Linh hoạt hình thức tuyển sinh đào tạo nghề

09/03/2022 - 06:59

 - Trải qua 1 năm diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đã gặp nhiều khó khăn. Tuy một số chỉ tiêu không đạt kết quả như kỳ vọng nhưng nhìn chung công tác tuyển sinh và đào tạo của các trường, trung tâm, cơ sở đều có những điểm sáng tích cực. Trong đó, phải kể đến các giải pháp linh hoạt của các bên liên quan để thích ứng với tình hình mới, đảm bảo chỉ tiêu trọng tâm đề ra, bổ sung lực lượng lao động qua đào tạo cho thị trường.

Tư vấn hướng nghiệp chú trọng những ngành nghề mới, gắn với nhu cầu thị trường

Uyển chuyển tình hình để vượt khó, năm 2021, Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú An Giang đã vận dụng nhiều giải pháp trong tư vấn hướng nghiệp, như: Củng cố hồ sơ tư vấn tuyển sinh, hồ sơ hướng nghiệp theo hướng chuyên trách, xây dựng tài liệu hướng nghiệp triển khai cho học sinh cuối cấp THCS và THPT. Đặc biệt, website của trường xây dựng thêm mục tuyển sinh với thông tin đa dạng, phong phú tích hợp thêm chức năng cho học sinh đăng ký tuyển sinh trực tuyến. Theo Trưởng phòng Đào tạo Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú An Giang Phạm Chí Danh, trừ chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn và nghề sơ cấp không đạt do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, hầu hết các chỉ tiêu đào tạo của trường đều đạt và vượt.

Năm nay, trường tiếp tục phát huy nền tảng cho công tác tư vấn hướng nghiệp. Đó là đội ngũ tuyên truyền đã được thiết lập mối quan hệ khá tốt với các trường THCS, THPT tại các địa bàn trọng điểm. Hình thức tuyển sinh trực tuyến (online) bắt đầu phát huy hiệu quả và có sức lan tỏa trong cộng đồng sẽ được khai thác nhiều hơn. Đơn vị còn định hướng tuyên truyền thông qua các sư sãi trong chùa Khmer để vận động con em đồng bào dân tộc thiểu số đi học nghề. Tổ chức ngày hội tư vấn tại đơn vị, mời phụ huynh và học sinh đến trường tham quan để hiểu hơn về môi trường đào tạo, nơi ở, các hoạt động khác…

Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Phú Tân Đặng Ngọc Thái cho biết, để thực hiện chỉ tiêu đào tạo nghề năm nay, đơn vị phối hợp với các địa phương khảo sát nhu cầu người học. Dựa trên điều kiện thực tế, tình hình ở các xã, chú trọng phát hiện những ngành nghề mới, có điều kiện phát triển để đưa vào danh mục nghề giới thiệu định hướng cho người học nghề. Những ngành nghề chủ yếu đào tạo ở huyện là làm vườn, trồng rau màu, may công nghiệp, cung cấp lao động cho cơ sở tư nhân hoặc các công ty lớn ở khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Mặt khác, trong khi các nghề đào tạo quen thuộc cho lao động nông thôn đang vào giai đoạn bão hòa, đơn vị hướng thu hút những học sinh THCS, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, lao động ở các xã nông thôn mới, xã có lộ trình xây dựng nông thôn mới nâng cao… Việc đào tạo được tập trung vào chất lượng, không chạy theo số lượng. Trong đó, tiếp tục quan tâm nâng cao công tác tư vấn hướng nghiệp, phân luồng học sinh, nắm bắt kịp thời người học đang cần gì, nhu cầu và nguyện vọng thế nào sau đào tạo.

Trên thực tế, dù thị trường lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng người lao động qua đào tạo vẫn có nhiều cơ hội việc làm. Lao động mất việc, giảm thu nhập hoặc lao động tự do được Trường Cao đẳng Nghề An Giang phối hợp các địa phương, đơn vị tổ chức đào tạo ngắn hạn miễn phí là đối tượng điển hình. Ngay sau khóa học, nhiều lao động đã tìm được công việc mới, có chứng chỉ xin vào các cơ sở, công ty thuận lợi hơn, hoặc tự làm việc tại nhà khi có điều kiện.

Năm 2022, UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp năm 2022 đối với các trường, trung tâm và cơ sở tham gia hoạt động nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tổng chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp toàn tỉnh là 20.300 chỉ tiêu (chính quy, liên kết 20.000 chỉ tiêu; liên thông 300 chỉ tiêu). Trong đó, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập 13.200 chỉ tiêu (chính quy, liên kết 12.900 người; liên thông 300 người); còn lại cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập tuyển sinh tổng cộng 7.100 người.

Toàn tỉnh hiện có 2 trường cao đẳng nghề, 3 trường trung cấp, 6 trung tâm dạy nghề, 5 cơ sở khác có đào tạo nghề nghiệp. Trường Cao đẳng Nghề An Giang và Trường Cao đẳng Y tế An Giang còn liên thông đào tạo từ trung cấp lên cao đẳng 8 nghề. Năm nay, các trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp liên kết với các cơ sở đào tạo nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh đào tạo 4 ngành nghề chính: Thủy lợi tổng hợp, chăm sóc sắc đẹp, cấp thoát nước, công nghệ ôtô.

Nhu cầu của đào tạo nghề hiện nay còn rất lớn, đặt ra yêu cầu cho các cơ sở đào tạo cần có giải pháp để thu hút người học. Định hướng chung của các cơ sở đào tạo trong năm nay là tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. Đồng thời, tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo, chú trọng đào tạo theo thị trường để cung - cầu gặp nhau.

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích