18, LT604, LT605… “Có 37 DN tổ chức thu mua theo hợp đồng đã ký với diện tích 28.114ha (đạt 92,68% diện tích ký hợp đồng). Trong đó vụ đông xuân đạt 100% diện tích (16.271ha), hè thu đạt 90,23% (7.590ha), thu đông 92,68% (4.261ha)” - ông Hinh chia sẻ.

Đối với mô hình “Cánh đồng lớn”, có nhiều DN ký hợp đồng tiêu thụ thông qua HTX, tổ hợp tác như: Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương, Công ty Cổ phần Gentraco, Chi nhánh Công ty Cổ phần Lương thực Bình Định tại An Giang... Có những DN ký hợp đồng với từng hộ dân như: Tập đoàn Lộc Trời, Angimex... Nội dung hợp đồng tuân thủ theo hợp đồng mẫu của tỉnh, giá thu mua cao hơn giá thị trường khoảng 50-100 đồng/kg. Đối với HTX, tổ hợp tác thì DN hỗ trợ chi phí quản lý thực hiện từ 10-20 đồng/kg trên tổng sản lượng thu mua. “Có những DN thực hiện rất tốt như: Lộc Trời, Angimex, Angimex-Kitoku, Tấn Vương, Gentraco, Vinacam, Trịnh Văn Phú… Tuy nhiên, cũng có một số DN chưa tích cực, thiếu kế hoạch cụ thể. Việc thỏa thuận giá thu mua cuối vụ với nông dân chưa có sự đồng thuận cao, thậm chí không thực hiện được hợp đồng đã ký” - ông Hinh đánh giá.

Tăng vai trò hợp tác xã

Ông Hinh cho biết, năm 2019, có 30 DN xác định kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa, nếp với diện tích 65.800ha. “Nhìn chung, mỗi năm có từ 20 - 30 DN trong và ngoài tỉnh có kế hoạch thực hiện liên kết sản xuất tại An Giang. Một số DN có định hướng sản xuất gạo an toàn tăng dần tỷ trọng, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Đây là tín hiệu tích cực để hình thành khu vực sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn của tỉnh” - ông Hinh nhận xét.

Qua thực tế triển khai, nhu cầu của DN và nông dân về liên kết sản xuất là rất lớn. Theo ông Hinh, các DN kinh doanh lương thực đều mong muốn có vùng nguyên liệu chất lượng, ổn định nên đã chủ động trong việc đàm phán, ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với diện tích lớn theo nhu cầu sản lượng xuất khẩu. Nhiều DN tham gia đầu tư hình thành các HTX kiểu mới trong hợp tác liên kết để hình thành vùng nguyên liệu theo chuỗi liên kết, hỗ trợ, phân công nhân viên của DN tham gia quản lý điều hành HTX, thực hiện cung ứng vật tư sản xuất đầu vào và tổ chức thu mua nông sản đầu ra cho thành viên HTX. Bản thân những nông dân đã từng tham gia liên kết cũng thấy được lợi ích bền vững của mô hình nên ngày càng thu hút nhiều nông dân tham gia, từng bước hình thành “Cánh đồng lớn”, vùng sản xuất tập trung.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn hiện nay trong thực hiện liên kết sản xuất là việc tuân thủ hợp đồng. Điển hình như Công ty Cổ phần Gentraco, khi ký hợp đồng sản xuất, yêu cầu nông dân phải thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật canh tác nhằm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Châu Âu. Tuy nhiên, một số nông dân chưa tuân thủ đúng, gây khó khăn và ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ của DN. Do vậy, việc mở rộng diện tích qua các năm của công ty rất hạn chế. Ngược lại, khi nông dân thực hiện đúng nội dung hợp đồng thì lại có một số DN không tổ chức thu mua hết diện tích (chỉ thu mua đủ vốn đầu tư) khi thấy giá lúa xuống thấp.

Để đảm bảo tính bền vững trong liên kết sản xuất, cần nâng cao vai trò của HTX nông nghiệp. HTX phải thực hiện được nhiều dịch vụ trong tổ chức sản xuất, làm đầu mối ký hợp đồng liên kết với DN, cung ứng vật tư đầu vào, đứng ra thu mua và vận chuyển nông sản… Muốn vậy, bản thân DN cần chủ động tham gia thành lập HTX kiểu mới, vừa đảm bảo vùng nguyên liệu rộng lớn, ổn định, vừa tăng tính bền vững của hợp đồng liên kết.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN