Mang hoa Đà Lạt về trồng trong nhà kính

19/07/2022 - 07:07

 - Nhạy bén nắm bắt tình hình, nhu cầu thị trường đã giúp chàng trai trẻ Hak Yan (ngụ xã Vĩnh Châu, TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) xây dựng được chuỗi cung ứng các loại dưa lê, dưa lưới ở địa phương. Việc đa dạng các loại cây trồng trên cùng một diện tích đất, lấy ngắn nuôi dài, kết nối được với đầu mối tiêu thụ đã mang lại hiệu quả kinh tế tích cực.

Tận dụng diện tích đất trống, Hak Yan còn trồng thêm hoa vạn thọ bán cho các cửa hàng hoa ở địa phương

Xây dựng 3 nhà kính rộng 3.000m2 để canh tác dưa lưới, dưa lê, liên kết tiêu thụ với các nông dân trong và ngoài địa phương, giúp Hak Yan có đủ nguồn cung cho cả TP. Châu Đốc. Bên cạnh đó, việc mở thêm cửa hàng kinh doanh các loại trái cây ở trung tâm TP. Châu Đốc, phát triển mạnh thêm mảng bán hàng trực tuyến (online) đã giúp Hak Yan có thêm nhiều khách hàng lẻ và sỉ.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, nhận thấy dưa lưới không được giá, Hak Yan nhạy bén chuyển đổi, mang hơn chục loại hoa có nguồn gốc từ TP. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) về trồng trong nhà kính. Hak Yan cho biết, khi mua cây hoa giống, sẽ được nơi bán chuyển giao và hỗ trợ kỹ thuật trong suốt quá trình chăm sóc nên khá yên tâm. Việc trồng hoa trong nhà kính sẽ giúp ngăn chặn được sâu bọ tấn công, hạn chế sự ảnh hưởng của thời tiết, bởi vậy dù mới chỉ trồng hơn 1 tháng nhưng các loại hoa phát triển tươi tốt. Hiện tại, Hak Yan đã đưa hoa vào trồng ở 2 nhà kính rộng 2.000m2, còn 1 nhà kính còn lại vừa mới thu hoạch xong dưa lưới, đang chuẩn bị làm đất để tiếp tục trồng hoa.

“Hiện tại, tôi trồng các loại hoa cúc, như: Cúc mai vàng, cúc mai cam, cúc mâm xôi, cúc lưới, ngoài ra còn có hoa đồng tiền, hoa ly ly… Trong mỗi nhà kính, tôi chia thành nhiều luống, mỗi loại hoa sẽ được trồng từ 2-3 luống, cách nhau từ 3-4 ngày. Với cách làm này, tôi sẽ đa dạng được các loại hoa trong việc cung ứng hoa ra thị trường mỗi ngày” - Hak Yan chia sẻ.

Trước khi trồng hoa, nhà kính chủ yếu trồng dưa lưới, dưa lê nên nền đất rất sạch và nhiều dinh dưỡng, do vậy hoa phát triển rất tốt. Ngoài ra, nhằm kích thích sự tăng trưởng cho hoa tự nhiên, Hak Yan còn áp dụng kỹ thuật treo đèn trong nhà kính. Mỗi đêm, chong đèn khoảng 5 giờ và kéo dài từ lúc mới bắt đầu trồng đến khi cây được 1,5 tháng. Đây đều là những loại hoa ưa sáng, mỗi ngày phải cần 14-15 giờ chiếu sáng. Hak Yan sử dụng chủ yếu là bóng đèn led để chiếu sáng mỗi đêm, nên khá tiết kiệm điện. Với cách làm này giúp thân cây hoa lớn nhanh, cao, lúc cắt hoa sẽ đẹp và dễ bán hơn.

