Liên kết sản xuất trên xứ cù lao

10/10/2022 - 07:08

Không chỉ là vùng chuyên canh cây nếp, huyện Phú Tân (tỉnh An Giang) đang đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp để chuyển đổi, mở rộng diện tích canh tác rau màu. Trong đó, UBND huyện tiếp tục mở rộng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với Công ty Cổ phần rau quả thực phẩm An Giang (Antesco).

Sản xuất đậu nành rau mang lại hiệu quả cho nông dân tham gia liên kết tại xã Phú Xuân

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Tân, qua thời gian liên kết, nông dân đồng thuận cao, lợi nhuận trồng rau màu cao hơn mô hình sản xuất cũ (đa số trước đó trồng lúa, nếp), mô hình thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Việc liên kết rau màu, nhất là đậu nành rau góp phần đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia tăng giá trị nông sản, luân canh cải tạo đất sản xuất.

Vụ đông xuân 2021-2022, diện tích liên kết tiêu thụ đậu nành rau đạt 100% (47,9ha), giá thu mua 10.500 đồng/kg. Vụ hè thu 2022, diện tích liên kết tiêu thụ đạt 18,5ha, giá thu mua 11.900 đồng/kg. Về việc cấp mã số vùng trồng (code), 2 bên đã phối hợp tổ chức 2 lớp tập huấn mã số vùng trồng đậu nành rau từ ngân sách huyện tại xã Tân Trung và Phú Xuân, định vị mã số vùng trồng tại xã Phú Xuân.

Đánh giá hiệu quả liên kết những năm qua, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân Hà Văn Bằng cho biết, địa phương đã định hình, phối hợp Công ty Antesco chuyển đổi từ cây lúa sang cây màu, trong đó có đậu nành rau. Thời gian đầu, nhiều bà con rất ngán ngại (năm 2016 chỉ sản xuất 2ha), đến nay, vụ đông xuân nâng lên khoảng 45ha. Sau 1 năm, địa phương đã tập hợp các hộ sản xuất, thành lập Tổ hợp tác (THT) trồng đậu nành rau. Hiệu quả từ mô hình liên kết đã tác động tích cực đến các hộ trồng màu xung quanh, đến nay đã có 20 thành viên tham gia THT. Giá cả liên kết với Công ty Antesco luôn ổn định và có hiệu quả kinh tế.

“Năm đầu tiên trồng đậu nành rau, thời tiết khá thuận lợi, năng suất đạt 1,7 tấn/công, trừ các khoản chi phí còn lời 7-8 triệu đồng, cao hơn nhiều so với canh tác lúa, nếp kém hiệu quả trước đây. Khi tham gia liên kết, nông dân chỉ tập trung làm đúng kỹ thuật, đạt năng suất, còn đầu ra đã có công ty thu mua. Đó là điều an tâm để bà con mạnh dạn tham gia, mỗi năm nhân rộng thêm diện tích” - ông Nguyễn Minh Cảnh (Tổ trưởng THT đậu nành rau Phú Xuân) thông tin.

Tùy theo thời tiết hàng vụ, toàn xã Phú Xuân xuống giống từ 15-25ha đậu nành rau, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Antesco với giá từ 11.800-12.000 đồng/kg, đảm bảo lợi nhuận bình quân 50 triệu đồng/ha. Ông Hà Văn Bằng cho biết, hướng tới, địa phương tiếp tục vận động nông dân tham gia sản xuất đậu nành rau vào vụ đông xuân, tăng thêm diện tích, khả năng có thể lên tới 50ha.

“Nguyên nhân do vụ đông xuân đạt năng suất cao nhất, bình quân 1 công đậu nành rau có thể đạt năng suất 1,7-1,8 tấn, lợi nhuận từ 5-7 triệu đồng/công. Với lợi nhuận ổn định, bà con nông dân có thể yên tâm canh tác nông nghiệp. Mô hình còn giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, giúp bà con có thêm thu nhập vào mùa vụ, góp phần giúp địa phương giảm nghèo tốt hơn” - ông Bằng nhấn mạnh.

UBND huyện Phú Tân và Công ty Antesco đã thống nhất ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác thúc đẩy phát triển liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu, giai đoạn 2023-2025. Cụ thể, vụ đông xuân 2022-2023, tiếp tục phối hợp liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu 102,84ha; mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất theo nhu cầu doanh nghiệp, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất, tăng thu nhập nông hộ. Nhằm thực hiện tốt các nội dung trong biên bản ghi nhớ, các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nông dân tham gia liên kết đậu nành rau, bắp. Cùng với đó, mở rộng diện tích, tổ chức họp dân triển khai kế hoạch, hợp đồng liên kết.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Nguyễn Quốc Bảo, địa phương sẽ tiếp tục phát triển mới, củng cố các THT hiện có, tiến tới thành lập hợp tác xã (HTX) nông nghiệp rau màu ở các vùng liên kết với Antesco, gắn với mở rộng diện tích và doanh nghiệp tham gia HTX, tăng cường nâng chất hoạt động HTX rau màu Tân Trung. Trong khuôn khổ liên kết, Công ty Antesco còn hỗ trợ cho huyện để phối hợp đầu tư hạ tầng thủy lợi gắn với giao thông nội đồng, phục vụ nhu cầu sản xuất rau màu, ưu tiên các xã trong biên bản kế hoạch.

Xã Tân Trung hiện đang ưu tiên khai thác tiềm năng vùng trồng màu dự án Lòng Hồ, thực hiện liên kết với Antesco. Trong khi đó, xã Phú Xuân thí điểm chọn 2 tiểu vùng là Tây sườn Phú Thọ (ấp Phú Đông) và Bắc Nam vùng Bảy Bụng (ấp Phú Thu) với diện tích 30ha, đang chuyên canh đậu nành rau. Nơi đây sẽ được hỗ trợ đầu tư hệ thống thủy lợi gắn giao thông nội đồng để phát triển rau màu, từ nguồn dịch vụ công ích huyện.

Ngoài ra, xã Phú Xuân còn chọn thêm vùng Tây sườn Phú An (ấp Phú Hạ) thuộc vùng dự án cánh đồng mẫu - Dự án Pilot (hệ thống trạm bơm tưới tiêu và giao thông nhựa hóa) để sản xuất vùng chuyên canh bắp ngọt với diện tích 30ha. Trong phạm vi các xã thực hiện kế hoạch phối hợp, địa phương sẽ phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) từ rau màu trong vùng nguyên liệu của Công ty Antesco, tập trung là đậu nành rau, bắp ngọt…

MỸ HẠNH