Mỗi gia đình, cá nhân cùng tham gia phòng, chống virus Corona

12/02/2020 - 08:03

 - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra, UBND tỉnh An Giang đã ban hành văn bản cho phép học sinh nghỉ học từ ngày 3 đến 16-2. Hơn bao giờ hết, phụ huynh học sinh tích cực phối hợp nhà trường thực hiện tốt việc quản lý học sinh trong thời gian tạm nghỉ, chủ động thực hiện các biện pháp để góp phần phòng, chống dịch bệnh nCoV hiệu quả.

Trong khi tình hình dịch bệnh nCoV diễn biến phức tạp, số cas nhiễm và tử vong trên thế giới tăng, thì việc nắm vững các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để chủ động phòng tránh hiệu quả, không hoang mang là vấn đề rất quan trọng. Là nhân viên một công ty tư nhân ở TP. Long Xuyên, chị Trần Phương Thúy (phường Mỹ Long) khá vất vả trong những ngày qua do phải chăm sóc 2 cháu nhỏ (học lớp 2 và lớp chồi).

“Thường ngày, mình gửi bé học bán trú, chiều mới rước về. Từ sau Tết đến nay, do phòng ngừa dịch bệnh virus Corona nên học sinh đều được nghỉ, vợ chồng mình vất vả lắm. Sau Tết nên công việc ở công ty khá nhiều, nhưng phải dành thời gian chăm sóc 2 đứa con nhỏ. Vợ chồng phải nhờ bà con ở dưới quê lên hỗ trợ tiếp, mới ổn định được phần nào”, chị Thúy cho biết.

Tăng cường vệ sinh trường lớp, đồ dùng dạy học và làm sạch đồ chơi trẻ em để ngăn ngừa dịch bệnh hiệu quả

Không phải ai cũng tìm được người để hỗ trợ chăm sóc con cái trong lúc khó khăn đột xuất như gia đình chị Thúy. Bởi, ít ai chịu giúp việc trong 1-2 tuần, mà ít nhất cũng phải vài tháng. Khó khăn là vậy, nhưng các phụ huynh vẫn cố gắng thu xếp.

“Tuy mọi hoạt động hầu như “đảo lộn” nhưng mình rất yên tâm vì các con được chăm lo ở nhà, được đảm bảo vệ sinh, hạn chế đến những nơi đông người… Trong chế độ ăn uống hàng ngày còn bổ sung thêm cho đủ chất và tăng cường thêm các loại rau xanh, trái cây để tăng sức đề kháng cho cơ thể” - anh Lê Thanh Sơn (nhân viên một ngân hàng ở TP. Long Xuyên) chia sẻ.

Những ngày qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, tăng cường phối hợp ngành y tế hướng dẫn chuyên môn về công tác phòng, chống dịch bệnh nCoV, công tác y tế học đường. Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản cho phép học sinh nghỉ học từ ngày 3 đến 16-2. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, phun xịt khử khuẩn, vệ sinh trường lớp.

Cùng với đó, phối hợp các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện tăng cường công tác giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại trường mầm non, phổ thông, cơ sở giáo dục, nhóm trẻ gia đình… và yêu cầu các cơ sở giáo dục trang bị đầy đủ dụng cụ rửa tay, xà bông, nước sạch; thực hiện vệ sinh trường lớp, làm sạch bề mặt bàn ghế và đồ chơi hàng ngày bằng xà bông hoặc các chất tẩy rửa thông thường…

Vậy là kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, học sinh được nghỉ trong khoảng thời gian 4 tuần lễ. Điều lo ngại là nếu tình huống phải nghỉ học thêm để chống dịch thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nội dung chương trình, nhất là học sinh tiểu học sẽ dễ quên kiến thức do thời gian nghỉ quá lâu.

Ngày 5-2, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, trong trường hợp cần thiết, thời gian kết thúc năm học 2019-2020 có thể chậm hơn so với khung kế hoạch thời gian năm học đã ban hành. Bộ GD&ĐT đã có văn bản yêu cầu các Sở GD&ĐT yêu cầu nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học bù cho học sinh sau thời gian tạm nghỉ; các trường có thể bố trí thời gian học bù ngoài giờ học chính khóa (học thứ bảy, chủ nhật...) tùy vào tình hình thực tế.

Thiết nghĩ, ngành GD&ĐT cần có phương án giúp học sinh củng cố kiến thức trong thời gian nghỉ để phòng, chống dịch bệnh, như: yêu cầu giáo viên sử dụng tin nhắn qua zalo, facebook, sổ liên lạc điện tử… trao đổi các nội dung cần ôn tập tại nhà cho học sinh; định hướng các nội dung cần thiết để phụ huynh củng cố kiến thức ngay tại nhà cho học sinh bậc tiểu học, THCS…

Với sự đồng hành của gia đình và nhà trường sẽ góp phần thực hiện được mục tiêu kép là vừa chống dịch hiệu quả, vừa giúp học sinh củng cố kiến thức trong thời gian nghỉ để phòng, chống dịch bệnh nCoV.

HỮU HUYNH