“Lúc mới mang hoa về trồng, trong 2-3 ngày đầu, cây con nằm rũ rượi, tôi nghĩ cây sẽ không sống được. Tuy nhiên, lúc điện thoại cho người bán thì được giải thích đó là điều bình thường trong những ngày mới trồng, khoảng 1 tuần, khi cây thích ứng sẽ tốt nhanh lắm. Vài ngày sau, cây con vươn thẳng lên, bắt đất, hấp thụ nước và tươi tốt tới giờ, tỷ lệ hao hụt rất ít” - Hak Yan phấn khởi nói.

Thời tiết mấy ngày gần đây mưa nhiều, nhưng nhờ được trồng trong nhà kính nên vườn hoa của Hak Yan vẫn tươi tốt, không bị đổ ngã hay ngập nước làm ảnh hưởng đến sự phát triển của hoa. “Các loại hoa này đều không chịu được nước nhiều, nên hệ thống tưới nhỏ giọt cho dưa lưới không sử dụng được mà phải thay hệ thống tưới phun tự động. Tôi hẹn giờ sẵn, cứ đến giờ là cây hoa sẽ được tưới trong thời gian cài đặt, nên nhẹ công chăm sóc” - Hak Yan giải thích thêm.

Cái hay của Hak Yan là nhìn nhận được thị trường, khi thấy loại nông sản nào có nhiều, giá giảm sẽ ngừng canh tác, tạm chuyển đổi sang cây trồng khác. Đến khi thấy thị trường có tín hiệu tốt sẽ phát triển trở lại. Theo Hak Yan, với cây dưa lưới trồng trong nhà kính, một năm trồng được 3 vụ, khi thấy vụ nào giá thấp sẽ tạm ngưng, đến khi có giá như vụ Tết sẽ bắt tay canh tác lại. Với cách làm này sẽ giúp hạn chế rủi ro hơn, vì cây dưa lưới đòi hỏi chi phí đầu tư cao, mỗi vụ cần khoảng 30 triệu đồng, nên phải tính toán kỹ mới có được lợi nhuận như mong muốn.

Chia sẻ về ý tưởng mang các loại hoa ở Đà Lạt về địa phương để phát triển, Hak Yan cho biết: “Hiện tại, tôi đã kết nối được với một chuỗi cung ứng hoa ở Campuchia, thời gian qua tôi phải lấy hoa ở Đà Lạt về để chuyển qua đó, phát sinh rất nhiều chi phí. Tôi nghĩ, thị trường mình có, việc trồng hoa cũng được chuyển giao kỹ thuật, thêm lợi thế là 3 nhà kính rộng rãi, nên hoàn toàn có thể tự trồng và cung cấp hoa sang Campuchia. Lúc đó, mình sẽ là người quyết định được lợi nhuận, không phải mất thêm những loại chi phí khác”.

Diện tích đất nhà rộng 3ha, ngoài 3.000m2 xây dựng nhà kính trồng dưa lưới, còn lại được gia đình Hak Yan trồng sầu riêng, mít Thái, măng cụt. Nhìn vườn sầu riêng rộng 2ha, với 200 gốc sầu riêng giống Monthong 4 năm tuổi phát triển xanh tốt mới thấy được sự mạnh dạn đầu tư của người nông dân. “Vườn sầu riêng này là tâm huyết của 2 cha con. Trước khi trồng, cha tôi đến các vùng chuyên canh sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long để tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Sau đó, chọn nơi bán cây giống uy tín, mang về phát triển. Khi đó, vừa trồng sầu riêng, vừa trồng mít Thái, với mục đích lấy ngắn nuôi dài, vì mít Thái chỉ sau 18 tháng trồng sẽ cho thu hoạch” - Hak Yan giải thích.

Đến nay, khi cây sầu riêng vươn tàn, tạo tán rộng thì đốn mít Thái bỏ, tạo điều kiện cho sầu riêng phát triển tốt hơn. Trong quá trình canh tác, chăm sóc vườn sầu riêng, gia đình Hak Yan sử dụng phân sinh học, đất được kiểm tra, bổ sung PH thường xuyên. Đến thời điểm gần Tết, sẽ bắt đầu kích thích cho sầu riêng ra đợt trái đầu tiên, cung ứng ra thị trường.

ÁNH NGUYÊN