Mở rộng không gian du lịch ĐBSCL

03/04/2023 - 02:39

ĐBSCL được xem là đồng bằng rộng lớn, phì nhiêu bậc nhất Đông Nam Á. Cùng với diện tích tự nhiên khoảng 40.000km2, ĐBSCL có khí hậu nhiệt đới ôn hòa (trung bình 24-27oC), thuận lợi cho nhiều loại cây trái, thủy sản nước ngọt phát triển. Khi liên kết khai thác du lịch (DL) gắn với văn hóa sông nước miền Tây, không gian DL sẽ rộng mở hơn.

Đặc thù hấp dẫn

Dòng Mekong đổ vào Việt Nam, chia thành 2 nhánh chính là sông Tiền và sông Hậu. Hàng trăm con sông, kênh, rạch lớn nhỏ kết nối vào sông Tiền, sông Hậu rồi đổ vào 9 cửa sông ra biển. Tên gọi Cửu Long gắn với nền văn minh sông nước, văn minh miệt vườn, tạo nên đặc sắc, là tài nguyên văn hóa cốt lõi của miền Tây Nam Bộ. ĐBSCL cũng rất ít khi chịu ảnh hưởng thiên tai, ngay cả lũ lụt cũng là mùa nước nổi êm đềm.

Đặc trưng văn hóa sông nước ĐBSCL được biểu hiện đa dạng trên toàn bộ đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của cộng đồng cư dân, từ đi lại cho đến lao động sản xuất, văn hóa ẩm thực. Vào mùa nước nổi, nhiều loại cua, cá lên đồng, được đánh bắt bằng nhiều loại ngư cụ, như: Đăng, đó, lọp, lờ, xà di, bung, dớn…

Những sản vật mùa nước như cá linh, cá lóc, rô, trê, lươn, ốc, cua đồng… khi kết hợp với bông súng, rau muống, điên điển, rau dừa, rau ngổ… có sẵn trên đồng nước tạo thành những món cháo, lẩu, mắm, món kho, món nướng, món chiên… đậm chất miền Tây, rất khó quên đối với du khách từng một lần thưởng thức.

Ngày nay, ĐBSCL đã hình thành được nhiều vườn cây ăn trái, vùng chuyên canh nuôi trồng thủy sản, những làng nghề độc đáo. Theo GS Trần Ngọc Thêm, nét đẹp riêng của ĐBSCL còn là chợ nổi, một loại hình chợ họp trên sông, nơi cả người bán và người mua đều dùng ghe, xuồng làm phương tiện vận tải và di chuyển.

Nhiều chợ nổi đã trở thành thương hiệu, được du khách ưa thích khám phá, như: Cái Bè (Tiền Giang), Cái Răng (Cần Thơ), Vàm Láng (Phong Điền), Ngã Bảy (Hậu Giang), Gành Hào (Cà Mau), Vĩnh Thuận (Kiên Giang), Long Xuyên (An Giang)…

Chợ nổi là một không gian kinh tế sông nước đặc trưng chỉ có riêng ở vùng ĐBSCL, khi kết hợp với vườn cây, ẩm thực, làng nghề, lễ hội dân gian, không gian đờn ca tài tử… sẽ tạo nên lợi thế DL độc đáo, có tính cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, khi kết hợp thêm lợi thế biển, đảo từ Kiên Giang đến mũi Cà Mau; lợi thế rừng U Minh Thượng, U Minh Hạ; lợi thế rừng tràm, văn hóa tâm linh Bà Chúa Xứ núi Sam, dãy Thất Sơn huyền bí của An Giang… thì dư địa khai thác DL càng cao hơn.

Liên kết phát triển

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển DL vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, không gian phát triển DL vùng ĐBSCL được chia thành 2 khu vực. Trong đó, không gian DL phía Tây bao gồm TP. Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Định hướng của không gian DL phía Tây là khai thác sản phẩm DL đặc trưng: Tham quan đất Mũi, Tây Đô; nghỉ dưỡng biển, đảo; sinh thái; trải nghiệm đời sống sông nước, chợ nổi; nghiên cứu tìm hiểu văn hóa, di tích lịch sử, lễ hội.

