Món ngon truyền thống ngày Tết

27/12/2022 - 07:16

 - Tết, trong ký ức người sống ở miền quê là hình ảnh người mẹ, người chị khéo léo chuẩn bị từng món ngon. Năm tháng dần trôi, nếp sống công nghiệp len lỏi, nhiều gia đình quen dần với thực phẩm công nghiệp làm sẵn. Nhưng vẫn có gia đình muốn níu kéo hương vị ngày Tết, gợi lại không khí Tết xưa qua món ăn đặc trưng.

Gần bước sang tháng Chạp, nhiều gia đình ở quê rục rịch chuẩn bị dưa kiệu, dưa hành. Họ tranh thủ mua dăm ba ký củ kiệu tươi về, tự làm sạch, pha sẵn giấm đường để ngâm củ kiệu. Kiệu được đem phơi nắng, xếp vào keo, ngâm nước chua ngọt, đợi đến Tết là có thể dùng kèm thịt, cá ngày Tết. Kiệu là món ăn dân dã, rất tốt cho hệ tiêu hóa nên luôn được ưa chuộng bên cạnh “mâm cao cỗ đầy”.

Bà Hồ Thị Ánh Tuyết (65 tuổi, ngụ xã Long Điền B, huyện Chợ Mới) có nhiều năm chuẩn bị củ kiệu ngày Tết. Bà chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, khách hàng quen sợ tôi làm củ kiệu ít, nên đặt trước. Dù củ kiệu có nhiều ở siêu thị hay cơ sở khác, nhưng họ thích công thức tôi làm theo vị truyền thống. Dưa kiệu được phơi nắng, đảm bảo màu trắng ngà tự nhiên, không dùng chất bảo quản mà thơm giòn, giữ lại chút hăng hăng đặc trưng của kiệu”.

Sắp đến Tết, rau củ đều tăng giá, các bà nội trợ vội đi mua củ hành tím, củ cải đỏ, đầu heo về làm dưa chua đầu heo. Dù tốn thời gian, lắm công phu, nhưng đến khi thành phẩm, món ăn này có thể trữ sẵn trong tủ lạnh ăn dần. Hoặc khi khách đến nhà bất chợt, còn có dưa chua, lạp xưởng, khô các loại để cánh mày râu “nhâm nhi”.

Ngoài 60 tuổi, sức khỏe không còn như trước, cô Nguyễn Thị Năm (ngụ phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) vẫn giữ thói quen làm tôm khô, dưa chua cho những ngày con cháu về nhà sum vầy. Cô tâm sự: “Giờ sống ở thành thị rồi, không có không gian, cũng không nhiều cá đồng, tép đồng để làm đúng hương vị món ăn thuở trước. Thế nhưng, mỗi năm từ TP. Hồ Chí Minh, Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) về, con cháu lại thèm món ăn ngày xưa của bà ngoại. Mọi năm, từ thời điểm này, tôi cố gắng chuẩn bị để các cháu được ăn thỏa thích”.

Là người có thói quen làm khô dịp Tết để gia đình ăn uống và mời khách, đến nay chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền (ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) mạnh dạn chia sẻ sản phẩm khô nhà làm cho bạn bè và một số khách thân quen. Chị Tuyền chia sẻ: “Cứ gần Tết là tôi hay làm khô cá tra, khô cá lóc, cá sặc. Bạn bè đến chơi, ăn thấy thích nên nhờ tôi làm để họ tặng cho người thân, khách hàng ở TP. Hồ Chí Minh. Người phương xa khi ăn khô cá tra ở An Giang cảm thấy hay, lạ, bởi cá phi-lê sẵn, được ướp tẩm gia vị vừa phải, phơi vài nắng không để cá quá khô, khi chiên lên vừa giòn giòn, mềm mềm, ăn kèm các loại dưa chua”.

Giáp Tết, bên cạnh các loại mắm nhà làm, chị Huỳnh Hải Yến (ngụ phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) còn phát triển thêm món dưa trái sung. Theo chị Yến, ngày nay món ăn ngày Tết rất đa dạng, khách hàng có nhiều sự lựa chọn. Thế nhưng, sau tất cả thực phẩm giàu dinh dưỡng, sang trọng, một số người tìm về món ăn dân dã để thưởng thức dịp Tết. Do vậy, chị Yến nhận đặt hàng từ các loại mắm cá lóc phi-lê trộn đu đủ thái sợi, gừng thái sợi, dưa gừng, dưa kiệu, dưa trái sung, bánh gai vị truyền thống... để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Tết trong ký ức tuổi thơ của thế hệ 6X, 7X, 8X còn là những loại mứt, bánh kẹo “nhà làm”, mà sau quá trình sản xuất công nghiệp, nhiều người lại thèm hương vị ngày xưa. Dù rất yêu thích mứt dừa, mứt bí đao, thèo lèo, nhưng mỗi năm đi mua bánh mứt làm sẵn về, cô Nguyễn Thị Thảo (ngụ thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn) đều cảm thấy không ưng ý. Cô bày tỏ: “Năm nay, có thời gian rảnh, tôi sẽ làm mứt dừa, mứt khoai lang dẻo, cà na ngào đường sấy dẻo, dưa chua củ kiệu, tôm khô, khô cá lóc, khô cá trạch và chuẩn bị sẵn nếp, đậu để gói bánh tét.

Trước là để con cháu đi làm ở tỉnh Bình Dương, Đồng Nai về ăn Tết, ăn giỗ, sau là có quà để mang theo ăn dần sau Tết. Cuộc sống giờ phát triển, con cháu thèm gì là có đó, không thiếu gì ở thành phố lớn. Thế nhưng, điều các cháu thiếu là cái tình trong mỗi món ăn quê, thiếu không khí tất bật chuẩn bị món ăn, trang hoàng ngày Tết ở quê”.

Nhớ lại những ngày Tết của 20-30 năm về trước, cô Thảo chia sẻ thêm: “Sau những ngày sạ lúa, bón phân, người dân không tất bật chuyện đồng áng nên có thời gian chuẩn bị món ăn ngon. Thêm nữa là cuộc sống ngày đó còn nhiều thiếu thốn, nếu không tận dụng những thứ trồng được, đánh bắt quanh nhà thì lấy tiền đâu mua sắm đầy đủ ngày Tết. Trẻ con thấy bánh, kẹo là vui, ăn món gì cũng thấy ngon, cứ đợi đến Tết mới được thưởng thức. Còn giờ, cuộc sống đủ đầy, các cháu không biết không khí Tết xưa là gì, mình từng trải thì kể lại cho con cháu cùng nghe, để lưu giữ chút kỷ niệm ngày xuân”.

Năm tháng trôi qua, nhưng trong ký ức của nhiều người, món ngon ngày Tết vẫn còn sâu đậm. Dẫu chị em phụ nữ bận rộn việc công sở, kinh doanh, không tự tay làm món ăn, nhưng họ rất cố gắng học hỏi tự làm, hoặc mua nơi tự làm, với mong muốn mâm cơm ngày Tết đủ đầy, tròn vị, mang không khí quây quần, đầm ấm.

NGỌC GIANG