Vụ hè thu, thu đông những năm qua, năng suất cây trồng (tiêu biểu là cây lúa) giảm đáng kể so với 20 năm trước. Năng suất giảm, chất lượng không tăng. Nguyên nhân là do sản xuất liên vụ (3 vụ/năm) khiến đất bị bạc màu. Trước thực trạng này, để đạt năng suất mong muốn, nông dân sử dụng rất nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Cách thức sản xuất này tiếp tục làm hại đất, làm nghèo nông dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền nông nghiệp vốn dĩ là thế mạnh của đất nước.
“Trước đây, gia đình tôi trồng lúa mùa nổi. Thu hoạch lúa xong, quay ngang tát đìa để ăn Tết. Sống như thế mà con người lúc nào cũng khỏe mạnh, thư thái. Nay, từ 1 vụ chuyển lên 3 vụ, nông dân thực hiện nhiều mô hình sản xuất khác nhau.
Đời sống lẽ ra phải ngày một nâng lên, đằng này đất ruộng có nhiều công thì phải bán bớt vì thua lỗ” - bà Trịnh Thị Lài (ngụ xã Long An) bức xúc. Nhiều nông dân cũng buồn bực tương tự. Thời gian lao động trên đồng ruộng nhiều, nhưng hiệu quả mang lại không nhiều, không tương xứng với công sức bỏ ra. Nhiều thanh niên rời bỏ đồng ruộng, lên tỉnh Bình Dương, Đồng Nai tìm kiếm công việc khác để mưu sinh.
Năng suất lúa nâng lên nhờ đồng ruộng có nhiều phù sa
Nhìn thấy thực trạng này, Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã trăn trở, suy nghĩ, tìm giải pháp tháo gỡ. Trước mắt, để giải quyết bài toán sản xuất nhiều nhưng bán không được, thị xã đề ra chủ trương đẩy mạnh liên kết, vận động doanh nghiệp, nông dân vào “sân chơi chung” - thông qua mô hình kinh tế hợp tác.
UBND thị xã phát triển hợp tác xã; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; cơ cấu lại mùa vụ sản xuất phù hợp tình hình thực tiễn. Quy hoạch lại 8 vùng sản xuất trên địa bàn theo hướng luân phiên xả lũ, đưa phù sa vào đồng ruộng, cải tạo môi trường trong vùng đê bao, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất của nông dân.
Chủ trương luân phiên xả lũ với thời gian sản xuất “3 năm 8 vụ” ra đời. “Từ khi thị xã có chủ trương này, đồng ruộng được phù sa bù đắp trở lại, năng suất cây trồng được cải thiện. Cùng với đó, chính quyền địa phương khuyến khích, hướng dẫn nông dân sản xuất theo mô hình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”. Nông dân tiết kiệm được giống, vật tư, nước, ngày công lao động. Từ đó năng suất, lợi nhuận tăng, đầu ra thuận tiện…” - ông Trần Văn Ơn (ngụ xã Phú Vĩnh) phân tích.
Chủ trương phát huy hiệu quả, giúp nhà nông nhanh chóng chuyển đổi tư duy sản xuất, bán cái thị trường cần, không bán cái mình có, cùng nhau đi vào con đường làm ăn hợp tác để đầu ra tốt hơn. Họ mạnh dạn chuyển đổi tập quán sản xuất, từ sử dụng nhiều phân bón, thuốc hóa học sang hạn chế; đẩy mạnh cải tạo đất bằng các loại phân hữu cơ vi sinh, làm giàu dinh dưỡng, cải thiện môi trường trong vùng đê bao.
Sau chủ trương sản xuất “3 năm 8 vụ”, mới đây UBND TX. Tân Châu ban hành kế hoạch sản xuất “2 năm 5 vụ” cho giai đoạn 2023-2027, nông dân trên địa bàn rất đồng tình. “Việc này phù hợp với lòng dân, với tình hình thực tiễn sản xuất trên địa bàn. Làm ít mà hiệu quả cao, còn hơn làm nhiều mà hiệu quả thấp…” - ông Ơn phấn khởi.
Theo ông Ơn, vụ 3 (hay còn gọi là vụ thu đông) rơi vào thời điểm mùa lũ về, mang nhiều phù sa, tôm cá về cho người dân. Vì vậy, thời gian này cần cho đất nghỉ ngơi, khai thác lợi thế của lũ để sinh sống. Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Đặng Văn Nê cho biết, mục đích của việc ban hành kế hoạch sản xuất “2 năm 5 vụ” là nhằm tái tạo phù sa cho đất canh tác, điều chỉnh lại lịch thời vụ, hạn chế sự suy thoái của đất, giảm đối tượng gây hại trên cây trồng trước diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu…
Luân phiên xả lũ, cho đất nghỉ ngơi là chủ trương đúng cần được nhân rộng tại các địa phương. Bởi, có phù sa vào bồi đắp cho đồng ruộng thì năng suất, chất lượng cây trồng mới được nâng lên.
“Thời gian qua, tổ chức thâm canh tăng vụ, sản xuất 2 vụ, rồi 3 vụ lúa/năm, dẫn đến tình trạng nông dân lạm dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học để tăng năng suất. Hệ quả là môi trường đất, nước và hệ sinh thái bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các vùng bờ bao không được xả lũ khiến môi trường ngày một tù túng, ô nhiễm, sản xuất của nông dân không đạt hiệu quả” - Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Đặng Văn Nê nhận định.
|
MINH HIỂN