Đối với không gian DL phía Đông, gồm các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh, định hướng khai thác sản phẩm DL đặc trưng: Nghiên cứu đời sống sông nước, miệt vườn; tham quan làng nghề, các di tích lịch sử, cách mạng; lưu trú tại nhà dân (homestay).

Thực tế, việc xây dựng, quy hoạch các tuyến, điểm DL vùng mang tính trọng điểm để ĐBSCL trở thành điểm DL bền vững đang được triển khai và mở rộng. Đến nay, một số địa phương là trọng điểm DL trên cả nước đã triển khai nhiều chương trình ký kết, liên kết hợp tác, như: Liên kết xúc tiến, đầu tư và DL An Giang - Hà Nội; liên kết phát triển DL TP. Hồ Chí Minh với 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL... Nhờ đó, hoạt động DL tại các địa phương trong vùng đang “hồi sinh” tích cực sau đại dịch COVID-19.

Nhiều chuyên gia cho rằng, du khách đến ĐBSCL rất thích khám phá các vườn trái cây, tham quan chợ nổi, đi thăm các cù lao, du thuyền trên sông… Tuy nhiên, nếu mỗi địa phương đều thực hiện công thức quen thuộc là đi xuồng vào các kênh, rạch, tham quan vườn trái cây, làng nghề truyền thống, nghe đờn ca tài tử… thì dễ gây nhàm chán.

Do vậy, cần ưu tiên phát triển bền vững các sản phẩm, mô hình DL đặc thù của từng địa phương, tránh rập khuôn, bắt chước nhau. Doanh nghiệp DL các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cần liên kết với doanh nghiệp lữ hành của TP. Hồ Chí Minh và các vùng, miền khác đưa du khách đến khám phá các loại hình DL nông nghiệp, nông thôn, sinh thái, nghỉ dưỡng, DL tâm linh vùng Bảy Núi… theo hướng chia sẻ lợi thế của từng địa phương. Các doanh nghiệp, ngành chức năng phối hợp xây dựng tour, tuyến DL khám phá, trải nghiệm dài ngày quanh các tỉnh, thành phố ĐBSCL để khai thác dư địa phát triển, khuyến khích du khách “móc hầu bao” chi trả cho các dịch vụ về đêm, mua sắm sản phẩm…

Theo các chuyên gia kinh tế, các cơ quan quản lý DL, doanh nghiệp DL vùng ĐBSCL cần tận dụng tối đa công nghệ số trong hoạt động xúc tiến DL. Trong đó, cần tập trung đầu tư quảng bá thông tin DL, địa điểm DL sông nước ĐBSCL thông qua các kênh vlog, video phát trực tiếp, các mạng xã hội (Zalo, Facebook, YouTube, TikTok…).

Đồng thời, khai thác ưu thế của mạng xã hội để giới thiệu thế mạnh DL, di tích văn hóa, lịch sử, thắng cảnh sông nước vùng ĐBSCL; triển khai nội dung giới thiệu điểm đến qua hệ thống quét mã QR. Ngoài ra, cần đầu tư xây dựng website có tính trải nghiệm cao, đặc biệt là sử dụng công nghệ thực tế ảo (VR), hình ảnh 360 độ, liên kết TikTok trong hoạt động giới thiệu tuyến, điểm, sản phẩm DL như An Giang đang thực hiện…

Các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cần xây dựng các phần mềm, tiện ích hỗ trợ du khách, các trạm thông tin DL thông minh tại điểm tham quan, di tích, thắng cảnh… Đồng thời, liên kết và chia sẻ lợi ích với các doanh nghiệp DL, lữ hành trong việc nối tour, tuyến DL sông nước, rừng, biển, đảo, đồi núi đặc thù, khai thác lợi thế mỗi tỉnh, nhưng không cạnh tranh, giẫm chân nhau.

HOÀNG XUÂN