Từ lúa…
Trước đây, nếu trồng lúa, nông dân đạt lợi nhuận thấp nhất từ 3 triệu đồng/công, nuôi cá tra đạt lợi nhuận từ 2.000-5.000 đồng/kg, trồng cây ăn trái, tùy vào sản phẩm xuất khẩu hay bán ở thị trường nội địa mà lợi nhuận trên mỗi công đất đạt từ 10 triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt, song lợi nhuận của nông dân trồng lúa, nuôi cá, trồng rau màu, cây ăn trái không tăng mà còn giảm.
“1 công lúa, nếu là đất nhà, nông dân chỉ đạt lợi nhuận từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng, còn đất thuê thì không còn lời. Bởi, 1 vụ lúa sản xuất khoảng thời gian 3 tháng, nếu mức lời dừng lại ở đây, nông dân chấp nhận bỏ đất còn hơn phải làm lụng vất vả mà hiệu quả kinh tế thấp. Từ đó, nhiều vùng sản xuất trên địa bàn tỉnh, nông dân mạnh dạn đầu tư, chuyển từ đất trồng lúa sang trồng các loại cây ăn trái khác...” - ông Nguyễn Văn Lến (nông dân xã Lê Chánh, TX. Tân Châu) phân tích.
Thu hoạch lúa
Hơn 9 tháng trước, khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine bùng nổ, tác động đầu tiên từ cuộc chiến này đối với thế giới là giá xăng, dầu “leo thang”. Đối với người nông dân, xăng, dầu là nhiên liệu dùng để chạy máy cày, máy kéo, máy suốt lúa... Khi nhiên liệu tăng, chi phí sản xuất ngay lập tức tăng theo. Có thời điểm, xăng tăng trên 30.000 đồng/lít, kéo theo giá cắt 1 công lúa (của máy gặt đập liên hợp) tăng gấp đôi so với trước.
Ngoài khâu cắt, khâu làm đất, thuê xe kéo vận chuyển lúa từ ruộng ra bờ kênh cũng tăng giá. Nếu trước đây, 1 công lúa đông xuân, sản xuất với chi phí từ 2,5 - 3 triệu đồng thì nay, chi phí này tăng lên gần gấp đôi, trong khi giá lúa tăng theo từng thời điểm và tăng không đáng kể.
Trước thực trạng này, nhiều nông dân ở huyện Thoại Sơn, Chợ Mới, An Phú, Châu Phú và TX. Tân Châu đã chuyển đất lúa sang trồng cây sen để thu hoạch ngó, hái bông, gương sen... Còn nông dân huyện Phú Tân thì chuyển đất lúa thành đất vườn để trồng rau màu, cây có múi (bưởi, sầu riêng…).
“Nông dân bây giờ không còn chờ nhà nước phát động trồng cây gì, nuôi con gì. Bà con đã chủ động tìm hiểu thông tin, nghiên cứu kỹ thị trường và quyết định chuyển đổi, miễn sao trồng hay nuôi mà sản phẩm bán được là tốt. Từ thực tiễn sản xuất thời gian qua, chúng tôi nhận ra những hạn chế trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, trồng nhiều, nuôi nhiều nhưng bán không có giá, thị trường luôn biến động. Trồng ít, nuôi ít nhưng bán có giá. Nhận thức là vậy nhưng thực hiện không phải dễ…” - bà Trần Thị Lệ (xã Phú Thạnh, huyện Phú Tân) phân tích.
…đến cá
Lợi nhuận từ sản phẩm nông nghiệp giảm đáng kể, ngoài nguyên nhân giá vật tư tăng cao, một yếu tố khác tác động đến hiệu quả sản xuất, đó là tình trạng biến đổi khí hậu bất thường, các hình thái thời tiết cực đoan diễn ra thường xuyên. Đối với những người chăn nuôi cá, bò, heo, gà, thời tiết trong ngày thay đổi liên tục là điều rất bất lợi. Cụ thể, trên cá tra giống, khi ban ngày trời nắng, nhiệt độ 300C nhưng buổi chiều có mưa giông, nhiệt độ nước trong ao giảm nhanh, cá không thích nghi kịp, dễ sinh ra dịch bệnh. Cá bị bệnh, nông dân sử dụng các loại thuốc kháng sinh để điều trị, đồng thời bổ sung thêm men tiêu hóa, vitamin C cho cá khỏe, việc này làm chi phí nuôi phát sinh, tăng cao.
Nhiều hộ nuôi cá giống vẫn đeo bám nghề, chờ thị trường ổn định
Hơn 2 năm qua, khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, tất cả mặt hàng nhập khẩu, giá cả tăng mạnh. Cụ thể, các loại kháng sinh, như: Ampi, Amox… trước năm 2018, giá chỉ 400.000 đồng/kg, nay tăng lên 600.000 đồng/kg. Có thời điểm giá tăng nhưng mua thuốc thú y thủy sản không có. Lợi nhuận từ sản phẩm nông nghiệp giảm đáng kể, người trồng lúa, nuôi cá gặp khó. “Những năm 2000-2010, Chính phủ đưa ra mức lợi nhuận mong muốn cho mỗi vụ sản xuất, nông dân lời ít nhất 10%. Nay, thị trường có nhiều biến động, giá cả vật tư đầu vào tăng cao, mức lợi nhuận ấy trở nên xa vời với người trồng lúa…” - ông Lến cho biết.
Gia đình ông Lến có 6 thành viên, cha mẹ để lại 3 công ruộng. Trước năm 2000, vùng đất xã Lê Chánh còn nhiều tôm, cá, sản xuất lúa chỉ 1-2 vụ. Nay, nhiều khu vực chủ động đê bao, nông dân tại đây sản xuất 3 vụ/năm. Sản xuất nhiều nhưng lợi nhuận giảm, những hộ ruộng ít như ông Lến đành gác lại chuyện đồng áng, kéo gia đình lên tỉnh Bình Dương để làm công nhân, tìm kế sinh nhai.
Còn hộ ông Nguyễn Văn Mãi (xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu), có nghề ương nuôi cá tra bột. Trong 2 năm (2017 và 2018), cá tra thịt có giá lên đến 32.000 đồng/kg, nghề nuôi cá giống cũng “ăn theo”. Thừa thắng xông lên, bước sang năm 2019, 2020, đại dịch COVID-19 xảy ra, giá cá thịt rớt “không phanh”, người nuôi cá tra thịt lẫn cá tra giống thua lỗ nặng, nợ ngân hàng không thể trả nổi, nhiều hộ bán đất, bán nhà, bỏ lên tỉnh Bình Dương tìm cơ hội mới.
“Tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh xưa là vùng “đất hứa”. Nay, các công ty may mặc, da giày không có đơn hàng, trong tuần duy trì sản xuất từ 1-2 ngày, đời sống người lao động gặp khó. Một số lao động đã rời công ty, trở về quê kiếm sống...” - bà Trần Thị Lệ (vợ ông Mãi) thông tin. Hiện nay, nhiều công ty ở các khu công nghiệp thu gọn quy mô sản xuất, sa thải công nhân, khiến người lao động đã khó, nay càng khó hơn. Kinh tế toàn cầu bước vào suy thoái, tìm kiếm việc làm ổn định ngày càng khó, bà con đành trở về quê kiếm sống.
Lợi nhuận từ sản phẩm nông nghiệp giảm đáng kể, phát sinh nhiều vấn đề cần được giải quyết, đây là thực trạng nhà nước cần có giải pháp trước mắt cũng như lâu dài, giúp nông dân ly nông nhưng không ly hương.
MINH HIỂN