Lợi ích truy xuất nguồn gốc sản phẩm

12/08/2024 - 06:56

 - Truy xuất nguồn gốc sản phẩm dần trở thành tiêu chuẩn quan trọng trong sản xuất - kinh doanh (SXKD), bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần mang lại những lợi ích thiết thực đối với cơ quan quản lý, doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng.

Dán tem truy xuất nguồn gốc lên xoài xuất khẩu. Ảnh: HẠNH CHÂU

Việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Đối với cơ sở sản xuất, khi áp dụng hệ thống tem truy xuất nguồn gốc sẽ quản lý được dòng hàng, bảo vệ thương hiệu, chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Với người tiêu dùng thì nhận biết được hàng thật, hàng giả; đồng thời tiếp cận được với những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, từ đó yên tâm trong lựa chọn, sử dụng. Tem truy xuất cũng giúp cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát tốt hơn từ khâu sản xuất đến lưu thông, tiêu thụ.

Mới đây, UBND tỉnh An Giang vừa ban hành Quyết định 238/QĐ-UBND phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu chính là xây dựng giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với ngành hàng rau, củ, quả.

Tính đến tháng 3/2024, hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, củ, quả trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự tham gia tích cực của 21 DN, cơ sở SXKD, tổ hợp tác, hợp tác xã với hơn 120 sản phẩm, đồng thời đã cấp trên 35.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, củ, quả.

Ngoài ra, ngày 21/6/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1450/QĐ-UBND phê duyệt Dự án xây dựng mô hình quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo. Mục tiêu chính là thiết lập được mô hình quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo trên cơ sở ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin; tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát chất lượng, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo từ khâu chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển đến kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Toàn bộ thông tin về trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, kiểm tra thú y và kinh doanh thịt heo được thiết lập thành chuỗi dữ liệu liên kết để phục vụ quá trình truy xuất của người tiêu dùng; thiết lập hồ sơ tham gia của các đơn vị, trong đó có cam kết về vận hành mô hình; liên kết, hợp tác SXKD.

Qua thông tin truy xuất, người tiêu dùng có thể đánh giá về nguồn gốc heo được chăn nuôi cũng như chứng nhận chất lượng của nguồn heo cung ứng; điều kiện, chứng nhận về cơ sở giết mổ theo quy định, thời điểm kiểm tra thú y và thông tin chi tiết về đơn vị kinh doanh. Kết quả từ năm 2018 đến tháng 3/2024, đã có 15 DN, hộ kinh doanh tham gia, đồng thời đã thực hiện cấp trên 5.000 tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt heo.

Cùng với đó, thực hiện Quyết định 100/QĐ-TTg, ngày 19/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 336/KHUBND, ngày 9/6/2020 về việc triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2020 - 2025.

Kể từ khi, hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả và thịt heo ra đời đã có sự tác động đáng kể đến phương thức kinh doanh truyền thống của các hộ tiểu thương. Qua đó, giúp nâng tầm giá trị sản phẩm, bảo vệ thương hiệu DN, đảm bảo chất lượng hàng hóa đến tay người tiêu dùng.

Là một người tiêu dùng, chị Trần Thị Mỹ Lan (TP. Châu Đốc) chia sẻ: “Chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh quét mã là tôi có thể biết được nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm cũng như quy trình sản xuất ra sản phẩm. Tôi cảm thấy yên tâm hơn khi sử dụng sản phẩm, nhất là các loại thực phẩm tươi sống, như: Trứng, thịt, cá, rau củ, trái cây…”.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Thùy Trang (TP. Long Xuyên) cho biết: “Tôi thường chọn mua sản phẩm có dán tem truy xuất nguồn gốc và tìm hiểu thông tin kỹ càng trước khi mua, nhất là sản phẩm dành cho trẻ em, vì tôi muốn con mình được dùng sản phẩm an toàn nhất”.

Cũng như chị Trang, chị Đỗ Thị Hồng Loan (TP. Long Xuyên) bày tỏ: “Việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong khâu mua sắm hàng hóa được đặt lên hàng đầu. Do đó, mỗi lần mua rau, trái cây, thịt… ở siêu thị tôi đều quét QR Code và kiểm tra tem dán trên các sản phẩm để biết rõ nguồn gốc xuất xứ. Việc nắm bắt được nguồn gốc sản phẩm sẽ giúp bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, tìm sản phẩm tốt của DN uy tín…” - chị Loan bộc bạch.

Việc dán tem truy xuất nguồn gốc đã tạo niềm tin của người tiêu dùng, hình thành thói quen tiêu dùng những sản phẩm an toàn và có địa chỉ tin cậy. Đây còn là giải pháp giúp nâng cao nhận thức của các DN, cơ sở SXKD, tổ hợp tác, hợp tác xã… sản xuất an toàn, minh bạch thông tin, tạo uy tín, nâng tầm thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

TRỌNG TÍN