Món ngon dân dã miền Tây

01/11/2022 - 05:58

 - Miền Tây không chỉ được biết đến vì có những con người hào sảng, chân chất, thật thà và cực kỳ hiếu khách, mà đây còn là nơi có vô vàn món ăn đồng quê dân dã, hương vị đậm đà, khó quên.

 

Món ăn được bày biện trên lá sen hoặc lá chuối càng tôn thêm nét dân dã của miền Tây

An Giang là một tỉnh thuộc miền Tây Nam Bộ, nằm ở vùng đầu nguồn ĐBSCL nên được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều sản vật để chế biến nên những món ngon dân dã. Thời điểm này, An Giang đang trong mùa nước nổi. Năm nay, nước lớn tràn đồng, sản vật do con nước mang về phong phú hơn, trong đó phải nhắc đến những món ăn chế biến từ cá linh - cái tên tạo nên “thương hiệu” của mùa nước nổi miền Tây. Từ thượng nguồn sông Mekong, con cá linh theo dòng phù sa đến với miền Tây, trên thủy trình trôi dạt từ thượng nguồn, cá linh vừa đi vừa lớn, vừa sinh sản.

Theo từng giai đoạn phát triển, cá linh có thể chế biến thành nhiều món ăn đa dạng. Đầu mùa nước nổi, cá linh non bé như đầu đũa, xương còn mềm, được các đầu bếp đem chiên bột, kho me, kho mắm ăn cùng bông súng, bông điên điển... Cá linh lớn hơn một chút được xay thịt làm chả hoặc nấu canh chua đậm đà vị chua ngọt đặc trưng của người miền Tây.

Ở giai đoạn cuối mùa nước nổi, cá linh lớn, thịt đầy hơn nên được ưu tiên chế biến món nướng để giữ nguyên vị ngọt của cá. Đây là cách chế biến đơn giản nhất, chỉ cần rửa sạch cá, để ráo nước rồi cho lên bếp than, khi da cá chuyển sang vàng nâu, cháy xém là món ngon đã hoàn thành.

Món cá nướng phải thưởng thức ngay khi còn nóng cùng với các loại rau đồng và chấm nước mắm me. Độ dai, thơm, ngọt béo, nóng hổi của cá nướng hòa cùng vị chua chua, mặn mặn của nước chấm và các loại rau đồng tạo nên chất vị dung hòa, mộc mạc của miền quê, làm say lòng thực khách ngay lần đầu thưởng thức.

Một món ăn dân dã khác của người miền Tây là chuột đồng. Món ăn này không phải ai cũng dám thử, nhưng nếu đã từng nếm qua vị thịt dai ngọt, hương vị thơm ngon của các món ăn chế biến từ chuột đồng, chắc chắn thực khách sẽ muốn được thưởng thức thêm vài lần nữa. Chuột đồng có thể chế biến nhiều cách, như: Đem phơi 1 nắng rồi chiên, khìa nước dừa, xào với rau răm hoặc quay lu…

Dù chuột đồng được chế biến thành bất kỳ món ăn nào cũng đều tỏa mùi thơm cực kỳ kích thích khứu giác, dậy vị và rất bắt cơm. Để chế biến món chuột đồng ít tốn thời gian mà vẫn giữ được hương vị đồng quê nhất, người ta thường tẩm ướp thịt chuột với một ít gia vị cho thấm đều, sau đó đem nướng trên bếp than hồng, đến khi thịt chuột chuyển sang màu cánh gián, dậy mùi thơm là món ăn đã chín.

Nếu món cá linh phải chờ đến mùa nước nổi mới được thưởng thức thì thịt chuột đồng có quanh năm. Ông Nguyễn Văn Thành (nông dân ngụ xã Phú Bình, huyện Phú Tân) cho biết: “Để bắt chuột, mùa khô người ta thường đặt bẫy quanh hang chuột ẩn nấp, mùa lúa thì bẫy chuột theo dấu chân trên đường chúng đi ăn lúa để lại, đến mùa nước nổi thì săn chuột theo các bụi cây rậm cách mặt nước. Thịt chuột ngon nhất vào mùa lúa trổ cho đến khi thu hoạch, bởi lúc này chuột no lúa nên mập mạp, chế biến món gì cũng ngon”.

Chính vì món ăn chế biến từ chuột đồng vô cùng hấp dẫn nên thịt chuột đồng được bán phổ biến tại các khu chợ trên địa bàn tỉnh An Giang. Đặc biệt, tại xã Bình Long (huyện Châu Phú) còn có “làng chuột” Phù Dật chuyên săn bắt và thu mua chuột đồng sống rồi làm thịt, ướp nước đá, mang đi phân phối khắp các chợ đầu mối trong tỉnh và các tỉnh ĐBSCL, có khi còn giao cho bạn hàng đem bán ở tỉnh Bình Dương. Nghề làm chuột của ngôi làng này có từ rất lâu, thời điểm “hưng thịnh” nhất của “làng chuột” khoảng năm 1995-2000. Hiện nay, nghề làm chuột tại đây đã truyền đến đời con, đời cháu.

Không chỉ có món ngon từ cá linh, chuột đồng, miền Tây còn tạo ấn tượng với khách phương xa bởi những món ăn được chế biến theo cách mộc mạc, đơn giản nhất, như: Ếch nướng nguyên da trên lửa than cháy vừa, sao cho ếch chín nhưng vẫn giữ được độ giòn, dai mà da không bị cháy; món cá lóc nướng trui bằng cách xiên que gỗ ngang thân cá, cắm xuống đất, phủ rơm xung quanh, đốt lửa nướng cho đến khi cá chín, sau đó cạo sạch lớp than bám trên cá rồi mang lên bày trí, khi ăn cuộn trong bánh tráng, kèm các loại rau, ít bún, chấm với nước mắm tỏi ớt, chua ngọt.

Những món ăn dân dã miền Tây là sự kết tinh ẩm thực qua bao thế thệ của người dân sống ở miền sông nước, gắn bó với nông nghiệp. Sau những giờ lao động vất vả trên đồng ruộng, buổi chiều người nông dân mang về nhà vài con cá hay mớ chuột đồng bẫy được trên ruộng để chế biến món ăn. Dù đơn sơ, dân dã nhưng mang đậm hồn quê! 

MỸ LINH